Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Rừng Tà Đùng có nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế cao và là nguồn gene quý hiếm của nước ta.

Từ thị xã Gia Nghĩa, theo Quốc lộ 28 hướng về và đi qua trung tâm huyện Đắk Glong khoảng 10km nữa là tới Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng. Ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển nên cả khu BTTN với diện tích hơn 26.000ha này luôn trong điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, các thành phần động thực vật rất đa dạng và phong phú.
![]() |
Voọc Chà vá chân nâu, một trong những động vật đặc trưng của Tà Đùng |
Theo điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam thì rừng Tà Đùng có nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế cao và là nguồn gene quý hiếm của nước ta như tùng bách, thông 2 lá, thông 3 lá, thông nàng, vù hương, trầm hương, vàng đắng, cây ổ kiến (nguyên liệu chế biến thuốc chữa gan)… Ngoài ra, tại đây còn có 37 loài thú thuộc 17 họ, 7 bộ, trong đó có 14 loài thuộc diện quý hiếm đã ghi vào sách đỏ Việt Nam, 10 loài có tên trong sách đỏ thế giới. Về chim, hiện khu bảo tồn có 10 loài thuộc 33 họ, 13 bộ. Nếu so sánh với các khu hệ chim đã biết thì thành phần chim của Tà Đùng chiếm 1/8 loài chim, 1/3 số họ chim hiện có ở Việt Nam…
![]() |
Du khách đi thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng |
Vài năm gần đây, khi Thuỷ điện Đồng Nai 3 tích nước thì Tà Đùng có thêm hồ nước nhân tạo rộng mênh mông, trên đó có tới 36 hòn đảo lớn nhỏ. Trong lòng hồ có nhiều thuỷ sản và từ đó đã và đang hình thành một nghề sản xuất mới: đánh bắt thuỷ sản. Dưới chân núi Tà Đùng, bên hồ Thuỷ điện Đồng Nai 3, là những bon làng người Mạ, người Kinh, người Mông sinh sống, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc và phong phú…
Theo báo Daknong