Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Du lịch nông thôn, trải nghiệm:
Tiềm năng chưa được khai thác
Thứ hai: 08:44 ngày 03/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển du lịch nông thôn là động lực góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.

Du khách tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đặc thù của địa phương: có nghề làm bánh tráng phơi sương, mây, tre, đan, chằm nón lá, làm nhang... Các loại rau - quả như mãng cầu Bà Ðen, dưa lưới, sầu riêng Bàu Ðồn, rau rừng. Sản phẩm chế biến, thảo dược như: trà Hoàn Ngọc 7 Nga, trà Tâm Lan, rượu mãng cầu, Vancy nho rừng, muối tôm, muối ớt, bánh tráng phơi sương... Món ăn có bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc rau rừng, các món ăn chay, các món ăn chế biến từ bò tơ.

Du lịch nông thôn chưa khởi sắc

Tây Ninh hội đủ các điều kiện phát triển du lịch với đa dạng sản phẩm du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái... như: di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, “địa chỉ đỏ” trong những chuyến du lịch về nguồn của du khách bốn phương; núi Bà Ðen- ngọn núi cao nhất Nam bộ mang vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, cùng sự oai nghiêm của chùa Bà tạo cho cảnh vật nơi đây sự tĩnh lặng huyền ảo; Toà thánh Cao Ðài- công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, kết hợp hài hoà giữa mỹ thuật kiến trúc Á Ðông và phương Tây, là nơi thu hút hàng trăm ngàn tín đồ vào các dịp lễ lớn; hồ Dầu Tiếng- hồ thuỷ nông nhân tạo lớn nhất khu vực Ðông Nam Á, với 27.000 ha diện tích mặt nước đóng vai trò quan trọng về thuỷ lợi đối với Tây Ninh và một số tỉnh trong khu vực Ðông Nam bộ.

Bên cạnh đó, Tây Ninh còn là một trong 21 tỉnh, thành phố vinh dự có di sản nghệ thuật Ðờn ca tài tử, đã được UNESCO công nhận Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; nghệ thuật múa trống Chhay-dăm được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; ẩm thực Tây Ninh còn nổi tiếng cả nước về sự tinh tế, là sự dung hoà của nhiều món ngon từ các vùng, miền đưa về, mang đặc trưng không thể trộn lẫn, thể hiện qua những món ăn dân dã nhưng trở thành đặc sản như bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, các món ăn chay, muối tôm Tây Ninh...

Với những lợi thế nêu trên, Tây Ninh có nhiều triển vọng trở thành một trong những cửa ngõ đón khách quốc tế, trung tâm du lịch vùng Ðông Nam bộ theo hướng du lịch truyền thống lịch sử, tâm linh tín ngưỡng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, tham quan các làng nghề kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch cửa khẩu, mua sắm...

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch mới nên việc phát triển còn gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách cụ thể từ Trung ương; chưa có quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Do đó, công tác xúc tiến du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn chưa đủ mạnh, chưa chủ động tìm kiếm thị trường; việc quảng bá hình ảnh du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng chưa được chú trọng.

Sản phẩm hàng hoá ngành nghề nông thôn phần lớn chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh còn hạn chế; người dân tại làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại nên sự tham gia của họ vào du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng chưa cao, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, công tác kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn; có ít nhà đầu tư và chưa có nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực này.

Phát triển du lịch nông thôn là động lực góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, phát triển du lịch nông thôn ở Tây Ninh trong thời gian qua mang tính tự phát, manh mún. Phần lớn sản phẩm chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống.

Trải nghiệm của du khách với nhà nông còn ở mức đơn giản, nhỏ lẻ mà chưa tận dụng được hết lợi thế thu hút và tăng khả năng chi tiêu của du khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Các tour du lịch làng nghề hiện nay chưa được nhiều doanh nghiệp lữ hành thiết kế, quảng bá đến du khách.

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Farmstay là loại hình du lịch trang trại, nơi mà khách lưu trú đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động thực tế thú vị. Loại hình này thu hút sự quan tâm và nhu cầu tìm hiểu, khám phá của đông đảo du khách hiện nay, nhất là giới trẻ và khách quốc tế. Tại Tây Ninh, farmstay là hình thức du lịch còn khá mới và chưa có nhiều người thực hiện.

La’s Farmstay (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) có diện tích khoảng 4 ha. Anh La Quốc Phong (ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh) - chủ của farmstay này có ý tưởng thực hiện sau chuyến đi du lịch nước ngoài. Năm 2017, anh đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan… Ðến tháng 12.2020, farmstay chính thức đi vào hoạt động.

Du khách tham gia tour Welcome to Tây Ninh trải nghiệm làm bánh trángở La’s Farmstay.

