Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thương mại điện tử:
Tiện lợi, nhưng cần thận trọng
Thứ tư: 00:23 ngày 31/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh những tiện ích mang lại, hình thức giao dịch mua sắm trực tuyến và thanh toán online cũng đang có nhiều lỗ hổng, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi bằng cách bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Shipper HTX Thực phẩm cho mọi nhà giao hàng cho khách. Ảnh Thanh Nhi

Với người dân Việt Nam, việc mua sắm hàng hoá lâu nay vẫn luôn gắn với các chợ, cửa hàng tạp hoá bằng phương thức giao dịch trực tiếp kiểu “tiền trao cháo múc”. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, nhiều người thay đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp sang hình thức mua sắm trực tuyến và thanh toán online.

Bên cạnh những tiện ích mang lại, hình thức giao dịch này cũng đang có nhiều lỗ hổng, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi bằng cách bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Kênh mua sắm tiện lợi

Chỉ với vài thao tác trên máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối internet, người dùng có thể thoải mái lựa chọn món hàng mình yêu thích, ở bất kỳ đâu mà không cần đến cửa hàng.

Không có thời gian đi mua sắm, chị Lan, nhân viên một cơ quan tại thành phố Tây Ninh chọn cách mua hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Theo chị Lan, việc mua hàng hoá trên internet là giải pháp giúp chị tiết kiệm nhiều thời gian và công sức bởi chỉ cần vài cái “click” chọn và đặt hàng, hàng hoá sẽ được giao đến tận nhà. Bên cạnh đó, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng, phong phú, người mua có thể thoải mái so sánh giá cả, chọn nơi nào có giá rẻ nhất để mua.

Còn với anh Thanh Việt, một nhân viên văn phòng làm việc tại Khu công nghiệp Phước Ðông, mua sắm online trở thành giải pháp của gia đình anh. Anh Việt cho biết, vợ chồng anh đều làm nhân viên trong khu công nghiệp, chỉ được nghỉ vào ngày chủ nhật, có tuần lại tăng ca nên gần như không có thời gian mua sắm.

Trong khi đó, với chiếc điện thoại thông minh trong tay, anh có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa để tìm mua thứ mình cần. “Tiện lợi nhất của việc mua sắm trực tuyến là chỉ việc ngồi nhà lựa chọn món hàng mình thích, sau vài bước chọn mua, sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà. Chính vì vậy mà hiện nay mua sắm trực tuyến được nhiều người lựa chọn”- anh Việt cho biết thêm.

Tự nhận mình là một "tín đồ" mua sắm online, chị Tuyến, ngụ khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu cho biết, những lúc rảnh rỗi, chị thường lướt mạng tìm kiếm chương trình khuyến mãi giảm giá trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sendo hay Lazada để mua sắm với mức giá chỉ bằng một nửa so với ngày thường. Theo chị Tuyến, nếu chịu khó “săn” thì người tiêu dùng sẽ mua được những mặt hàng mình yêu thích với giá rất hời.

Nở rộ kinh doanh Online

Nếu như trước đây, để bán hàng, người kinh doanh phải mở cửa hàng và đăng ký kinh doanh, vất vả bày biện hàng hoá để người tiêu dùng lựa chọn thì nay người bán chỉ việc đưa hình ảnh sản phẩm để khách lựa chọn, sau khi khách “chốt” mua, phía người bán sẽ nhập hàng rồi gửi cho khách. Gần như các giao dịch mua bán được thực hiện mà chẳng cần sự gặp gỡ nào giữa người mua và người bán.

Ban đầu, với suy nghĩ kiếm thêm thu nhập, chị L.V, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Trảng Bàng quyết định dùng số tiền hơn 2 tháng lương của mình nhập về hơn 20 chai nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm để bắt đầu kinh doanh online. Sau hơn 3 năm chăm chỉ “livestream” trên mạng xã hội, đến nay thu nhập bình quân của chị V đã vượt mốc 30 triệu đồng/tháng.

Theo chị V, thời gian đầu, chị nghĩ chỉ cần mỗi tháng kiếm thêm khoảng 3 triệu đồng để lo tiền ăn học cho con chứ chưa từng nghĩ sẽ xem đây là nghề nuôi sống gia đình mình.

“Kinh doanh online có lợi là không cần mặt bằng, cũng không cần quá nhiều vốn để nhập hàng hoá về trưng bày. Tuy nhiên, để thành công lại không phải chuyện dễ, bởi công việc đòi hỏi người làm phải thực sự nghiêm túc, có sự nghiên cứu tìm hiểu về mặt hàng mình kinh doanh, nguồn cung chất lượng, uy tín. Bên cạnh đó, người bán phải tìm cách thu hút một lượng tương tác cao, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, mới bán được nhiều” - chị V chia sẻ.

