BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiềm tàng du lịch cánh Tây

Cập nhật ngày: 01/09/2016 - 01:51

Dinh Ông, An Thạnh Bến Cầu.

Xin trở lại với cụm từ cánh Tây. Ở đây chính là ba xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng. Với những công dân của các phố phường, miền quê này có lẽ cũng là nơi kỳ thú. Nào kênh rạch, cứ gọi là chi chít, nào cây cỏ hoang sơ xanh ngút, đầy tràn- như chuối nước, cà na, săng máu… và vô số món lá có thể làm vinh danh thêm cho bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Còn ai thú vị với những di chỉ khảo cổ tuổi ngàn năm, xin dừng bước trước tháp cổ Bình Thạnh hoặc hơn hai chục dấu tích gò tháp khác trải khắp các ấp của ba xã cánh Tây như đã kể. Nhưng có lẽ, cũng nên “ăn gian” thêm tí chút, mà nói theo các nhà quy hoạch là “mở rộng liên kết với các không gian văn hoá kế cận”; để gắn thêm vào không gian cánh Tây những Dinh Ông, Bà Đao bên An Thạnh, hoặc mở ra phía Lợi Thuận- Mộc Bài của huyện Bến Cầu.

Buộc phải gắn miền cánh Tây với Dinh Ông thôi, bởi đã thành một thói quen vài chục năm nay. Là các tốp thanh niên, học sinh ngày hè thường rủ nhau về đây làm cuộc hẹn hò kỷ niệm trước ngày chia tay trường lớp cũ. Dinh Ông có chùa, miếu trầm ngâm ngói cũ, lại có rừng cây duối già nua đã mấy trăm năm mà vẫn ngắt xanh thăm thẳm rừng già, vắt vẻo những cụm dây leo khiến ta có thể đánh đu hoặc trèo lên bá cổ bá vai nhau đưa võng.

Dinh Ông cũng có hồ nước thẫm xanh, sâu hút với những ông Phật tượng đứng, ngồi bên bờ tự bao giờ chẳng rõ. Ai muốn nhặt một mảnh kỷ niệm xưa của vùng này, chỉ cần vòng ra mé sau dinh thờ. Thì những mảnh gốm, sành khoảng 3.000 năm tuổi vẫn còn vô số. Kỷ niệm này hẳn sẽ nặng ký hơn là một cánh phượng hồng. Và ngay cả phần gọi là “phi vật thể” vẫn còn nhiều ẩn số ở Dinh Ông. Như chuyện bàn thờ chính trong dinh là bàn lịnh ông Chúa Tàu nhưng ông Chúa Tàu ấy là ai- đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Mà Dinh Ông lại ở ngay cửa ngõ đi vào ba xã cánh Tây.

Con đường vào cánh Tây xưa gọi là hương lộ An Thạnh- Trà Cao sẽ đưa ta rời Dinh Ông để vào một xóm dân cư đầu tiên mang tên là xóm Cà Na. Cô giáo- nhà thơ Xuân Khanh của CLB thơ cánh Tây bảo: trước 1975 xóm thuộc xã Phước Lưu, sau 1975 lại được cắt về ấp Voi, An Thạnh. Bài thơ “Xóm Cà Na” của cô có đoạn: “Bởi ngày xưa/ Bao quanh xóm nhỏ/ Con rạch lững lờ…ôm ấp dãy cà na/ Mưa lũ ngập đồng/ Hay nắng hạn khô lòng rạch/ Cây vẫn xanh, vươn thẳng ngắm mây trôi…”.

Vài ba năm trước, đã tưởng sẽ mất xóm Cà Na ấy. Bởi dân xóm nhỏ ấy ai cũng cắm một tấm biển ghi: bán đất. Hỏi ra mới biết là đang có một dự án những vài trăm ha trùm lên cả xóm Cà Na. May sao sau đó, có tin tỉnh huỷ bỏ các dự án treo. Dự án Cà Na bị bỏ. Nên đến nay vẫn còn nguyên xóm ấy và những bảng bán đất cũng không còn nữa. Xóm Cà Na trở lại là xóm Cà Na với con rạch nhỏ mùa khô thường cạn nước và chen chúc những lục bình, chuối nước. Thương nhất là những chiếc cầu lắt lẻo bằng gỗ tre, giờ có thêm bê tông tự đúc, vừa đủ cho một chiếc xe máy có thể đi qua.

Có thể nói sự tiềm tàng cho du lịch ở các xã cánh Tây chính là nhờ cái địa thế rất nhiều kênh rạch. Báo Tây Ninh, ngày 20.7.2016 có bài về Phước Chỉ:- “Chính quyền và nhân dân chung tay xây dựng cầu đường” của tác giả Hải Nam.

Bài ấy kể từ cuối năm 2015 đến nay, các đơn vị và nhà từ thiện, cũng như chính quyền và nhân dân trong các ấp Phước Hội, Phước Trung, Phước Long đã góp sức xây tới 11 cây cầu bê tông toàn cỡ dài trên 30 mét, tải trọng từ 1,5 đến 2 tấn rưỡi. Bài báo cũng cho hay: riêng ở ấp Phước Long đã có tới 10 con rạch, nhân dân trong ấp chung sức xây được 6 cầu với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Ông Chín Đức- cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã đã chỉ cho xem một trong số các cây cầu Phước Chỉ. Đấy là cầu Phước Trung, do nhóm của CLB Từ thiện Đồng Tâm xây cho vào tháng 9.2012. Biết thêm, chủ chốt của nhóm là một người con Phước Chỉ, vừa là một nhà thơ. Đó là chị Ngọc Mai. Nhóm của chị đã góp cho quê hương tới 6 cây cầu như thế.

Trên đường ra bến Lộc Giang, giữa một trưa nắng rát mà bỗng nhiên mát rượi trong lòng. Rạch Bờ Đắp miên man con nước lửng lơ vàng. Đôi bờ rợp màu trắng bông tràm nước. Cây cầu sơn 2 màu đỏ trắng vạch một dáng cong trên nền bao la trời nước. Dưới cầu, một vỏ lãi chở một người đàn ông, một em bé và một con chó đen vừa mới lướt qua. Đói no gì chưa biết, nhưng cuộc sống đẫm mình giữa thiên nhiên trong veo thế này cũng thật là đáng sống...

Và cũng xin thưa lại, là cánh Tây không chỉ có thiên nhiên hào phóng, bao la. Cánh Tây còn ẩn giấu trong lòng đất biết là bao di chỉ của ngàn năm trước. Xa xôi là thời văn hoá Đồng Nai khoảng 3.000 năm, gần hơn thì cũng trên 1.000 năm thời đại hậu Óc Eo. Có cả một ngôi tháp gạch cổ còn đứng vững chãi trên ấp Bình Hoà, Bình Thạnh. Có cả một ngôi chùa Cây Dương- Phước Chỉ đã được phục sinh rực rỡ dưới mặt trời.

Xã nào cũng còn những ngôi đình trầm mặc và cổ kính, nhưng thú vị nhất có lẽ là đình Phước Chỉ, với những cây quéo cổ thụ hiên ngang, lộng lẫy giữa trời cao. Gần hơn nữa thì vẫn còn những cái tên kèm các câu chuyện kể. Đó là chợ Trà Cao và chợ Rạch Tràm, Phước Chỉ- hai trong bảy ngôi chợ lớn đầu tiên có từ thời Pháp thuộc trên đất Tây Ninh.

Từ ấp Phước Bình có chợ Rạch Tràm xưa, ta có thể đi ra đường 788 xuyên qua Bình Thạnh mà tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Đường ấy nay đã đổ mặt bê tông nhựa nên bánh xe lăn cực kỳ êm thuận. Trên đường sẽ còn gặp những cây cầu thơ mộng bắc qua kênh Gò Ngải và Gò Suối- những dòng kênh cũng bát ngát rừng tràm xen lẫn rặng cà na. Nếu qua đây vào độ tháng 5 nắng lửa, sẽ còn gặp mênh mông tím những đồng hoa thuốc lá. Và màu hoa tím rưng rưng như thế sẽ theo ta suốt chặng đường về. Như một lời ước hẹn.

TRẦN VŨ