Anh Phong chia sẻ “Farmstay là ghép của hai từ “farm” và “stay”, trong đó, lấy "farm" là chính, “stay” là phụ. Ðiều quan trọng ở farmstay là du khách có những trải nghiệm như cùng tham gia trồng và chăm sóc cây với nông dân, thu hoạch trái cây; tìm hiểu về nông nghiệp sạch, về đời sống của người nông dân. Họ có thể cùng tham gia sản xuất, nấu ăn, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân hoặc học hỏi từ nhà nông, giao lưu với cộng đồng địa phương…”.

Hiện nay, trong farmstay có chăn nuôi gia súc, gia cầm như heo rừng, dê, bò, gà và trồng các loại nông sản, vườn cây ăn trái. Hoạt động ở farmstay gần như theo phương thức “tự cung, tự cấp”. Mục tiêu của anh Phong là “from farm to the table”- nghĩa là từ nông trại mang lên bàn ăn các loại nông sản sạch. Do đó, các loại rau, trái cây trong vườn được anh sử dụng phân bón vi sinh, an toàn cho người sử dụng.

Anh Phong cho biết, anh muốn tái hiện những làng nghề truyền thống tại farmstay. Hiện anh đã xây xong hai lò bánh tráng để du khách có thể xem và tự trải nghiệm cách làm bánh, nướng bánh. Farmstay còn có khu vực trồng rau sông để du khách tự hái rau; trải nghiệm chèo ghe, câu cá... Sắp tới, anh sẽ đầu tư khu vực bếp công cộng để du khách tự nấu nướng, phục vụ.

Ðối với phòng nghỉ, hiện farmstay có 3 bungalow, 4 phòng, 2 lều Mông Cổ; nếu tăng cường thêm topper thì có thể phục vụ cho khoảng 40 người. Khách đến trải nghiệm tại farmstay chủ yếu là người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Trải nghiệm hái rau rừng.

Chị Lê Thị Như Oanh- Giám đốc điều hành Công ty thương mại dịch vụ du lịch Hương Sen Việt cho biết, để quảng bá du lịch địa phương, công ty phát triển tour “Welcome to Tây Ninh”, gồm 3 chùm tour: trải nghiệm ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát như picnic dành cho gia đình, chạy xe đạp check-in xuyên rừng, team building (lửa trại, gala… đối với các nhóm); tour City Tây Ninh (tham quan núi Bà Ðen, nhà hàng chay Phước Lạc Viên, Toà thánh, sau đó du khách sẽ có 3 lựa chọn: đi Khedol, chùa Gò Kén hoặc vườn thuốc nam Huỳnh Lương); tour Welcome to Trảng Bàng với những trải nghiệm như hái rau rừng, tráng bánh tráng phơi sương, trải nghiệm ở La’s Farmstay…

Chị Oanh chia sẻ, thời gian đầu khi mới đưa vào khai thác, các tour này còn ít người tham gia. Công ty đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho chùm tour Welcome to Tây Ninh, đến nay thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Khi xây dựng chùm tour này, ngoài mục tiêu thu hút khách nội địa, công ty còn hướng đến khách du lịch quốc tế.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tây Ninh nhận định, du lịch trải nghiệm, nông thôn là xu hướng du lịch hiện được rất nhiều người lựa chọn. Tây Ninh có thể xem là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, do đó có tiềm năng phát triển kinh tế- nhất là nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết hợp với phát triển ngành du lịch.

Ðể làm được điều này, tỉnh cần có định hướng rõ ràng. Với vai trò của mình, Hiệp hội Du lịch Tây Ninh sẽ đồng hành cùng những người muốn phát triển ngành du lịch trải nghiệm, nông thôn, góp phần hỗ trợ về mặt định hướng, chiến lược, lộ trình.

Sản phẩm từ trái cà na được trồng ở La’s Farmstay.

Ðể phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Ðề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh; chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Ðề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2030. Mặt khác, ban hành danh mục dự án du lịch mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020, đã mời gọi được một số nhà đầu tư vào các dự án du lịch của tỉnh như:

Tập đoàn Sungroup đầu tư Khu du lịch núi Bà Ðen và Trung tâm thương mại Vincom; Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng và Tổng Công ty MBLand đầu tư Dự án văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn dịch vụ.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng; lập dự án phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Mặt khác, kêu gọi đầu tư phát triển đối với lĩnh vực này; hỗ trợ người dân trong đầu tư phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến loại hình sản phẩm nông thôn và vay vốn đầu tư; kết nối đồng bộ các điểm du lịch với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cũng như liên kết du lịch sinh thái trong khu vực Ðông Nam bộ (du lịch liên tuyến).

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục