Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tình trạng một bộ phận người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ với lý do “phòng dịch Covid-19” không chỉ làm bất ổn thị trường, mà còn tạo cơ hội cho các nhóm đầu cơ trục lợi. Đó là chưa kể việc tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Người dân chờ thanh toán tiền.
Đổ xô đi mua hàng tích trữ
Trước đó, Sở Công Thương cho biết đã vận động các siêu thị cam kết tăng nguồn cung không để thiếu hàng và kêu gọi người dân không tích trữ thực phẩm, chỉ mua đủ dùng. Tuy nhiên, từ chiều ngày 23.3, Sở Y tế công bố Tây Ninh có hai ca dương tính với SARS-CoV-2, người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm mua hàng. Tại siêu thị Co.opMart, các mặt hàng được người dân mua tích trữ chủ yếu là: mì tôm, gạo, sữa, thực phẩm trữ mát, gia vị các loại và các đồ ăn sẵn khác…
Anh Hùng, một khách hàng ngụ tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu vừa chọn mì tôm vừa chia sẻ: từ khi Bộ Y tế công bố ca bệnh số 17, lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh cùng gia đình đã mua hàng tích trữ khoảng 3 triệu đồng, chủ yếu là nhu yếu phẩm, thực phẩm đông lạnh. Đến khi nghe thông tin Tây Ninh có 2 ca nhiễm bệnh, gia đình anh tiếp tục mua hàng dự trữ hết khoảng 7 triệu đồng, chủ yếu là gạo, mì gói, sữa tươi…
“Không biết dịch bệnh diễn biến thế nào nhưng thấy mọi người đi mua hàng tích trữ nên mình cũng mua để trong nhà cho yên tâm, chứ thật ra thực phẩm mua từ đợt trước đến nay vẫn còn nhiều lắm!” - anh Hùng cho biết.
Theo một cửa hàng gạo trên đường Trưng Nữ Vương, TP. Tây Ninh, từ 13 giờ ngày 23.3, cửa hàng đã nhận được khoảng 20 đơn mua gạo, mỗi đơn hàng từ 2-3 bao (tương đương 50 - 75kg/đơn hàng). Chủ đại lý này khẳng định giá gạo sẽ không tăng vì nguồn cung dồi dào, kho hàng của gia đình vẫn còn hàng ngàn tấn gạo các loại, bảo đảm đủ hàng cung cấp nên người dân không cần mua hàng dự trữ vì gạo để lâu, bảo quản không tốt sẽ gây mốc, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dùng.
Sáng 24.3, người dân đến mua hàng tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng thực phẩm và một số tiệm tạp hoá khá đông, mỗi người mua từ 1-2 thùng mì gói, gạo, sữa, nhu yếu phẩm… Tuy nhiên, sức mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà, cá, hải sản… vẫn bình thường, không tăng cả về lượng hàng hoá và giá bán.
Ông Trần Thanh Thiên - Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, tổng giá trị tăng trưởng doanh thu ngày 23.3 tăng mạnh, trong đó tập trung ở các nhóm hàng lương thực, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu ăn, gia vị; thực phẩm chế biến trữ mát.
Cam kết đủ hàng
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đại diện các siêu thị khuyến cáo, người dân không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn và chỉ nên mua đủ dùng cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào.
Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh khẳng định, lượng hàng hoá Co.opMart Tây Ninh và Co.opMart SCA Tây Ninh dự trữ cho dịch Covid-19 đều được tăng từ 2-3 lần, tương đương lượng hàng hoá dự trữ cho đợt Tết Nguyên đán 2020, gồm các mặt hàng như gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thuỷ hải sản, các mặt hàng đông lạnh… bảo đảm lượng cung lớn, vừa bảo đảm giá không tăng để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Ông Bảo cũng khẳng định, siêu thị không điều chỉnh tăng giá các mặt hàng trong thời điểm hiện tại. Các mặt hàng chống dịch Covid-19 như gel rửa tay, chất tẩy rửa, khẩu trang đã được siêu thị tăng cường dự trữ từ 4 đến 5 lần. Và để hạn chế tình trạng mua gom hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá, siêu thị giới hạn các mặt hàng như mì gói, gel rửa tay, gạo…
Bên cạnh đó, các siêu thị Co.opMart, Vinmart, Vinmart+, Bách Hoá Xanh còn triển khai các chương trình giảm giá cho các mặt hàng thực phẩm như xúc xích, gạo, mì gói, cá hộp, thịt, hải sản, trái cây, rau củ, gia vị, dụng cụ nhà bếp. Tỷ lệ giảm giá trung bình từ 15% đến 45% tuỳ nhóm hàng.
Tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cũng khẳng định lượng trái cây, rau củ quả, thịt gia súc - gia cầm, mì tôm, đồ hộp các loại vẫn khá dồi dào, giá cả ổn định và bảo đảm cung cấp đủ cho người dân. Các tiệm tạp hoá cũng đã làm việc với nhà phân phối từ đầu tháng 3 và tăng lượng hàng nhập vào từ 2-3 lần nên chắc chắn không thiếu hàng.
Chị Hạnh - tiểu thương chợ Tây Ninh cho biết: “Đầu tháng 3 khi người dân mua nhiều mì gói, bột giặt, giấy vệ sinh, gia vị... tôi đã liên hệ với nhà cung cấp để mua hàng hoá. Đến nay, lượng hàng tôi nhập vào đã tăng gấp đôi. Riêng mặt hàng sữa tươi, sữa chua đã tăng lên 3 lần.
Nhà cung cấp cũng bảo đảm sẽ cung cấp hàng theo đúng số lượng yêu cầu, giá cả vẫn giữ nguyên. Người dân mua hàng tích trữ vì sợ thiếu hàng và giá tăng, nhưng Ban quản lý chợ, Sở Công Thương đã tuyên truyền, nhắc nhở chúng tôi về việc bán hàng đúng giá, nếu vi phạm sẽ bị phạt, tôi khẳng định không thiếu hàng, không tăng giá, người dân chỉ mua hàng đủ dùng trong gia đình là được”.
Những giỏ hàng đầy mì tôm.
Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, không nên hoang mang, lo lắng quá mức. Không mua hàng theo tâm lý đám đông để dự trữ, tránh tình trạng khan hiếm hàng ảo.
Trên địa bàn tỉnh có ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng hai ca này từ nơi khác đến, không phải nội địa của tỉnh Tây Ninh, không có yếu tố nội tại. Cơ quan Y tế phát hiện 2 bệnh nhân này ngay từ lúc nhập cảnh tại cửa khẩu và tiến hành cách ly kịp thời, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh đúng quy định của Bộ Y tế.
Sau đó, Ban Chỉ đạo đã có phản ứng kịp thời, phù hợp, triển khai ngay trong đêm. Các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt ngay trong đêm để tham vấn chuyên môn, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tham vấn chuyên môn cho ngành y tế nên các yếu tố lây truyền được đánh giá, kiểm soát.
Tây Ninh đang đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh, tăng cường tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh Covid-19 nhằm giảm thiểu tối đa lây lan; sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khoẻ, tính mạng của mỗi người dân.
Do đó, người dân cần thật bình tĩnh, không hoang mang lo lắng thái quá; không cần phải đổ xô mua hàng tích trữ gây hoang mang mọi người, tạo cơ hội cho kẻ xấu đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao để trục lợi. Khi đó, người dân chính là những người chịu thiệt đầu tiên. Việc cần thiết hiện nay là người dân cần thực hiện đúng các khuyến cáo y tế; tự giác khai báo lịch trình và khai báo y tế với các cơ quan chức năng.
Vũ Nguyệt