Chị Ngọc, chủ một cửa hàng kinh doanh tại phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, môi trường kinh doanh hiện nay có sự cạnh tranh rất lớn “một người mua, mười người bán” nên bên cạnh việc kinh doanh tại cửa hàng, chị còn bán hàng thông qua các kênh mạng xã hội và một số sàn thương mại điện tử.

Theo chị Ngọc, ngay cả những hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện ích có tiếng trên thị trường như: Co.opmart, Bách Hoá Xanh, FPT shop... cũng đang triển khai song song hai hình thức kinh doanh vừa bán hàng trực tiếp vừa bán trên các website để tận dụng mọi kênh tiếp cận khách hàng, nhằm đẩy mạnh doanh số kinh doanh- nhất là trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Còn theo một người kinh doanh online giấu tên, việc kinh doanh trực tuyến nghe thì dễ nhưng không phải ai cũng trụ được. Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, người bán còn gặp tình trạnh bị “bom” hàng (đặt hàng nhưng khi giao lại không nhận), nhận hàng thật nhưng phản hồi là hàng kém chất lượng, đánh giá sao thấp, thậm chí phản hồi gay gắt khiến các sàn thương mại điện tử khoá hoặc xoá tài khoản của người bán.

Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ

Thận trọng khi mua hàng qua mạng

Không thể phủ nhận sự tiện lợi, nhanh chóng của hình thức mua bán trực tuyến đối với cả người mua lẫn người bán. Thế nhưng, trong thời gian qua cũng đã có không ít trường hợp khách hàng mua phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không giống như quảng cáo, thậm chí còn bị lừa đảo chiếm tài khoản, mất tiền nhưng không nhận được hàng.

Theo chị Tuyến, cách đây hơn 6 tháng, chị đặt một chiếc áo trên một sàn thương mại điện tử với giá gần 300.000 đồng. Khi nhận hàng, do chị có công việc nên nhờ người nhà nhận hộ mà không kiểm tra trước, đến lúc mở ra xem chị mới phát hiện đó là chiếc áo cũ được nhuộm lại, trên áo còn một số chỗ bị bung chỉ.

Anh Việt cho biết, có lần đặt mua máy rửa xe trị giá gần 1,5 triệu đồng, sau khi tiến hành các bước đặt hàng thì có số điện thoại gọi đến, tự nhận là đơn vị cung cấp thông báo là chiếc máy của anh vừa đặt đã hết hàng, anh nên tự huỷ đơn hàng, phía cửa hàng này sẽ gửi cho anh một máy khác có cùng công suất và chất lượng nhưng giá chỉ 1,2 triệu đồng.

Thấy có lợi nên anh Việt tự huỷ theo hướng dẫn. Khoảng 3 ngày sau, anh nhận được thùng hàng, bên trong chứa một xác máy cũ, không hoạt động được. Biết mình bị lừa, anh gọi lại vào số điện thoại hôm trước thì không thể liên lạc được.

Theo anh Việt, khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng cần truy cập vào các sàn thương mại điện hoặc những website của những đơn vị kinh doanh uy tín để chọn mua. Ðồng thời, cần thận trọng khi có bất kỳ sự thay đổi phương thức đặt hàng hay giao dịch nào mà không phải thông qua những đơn vị này.

Theo một số người có kinh nghiệm mua sắm hàng hoá trực tuyến, có rất nhiều phương thức lừa đảo trong bán hàng online, phổ biến nhất là kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, hàng hoá khi rao bán là thật nhưng khi giao cho khách lại là hàng giả, hàng nhái. Trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo còn yêu cầu người mua cung cấp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để sử dụng vào mục đích khác.

Ông Hồng Văn Hoàng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, việc kinh doanh trực tuyến ngày càng phát triển và phổ biến qua các sàn thương mại điện tử được cấp phép, hoặc các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Trong đó, một số đối tượng sử dụng thông tin ảo, thông tin giả đăng ký tài khoản để thực hiện giao dịch. Hàng hoá thường từ các tỉnh khác vận chuyển về Tây Ninh, không có điểm tập kết nên rất khó cho công tác kiểm tra, xử lý.

Cũng theo ông Hoàng, người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến cần lựa chọn những đơn vị uy tín, được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao. Ðồng thời, cần kiểm tra hàng hoá trước khi nhận để hạn chế trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả.

Thiện Ðức

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục