Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiễn biệt “vua” của dòng nhạc bình dân - nhạc sĩ Vinh Sử
Thứ hai: 13:42 ngày 12/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chinh phục khán giả bằng những ca khúc dễ nghe, dễ thuộc, nhạc sĩ Vinh Sử được đông đảo khán giả gọi là “vua nhạc sến”. Có thể nói với gia tài âm nhạc đồ sộ, đây là một danh xưng không ngoa khi dành cho ông.

“Vị vua” ấy đã ra đi mãi mãi ở tuổi 79 sau thời gian dài chống chọi với trọng bệnh.

“Vua” của dòng nhạc bình dân

Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944, trong một gia đình khó khăn tại Sài Gòn. Từ nhỏ, ông đã rất đam mê âm nhạc, là người duy nhất trong bốn anh chị em được đi học nên ông có cơ hội để học chữ.

Năm 15 tuổi ông bắt đầu mày mò viết nhạc bằng cách... tự học qua sách. Đến khi ca khúc Yêu người chungváchcủa ông được danh ca Chế Linh thu âm và phát trên đài phát thanh thì tên tuổi của Vinh Sử được nhiều người biết đến.

Nhạc sĩ Vĩnh Sử được đông đảo khán giả yêu mến với danh xưng “vua nhạc sến”. Ảnh: Tư liệu

Sau đó là hàng loạt ca khúc như Gái nhà nghèo, Nhẫn cỏ cho em, Hai mái nhà tranh, Người phu kéo mo cau, Không giờ rồi, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Trách người trong mộng, Quên cây cầu dừa… đã đưa tên tuổi ông vang danh khắp miền Nam và được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích với danh xưng “vua nhạc sến”.

Chia sẻ về nhạc sĩ Vinh Sử, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long viết trên trang cá nhân: “Người đời gọi ông là vua nhạc sến, vua của dòng nhạc bình dân cũng phải thôi. Bởi nó phổ cập tới nỗi một thời ai cũng thuộc làu làu nhiều câu hát của ông.

Bất cứ nơi đâu cũng có thể nghe được những câu hát của ông. Mà hình như ngày xưa là vậy, ngày nay dù có giảm bớt bởi thời đại, bởi vô số những dòng nhạc mới mẻ đang cuốn hút giới trẻ thì nhạc của ông vẫn lan tỏa đâu đó rất rộng trong cuộc sống này”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng cho rằng nhạc của Vinh Sử như kể chuyện, như suy tư những nỗi suy tư rất đỗi bình dị, giản đơn mà trong cuộc sống thường nhật ông phải trải qua. Nam nhạc sĩ còn ví von nhạc của ông như một kiểu xẩm đời mới, cho nên chỉ cần bật tiếng guitar, cất giọng hát không cần nuột nà, trau chuốt cũng đủ chinh phục rất nhiều người.

Một người làm nhạc tử tế

Bên cạnh việc làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Vinh Sử, các ca khúc của ông còn góp phần đưa các ca sĩ như Ngọc Sơn, Quang Lê, Như Quỳnh… đến gần hơn với công chúng.

Danh ca Ngọc Sơn chia sẻ: “Đối với tôi, nhạc sĩ Vinh Sử lúc nào cũng là một người hiền lành, dễ thương và dí dỏm. Ông cũng là người mà tôi ấn tượng nhất bởi sự dí dỏm, hồn nhiên của mình. Mất đi một người anh, một người nhạc sĩ tài hoa thật sự rất đau lòng”.

Theo danh ca Ngọc Sơn, anh nghe nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử từ lúc nhỏ bởi được nhà kế bên mở. Đến khi đi học vì nghe nhiều nên anh đã hát những ca khúc của cố nhạc sĩ và được nhiều người yêu thích. Bài đầu tiên anh hát của nhạc sĩ Vinh Sử là Qua ngõ nhà em.

Danh ca Ngọc Sơn cũng tiết lộ khi gặp mình, nhạc sĩ Vinh Sử cũng không góp ý gì với anh sau khi anh thể hiện những ca khúc của ông bởi những điều mà nam danh ca thể hiện đã vượt ra khỏi những gì cố nhạc sĩ mong ước.

“Sự ra đi của nhạc sĩ Vinh Sử khiến tôi rất tiếc vì tôi nghĩ anh vẫn còn gia tài âm nhạc, vẫn còn tiếp tục sáng tác thêm để gửi đến khán giả và những người yêu mến dòng nhạc này” - danh ca Ngọc Sơn bày tỏ.

Nhớ về nhạc sĩ Vinh Sử, ca sĩ Quang Lê cho biết kỷ niệm đẹp với nhạc sĩ Vinh Sử rất nhiều. Ông là người làm nhạc tử tế, sống với nghệ thuật bằng cả trái tim mà không có bất cứ sự mưu cầu nào.

Có những ca sĩ chập chững bước chân vào nghề chọn nhạc Vinh Sử để hát, ông cũng không quan tâm đến vấn đề tác quyền. Ai hát nhạc của mình nhạc sĩ cũng mừng, ông cho hát mà chẳng cần nghĩ đến vấn đề lợi ích riêng cho bản thân.

Với anh, nhạc sĩ Vinh Sử là người chú, người thầy giàu tình cảm, giản dị cả trong âm nhạc và lối sống. Trong tất cả ca khúc do nhạc sĩ Vinh Sử viết, Gõ cửa trái tim là ca khúc được nhiều người biết đến và làm nên tên tuổi cho ca sĩ Quang Lê và ca sĩ Mai Thiên Vân.

Nhạc sĩ Vinh Sử không chỉ đưa nhạc Việt trở lại với vị thế xứng đáng mà còn góp phần đưa tên tuổi của đông đảo nghệ sĩ Việt đến với khán giả. Một vị “vua” với dòng nhạc bình dân đã len lỏi vào từng ngõ hẻm, đến với mọi tầng lớp khán giả.

Tâm nguyện của nhạc sĩ

Theo chia sẻ của bà Ngọc Lệ, vợ cũ của ông, nhạc sĩ Vinh Sử chuẩn bị sẵn mộ phần tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương từ vài năm trước. Ông còn dùng tiền của mình để đặt một tượng đồng với hình ảnh đang cầm đàn guitar. Đó là tâm nguyện ông đã hoàn thành trước khi qua đời.

“Trong mấy năm dịch bệnh, các hoạt động âm nhạc không diễn ra nên ông cũng không có tiền tác quyền. Tôi làm việc túc tắc, lo thuốc thang cho ông. Khi ông nằm viện điều trị cũng gặp một chút khó khăn và được các mạnh thường quân, đồng nghiệp giúp đỡ nhiều. Giờ ông ra đi thanh thản rồi, không còn đau ốm nữa” - bà Ngọc Lệ chia sẻ.

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục