BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng:

Tiềm năng phát triển du lịch 

Cập nhật ngày: 13/02/2021 - 08:02

BTN - Trảng Bàng nằm trên trục đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Campuchia, cách TP. Hồ Chí Minh 43km, cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 40km, cách thành phố Tây Ninh 55km. Trảng Bàng có hệ thống giao thông nối liền nhiều địa phương trong tỉnh và có đường liên tỉnh nối Bình Dương, Bình Phước ở Đông Nam bộ và tỉnh Long An ở phía Nam.
Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tài nguyên du lịch như sông Vàm Cỏ Đông, Sài Gòn, hệ thống đền, chùa, các di tích lịch sử, các cơ sở thủ công mỹ nghệ; có những món ngon nổi tiếng như bánh canh, bánh tráng phơi sương… Trảng Bàng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Giai đoạn 2017-2019, hoạt động du lịch của Trảng Bàng chỉ mang tính tự phát. Một số điểm tham quan như làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử chỉ thu hút khách thập phương vào các ngày lễ hội. Hệ thống cơ sở lưu trú cũng chưa phát triển, chỉ có một số nhà nghỉ và khách sạn 1, 2 sao.

Du lịch chưa được khai thác, chưa đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước thực trạng đó, cuối tháng 7.2020, UBND Thị xã phê duyệt Đề án phát triển du lịch thị xã Trảng Bàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở để Thị xã tăng cường khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương, thu hút đầu tư, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương và phát triển cộng đồng.

Ông Phan Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND phường Gia Lộc cho biết, theo Đề án, phường có một số địa điểm tiềm năng để phát triển du lịch. Chẳng hạn như vườn rau Gia Lộc, là vườn rau rừng, được chủ nhà lấy gốc từ bờ sông, suối đem về trồng để bán cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ món bánh tráng phơi sương và các món đồng quê khác.

Đây là nơi có thể phát triển thành điểm đón khách đến tham quan, mua rau và thưởng thức bánh tráng phơi sương. Bên cạnh đó, vườn lan Hoàng Gia với diện tích khoảng 2,5 ha, được thành lập khoảng 20 năm, cũng có thể là điểm tham quan hấp dẫn với những người yêu hoa. Ngoài ra, trên địa bàn còn có cơ sở đúc đồng - lò rèn, có thể khai thác du lịch theo hướng tổ chức tham quan làng nghề truyền thống.

Còn tại phường An Hoà, Nature House homestay là mô hình homestay (lưu trú tại nhà dân) mà khách tham quan sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị. Homestay có môi trường xanh, sạch, đẹp, có các dịch vụ ăn uống cho du khách và quầy bán hàng lưu niệm. Quy mô của cơ sở tuy nhỏ nhưng rất thân thiện.

Khách đến tham quan Nature house homestay

Anh Lê Minh Nhựt- chủ homestay cho biết, anh bắt đầu thực hiện mô hình này từ cuối năm 2017. Khách đến trải nghiệm tại homestay là những người bạn. Do đó, anh mong muốn đây sẽ là nơi kết nối để mọi người cùng gặp gỡ, giao lưu, có thêm những mối quan hệ mới. Homestay có khu vực nhà màng trồng rau sạch với khoảng 2.000m2 rau thuỷ canh, thổ canh. Ngoài ra, anh còn hợp tác với tổ chức phi chính phủ, có các tình nguyện viên nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho trẻ em trong khu vực.

Theo Đề án, tiềm năng du lịch của Trảng Bàng gồm tài nguyên du lịch tự nhiên như sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua địa phận Trảng Bàng), với lòng sông rộng, lưu vực hai bên bờ bằng phẳng là điều kiện thích hợp để xây dựng các trang trại miệt vườn phục vụ nhu cầu du lịch giải trí sinh thái cuối tuần như ẩm thực sông nước, câu cá thư giãn, homestay, farmstay (du lịch ở trang trại)…

Đây là tuyến du lịch sinh thái bằng đường sông hấp dẫn, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của thị xã Trảng Bàng. Ngoài ra, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn Thị xã với 23,25km. Dọc sông Sài Gòn có thể xây dựng các khu du lịch vui chơi giải trí và cảng du lịch kết nối với tuyến TP. Hồ Chí Minh, Củ Chi, Trảng Bàng, tổ chức tàu du lịch trên sông…

Bên cạnh đó, Trảng Bàng còn có tài nguyên du lịch nhân văn như: tháp cổ Bình Thạnh, Khu di tích lịch sử Rừng Rong, Địa đạo An Thới, di tích Rạch Tràm, cơ sở đúc đồng - lò rèn, cơ sở đan nón, chùa Phước Lưu, đình Gia Lộc, làng nghề bánh tráng phơi sương…

Thị xã Trảng Bàng sẽ phát triển đồng thời cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, chú trọng khai thác thị trường khách có lưu trú, duy trì và phát triển thị trường khách tham quan. Xây dựng sản phẩm du lịch mới cho các cụm du lịch, tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại khu, điểm du lịch trọng điểm để làm điểm nhấn thu hút khách du lịch, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Trảng Bàng gắn liền với tài nguyên du lịch tự nhiên, di tích lịch sử và tâm linh. Tuy nhiên, quan điểm của Thị xã là phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn và phải phát triển theo hướng bền vững.

Các sản phẩm du lịch của Trảng Bàng sẽ bao gồm du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh, văn hoá, lịch sử; du lịch kết hợp giải trí và mua sắm ở trung tâm phường Trảng Bàng; du lịch ẩm thực. Trong đó, du lịch cộng đồng là loại hình rất phù hợp với đặc điểm tài nguyên và hoạt động sản xuất của địa phương.

Du khách tham gia loại hình này sẽ tìm hiểu văn hoá của cư dân bản địa cùng các hoạt động trải nghiệm về sản xuất, thủ công mỹ nghệ, thu hoạch và thưởng thức trái cây. Sau đó, họ sẽ lưu trú trong nhà dân (homestay) hoặc các căn nhà xây ngoài vườn - trang trại, được gọi là farmstay. Các địa phương có khả năng phát triển loại hình du lịch này là phường An Hoà và phường Gia Lộc.

Tháp cổ Bình Thạnh (Ảnh: Ngọc Diêu)

Để phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cả về số lượng lẫn chất lượng, thị xã Trảng Bàng sẽ tập trung vào một số biện pháp chính như: tăng cường số lượng phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn xếp hạng sao; khuyến khích các cơ sở kinh doanh lưu trú cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú chưa đạt hạng tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch; phát triển hệ thống khách sạn cao cấp phục vụ khách du lịch chi tiêu cao, nâng cao chất lượng sản phẩm lưu trú. Bên cạnh hệ thống khách sạn, hệ thống nhà nghỉ, homestay sẽ được chú ý phát triển.

Trong giai đoạn 2020-2025, thị xã Trảng Bàng ưu tiên các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, các khu di tích lịch sử; nghiên cứu mở các tuyến xe buýt đến 3 không gian du lịch của Thị xã từ các thị trường tiềm năng; đầu tư các dịch vụ cần thiết cho việc phát triển du lịch như ngân hàng, internet - wifi, trạm y tế, bưu điện. Bên cạnh đó, Thị xã sẽ nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đầu tư tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, tài nguyên du lịch để phát huy giá trị phục vụ khách du lịch; xây dựng đề án phát triển các sản phẩm đặc trưng của Trảng Bàng…

Giai đoạn từ 2026-2030, Thị xã sẽ tăng cường hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển hệ thống sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của du lịch; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật chất lượng cao; củng cố và hoàn thiện đội ngũ nhân sự trong ngành du lịch Thị xã từ cán bộ quản lý đến nhân sự phục vụ trong các cơ sở kinh doanh; tiếp tục đầu tư cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch để củng cố và nâng tầm thương hiệu du lịch cho Trảng Bàng.

Nature House homestay, phường An Hoà

Định hướng các không gian phát triển du lịch Trảng Bàng gồm: không gian cánh Tây có xã Phước Bình, Phước Chỉ. Đây là khu vực có tiềm năng du lịch về nguồn, du lịch sinh thái với tháp cổ Bình Thạnh; trang trại trồng khóm; Khu di tích Rạch Tràm (nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Tây Ninh) đang có kế hoạch nâng cấp; trại nuôi cà cuống (đặc sản của Trảng Bàng).

Không gian trung tâm phường Trảng Bàng bao gồm phường Trảng Bàng, An Tịnh, An Hoà, Gia Bình, Gia Lộc. Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn về du lịch như ẩm thực, mua sắm, tâm linh, tín ngưỡng, du lịch làng nghề, homestay.

Không gian cánh Đông bao gồm phường Lộc Hưng, xã Hưng Thuận và Đôn Thuận, khu vực dọc theo lưu vực sông Sài Gòn. Đây là khu vực có tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch sông nước với các điểm tài nguyên du lịch chính là sông Sài Gòn và một số di tích lịch sử như Khu di tích Bời Lời, Khu di tích Rừng Khỉ. Ngoài ra, còn có chùa Tây Pháp (chi nhánh của chùa Hoằng Pháp, còn được gọi là Thuỷ Hoa Viên), một địa điểm tham quan nổi tiếng với giới trẻ.

T.L