Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bây giờ ra chợ, cũng đã hiếm gặp những tờ tiền lẻ năm trăm hay một ngàn đồng. Nếu muốn tìm, có lẽ phải tìm tới các cô bán hành hay bán ớt. Bởi lẽ bơm một bánh xe máy giờ đây cũng phải mất hai ngàn. Ðàn ông đi chợ mua hành, ớt cũng hiếm ai mua chỉ một ngàn. Ngượng lắm!
Vậy mà các anh lái xe qua các trạm BOT có vấn đề sôi nóng dư luận vừa qua, lấy đâu ra nhiều tiền lẻ thế. Ðể từ trong ca-bin cứ nhẩn nha đếm. Có lần ti vi phát khá rõ hình, thấy các anh còn trả phí qua trạm bằng tờ 200 đồng.
Cái tờ tiền ở phía Nam đã gần như tuyệt giống. Ôi chà! Hai trăm. Có nghĩa là để trả tiền vé 50 ngàn đồng, phải đếm những…250 tờ tiền lẻ. Anh tài xế xỉa ra từng tờ. Người thu phí đón từng tờ. Kiên nhẫn. Trong khi còi xe bóp náo động phía sau. Ùn ứ, tắc đường, buộc phải xả trạm…
Tôi lại nhớ nhà báo Bàn Dân từng có bài nói về tỉnh ta không có BOT. Nghĩa là không có những cảnh gây bất an và phản cảm kể trên. Xin cảm ơn các lãnh đạo tỉnh nhà nhiều lắm.
Mới thứ bảy tuần trước đây thôi, tôi đến mái ấm Mây Ngàn. Ðấy là cơ sở từ thiện xã hội của Thượng toạ Thích Ðịnh Tánh, trụ trì chùa Cẩm Phong. Ông còn kiêm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người già và Trẻ mồ côi tỉnh. Mây Ngàn nằm trên địa bàn xã Thạnh Ðức, kế cận rạch Bàu Nâu 1.
Từ quốc lộ 22B đi vào cũng chẳng bao xa. Trại ấy đã xây dựng mới khang trang, thay cho cơ sở cũ ở ngay cạnh chùa. Trại đang nuôi 70 trẻ em mồ côi và 130 cụ không nơi nương tựa. Từ hơn 15 năm qua, chùa Cẩm Phong đã là nơi rủ bóng từ bi xuống rất đông những phận người.
Vừa hay có một chuyến xe ca lên từ thành phố. Các cô bác, ông bà toả ngay xuống khu bếp đem theo nhiều loại thực phẩm nấu cho các cụ và các cháu một bữa cơm ngon có nhiều thịt cá. Số còn lại thì toả ra đi thăm ở khắp các phòng. Anh Tâm phụ trách trại bảo, tuần nào cũng thế!
Có gì vui mà cảm động hơn những buổi đi thăm nom như thế này đây! Nhất là các cháu còn đang ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Phòng các cháu bây giờ khá rộng, mỗi phòng đều có một bà, hoặc cô chăm sóc.
Có cả những gia đình trong đoàn phật tử từ thiện đem theo con nhỏ cùng lứa tuổi với các cháu mồ côi ở trại. Họ cho con mình vào chơi cùng các bé, như tìm cho con một sự thông cảm, sẻ chia. Cách giáo dục này xem ra rất hay. Những ánh mắt “ở trại” đã bớt đi vẻ cô đơn buồn tủi. Và những ánh mắt trẻ mới tới cũng bắt đầu lấp lánh những bao dung, nhân ái…
Nhưng kìa! Lại có các bà các chị cầm cả cọc tiền lẻ đi cho từng cháu nhỏ. Cọc tiền toàn một ngàn. Các cháu xúm xít trước cửa, chìa ra những bàn tay nhỏ bé như những búp hoa. Và những đồng tiền ban phát… Chứng kiến cảnh này thấy có hơi xa xót. Bởi chúng ta thường dạy con em ở nhà không được lấy gì từ người lạ đem cho, trừ khi người lớn cho phép.
Vậy là đã bắt đầu có sự “lệch chuẩn” giữa các cháu ở nhà và trẻ ở Mây Ngàn. Liệu rồi đây, các cháu có thành quen, khi chìa bàn tay ra đón nhận những tình thương? Khi mà tuần nào cũng có dịp chìa tay đón nhận những tờ tiền lẻ.
Tôi lại nhớ những tờ tiền lẻ ở chùa Bà. Khi khui các két tiền từ thiện ra cũng có rất nhiều tờ tiền như thế. Lúc ấy, tổ công tác của Hội đồng quản lý các két ấy sẽ dồn hết vào bao tải, niêm phong rồi đem về đếm. Ðể đếm cho xong chỉ trong một buổi cũng cần tới mấy chục người. Ðã có lần tôi xin được tờ tiền 100 đồng trong số tiền ấy. Và, giữ đến bây giờ như một kỷ niệm về tấm lòng của bá tánh, nhân sanh. 10 tờ 100 đồng ấy sẽ có 1.000 đồng.
Nhiều lần số 1.000 đồng này đã trở nên tiền triệu, tiền tỷ để trở lại núi Bà làm núi thêm xanh, con đường đi thêm rộng. Nào ai dám chê những tờ tiền lẻ của những người đang còn nghèo khó vẫn góp vào thùng két.
Nhưng! Nhìn trẻ em ở mái ấm Mây Ngàn. Toàn những em mới độ 2-3 tuổi thôi đã biết chìa tay nhận mấy tờ tiền, rồi khoanh tay lại cúi đầu cảm ơn; sao vẫn thấy lòng mình thắc thỏm không yên.
Có gì đó không ổn ở cách dùng những đồng tiền lẻ này đây, giống như cảm giác khi xem các tài xế khoan thai đếm tiền lẻ trước trạm BOT, ở Biên Hoà hay Bến Lức những ngày qua.
NGUYỄN