Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng các hành lang kinh tế Asean:
Tiềm năng, vị thế của Tân Biên
Thứ sáu: 06:03 ngày 16/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với vị trí địa lý thuận lợi, huyện Tân Biên rất giàu tiềm năng để trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế quan trọng của cả nước nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng một khi tiềm năng được khai thác đúng mức.

Hải quan Cửa khẩu quốc tế Xa Mát kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá trước khi thông quan. Ảnh: Huỳnh Minh Đức

Nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, trên biên giới Tây Nam Tổ quốc, huyện Tân Biên có vị thế đặc biệt quan trọng trong các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến, Tân Biên hai lần được chọn là nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam, cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn.

Trong hoà bình, đất nước hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế khu vực Đông Nam Á, với vị trí địa lý đó huyện Tân Biên rất giàu tiềm năng để trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế quan trọng của cả nước nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng một khi tiềm năng được khai thác đúng mức.

VÀI NÉT VỀ BA HÀNH LANG KINH TẾ ASEAN

Hiện nay, các nước ASEAN đang tham gia vào việc xây dựng ba hành lang kinh tế gồm Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế Bắc - Nam và Hành lang kinh tế phía Nam của khu vực. Ba hành lang kinh tế này tạo thành xương sống cho kết cấu hạ tầng giao thông ở tiểu vùng sông Mekong. Dọc theo ba hành lang kinh tế này là ba trục đường chính Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam; Thái Lan - Lào - Trung Quốc (Côn Minh) và Thái Lan - Campuchia - Việt Nam. Khi Hành lang kinh tế Bắc - Nam được hoàn thành, toàn bộ tuyến xa lộ Côn Minh - Bangkok nối Trung Quốc xuống phía Nam qua Lào và Thái Lan bằng đường bộ.

Một khi hạ tầng giao thông được định hình sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia. Điều này có nghĩa, lợi thế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu không kết nối được với hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực (kết nối hướng Đông - Tây). Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng mới các quốc gia đang xây dựng sẽ tạo ra tuyến giao thông xuyên suốt giữa Trung Quốc và Đông Nam Á (phần lục địa) mà không đi qua Việt Nam.

Như vậy, vai trò cầu nối Đông Nam Á của Việt Nam bị mất đi. Trong tương lai, nếu các cảng khác của Thái Lan được quy hoạch và hoàn thành, hay khi hệ thống kết cấu hạ tầng cứng nối liền từ Côn Minh chạy xuyên qua Lào đến Bangkok, hoặc khi thị trường Đông Nam Á nối liền với Nam Á qua trạm kết nối Myanmar với các cảng của Thái Lan, nước Thái sẽ có ưu thế lớn hơn. Điều đó sẽ khiến Việt Nam phải lựa chọn các điểm tiếp nối kết cấu hạ tầng khu vực sao cho không bị đầu tư dàn trải.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHAI THÁC LỢI THẾ CỦA TÂN BIÊN?

Một vấn đề cần được quan tâm, huyện Tân Biên (Tây Ninh) có vị trí như thế nào trong xây dựng Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế Bắc - Nam và Hành lang kinh tế phía Nam của ASEAN?

Việc xây dựng hạ tầng giao thông của Việt Nam hiện nay được đầu tư theo hướng Bắc - Nam với quốc lộ 1 và hệ thống cảng biển được quy hoạch thành sáu nhóm cho ba miền. Trong kết nối quốc tế, Việt Nam mới chỉ kết nối giao thông với Trung Quốc (từ Vân Nam qua Lào Cai và từ Quảng Tây qua Lạng Sơn) với các tuyến nội địa như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Như vậy, có thể hình dung Việt Nam đang thiếu các kết nối Đông Tây với ASEAN.

Để phát huy lợi thế của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có, đồng thời là cầu nối Đông Nam Á với thế giới, việc tăng cường các kết nối hạ tầng giao thông Đông - Tây với ASEAN là điều quan trọng. Đã có những dự án đánh giá khả thi như xây dựng tuyến đường sắt Vientiane (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam). Tuy nhiên, cảng Vũng Áng ở khu vực địa hình hẹp, lại cách xa các trung tâm logistics (hậu cần, dịch vụ vận chuyển hàng hoá) nên lợi thế sử dụng cảng này làm cửa ngõ không lớn.

Trong khi đó, Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế biên giới trọng điểm Việt Nam - Campuchia, có hệ thống giao thông huyết mạch: đường Xuyên Á, quốc lộ (QL) 22, QL 22B, QL N2 (đường HCM), QL N1 (đường vành đai  biên giới đang xây dựng). Mặt khác, nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh là cầu nối gần nhất giữa trung tâm kinh tế của cả nước với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Ngoài tiềm năng về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Tây Ninh còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ với đầy đủ và tương đối đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Vùng kinh tế này đã, đang là khu vực rất hấp dẫn đầu tư về nhiều lĩnh vực như công nghiệp, hệ thống đường quốc gia, quốc tế, kinh tế cửa khẩu, các dự án đầu tư về du lịch.

Đây sẽ là những tiền đề tạo bước đột phá so với tỉnh khác và các khu vực phát triển kinh tế trong nước và quốc tế. Ngoài vị thế là cửa ngõ giao thương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, Tây Ninh còn các lợi thế về đường bộ, đường sông (sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn). Đặc biệt, trong kết nối hạ tầng Đông - Tây với ASEAN qua 3 cửa khẩu Mộc Bài (Bến Cầu), Xa Mát, Chàng Riệc (Tân Biên) bằng đường bộ, Tân Biên có vị thế đặc biệt.

Tân Biên là huyện biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Tây Ninh; có diện tích tự nhiên 85.332 ha, có đường biên giới giáp Campuchia dài 92,5km. Tân Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn huyện có 9 xã, 1 thị trấn; có 3 xã biên giới tiếp giáp với 8 xã, 4 huyện, 3 tỉnh của Campuchia.

Dọc tuyến biên giới này có cửa khẩu quốc tế Xa Mát, cửa khẩu chính Chàng Riệc và cửa khẩu phụ Tân Nam, Tân Phú. Nếu quốc lộ 22B trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Campuchia  kết nối với Thái Lan, từ đó sẽ hình thành tuyến Đông - Tây, qua đó thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam với Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia. Việt Nam sẽ có lợi thế khi kết nối được với hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực, đồng thời sẽ có sự kết nối gần nhất (so với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) với Hành lang kinh tế Bắc - Nam và Hành lang kinh tế phía Nam (theo ba trục đường chính Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam; Thái Lan - Lào - Trung Quốc và Thái Lan - Campuchia - Việt Nam).

Do vậy, cần ưu tiên phát triển trục giao thông Thái Lan - Campuchia - Tây Ninh (qua Tân Biên) - Sài Gòn - Vũng Tàu để phát huy lợi thế cảng Cái Mép - Thị Vải (cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ cách trung tâm logistics miền Nam 120km). Trong tương lai, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ASEAN tuyến Đông - Tây phía Nam có thể trải dài từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) - Tây Ninh - Sài Gòn - Vũng Tàu (Việt Nam).

Để khai thông tuyến kết cấu hạ tầng giao thông Bangkok - Vũng Tàu, cần phải tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư vào hệ thống đường cao tốc qua cửa khẩu Xa Mát hay Chàng Riệc của Tân Biên, Tây Ninh với Campuchia.

Ngoài ra, việc phát triển tuyến hành lang giao thông Vũng Tàu -TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh (qua Tân Biên) - Phnom Penh có thể tận dụng được mạng lưới giao thông đường thuỷ giữa Việt Nam và Campuchia, tận dụng được ưu thế tuyệt đối của cảng Hiệp Phước. Tuyến Phnom Penh - TP.HCM qua sông Cửu Long là tuyến qua biên giới nhiều hứa hẹn nhất với đường thuỷ nội địa.

Cửa khẩu Xa Mát (Tân Biên).

LÀM GÌ ĐỂ KHAI THÁC TIỀM NĂNG ?

Tuy vậy, để ý tưởng, dự án thành hiện thực, còn nhiều vấn đề, vướng mắc cần được giải quyết. Trước hết, cần thực hiện sớm bản ghi nhớ về vận tải đường bộ giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Thái Lan (đã ký ngày 17.1.2013).

Thứ hai, xe lưu thông phi thương mại, nhất là các trường hợp như doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường, đàm phán hợp đồng, gia đình đi khám, chữa bệnh; nghỉ cuối tuần… cần phân cấp để cơ quan chức năng cấp tỉnh được cấp phép cho các đối tượng này.

Thứ ba, cần sớm xây dựng và thông qua hiệp định vận tải liên vận với Thái Lan và Myanmar. Thứ tư, hoàn thành tuyến đường vành đai biên giới - đoạn phía Nam để kết nối các khu kinh tế cửa khẩu dọc tuyến biên giới Tây - Nam, qua đó phát huy và nâng cao giá trị cũng như hiệu quả của cơ sở hạ tầng Đông - Tây (đường bộ lẫn đường thuỷ) trong phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, nhất là khu vực biên giới Tây Nam.

Ngày 2.11.2016, tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên kiến nghị Chính phủ đầu tư tuyến đường vành đai biên giới. Đây là tuyến đường rất quan trọng cho công tác tuần tra bảo vệ biên giới và kết hợp để phát triển kinh tế do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.

Tuyến đường được thiết kế chạy dọc giữa các tỉnh của Việt Nam với các nước Trung Quốc - Lào - Campuchia, trong đó, tuyến đi qua Tây Ninh có chiều dài khoảng 136km. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã đầu tư tuyến đường này. Tuyến đường hình thành sẽ là lợi thế cho tỉnh trong việc kết nối các cửa khẩu, các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) với nhau, tạo thế liên kết chặt chẽ trong kinh tế biên mậu.

 Địa hình khu vực biên giới ở Tây Ninh là đồng bằng, trên đường biên có nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, chưa kể rất nhiều đường tiểu ngạch giao thương rất thuận lợi, nhưng các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch... lại phát triển chậm. Với 240km đường biên giáp với nước bạn Campuchia, có địa hình bằng phẳng là một lợi thế cho Tây Ninh về kinh tế biên mậu.

Trong thời gian qua, tỉnh có nhiều dự án đầu tư ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, kinh tế biên mậu vẫn chưa phát triển như mong muốn. Một số nguyên nhân cần được phân tích để tháo gỡ những vấn đề đang tồn tại. Trước hết, nhiều cửa khẩu của Tây Ninh không tiếp giáp các vùng kinh tế phát triển của nước bạn nên việc thúc đẩy phát triển kinh tế gặp khó khăn.

Thứ hai, các cửa khẩu của ta có vị trí xa trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam bộ là TP.HCM. Hệ thống giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Hiệp Phước, các trục giao thông chính liên kết với các tỉnh trong vùng TP.HCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long... còn khó khăn.

Nhìn trên bản đồ, ta thấy rõ tuyến QL22 (cũng là tuyến đường Xuyên Á kết nối với Campuchia) chỉ là tuyến độc đạo đi về Tây Ninh. Một điều cần lưu tâm là, các cửa khẩu cũng như hai khu kinh tế cửa khẩu của ta chưa có sự liên kết trong mối quan hệ vùng.

Như thế, việc khắc phục những hạn chế trên là cần thiết để khai thác tiềm năng, vị thế của huyện Tân Biên nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung trên các hành lang kinh tế ASEAN trong tương lai.

VIỆT ĐÔNG - NGỌC PHƯƠNG

Tài liệu tham khảo: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” - Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 (chủ biên TS. Nguyễn Đức Thành và TS. Phạm Văn Đại).

Trong vấn đề phát triển giao thông, có một khái niệm còn hơi xa lạ với nhiều người, đó là “bẫy đòn bẩy cơ sở hạ tầng”. Vậy, “bẫy đòn bẩy cơ sở hạ tầng” nghĩa là gì? “Bẫy đòn bẩy hạ tầng” nghĩa là khi một hệ thống hạ tầng được đầu tư và hình thành, khu vực có kết cấu hạ tầng sẽ có ưu thế và kết nối với các khu vực khác. Những tác động tích cực này chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm chi phí thương mại. Như vậy, một quốc gia hoặc một khu vực nào không có sự đầu tư thoả đáng về kết cấu hạ tầng sẽ dần mất ưu thế. Hệ thống kết cấu hạ tầng, do đó có vai trò như một đòn bẩy, tạo lợi thế cho quốc gia và làm suy giảm lợi thế của quốc gia khác trong thời gian dài. Sự xuất hiện của đòn bẩy kết cấu hạ tầng sẽ làm gia tăng chi phí cơ hội của quốc gia và về lâu dài có thể đẩy sự phát triển ra “vùng ven”. Nếu bị mất lợi thế do không có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển hoặc không có hệ thống hạ tầng (ở đây là hạ tầng giao thông) xuyên quốc gia để kết nối với khu vực, một quốc gia sẽ bị rơi vào “bẫy đòn bẩy” của kết cấu hạ tầng.

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh