Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiến sĩ đạo văn, tiến sĩ "siêu tốc" cũng là một thứ lãng phí
Thứ tư: 01:00 ngày 23/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại học Huế chưa có kết luận vụ luận án tiến sĩ bị tố đạo văn, vụ luận án tiến sĩ "siêu tốc" cũng chưa được trả lời

Chưa có kết luận về luận án tiến sĩ đạo văn và luận án tiến sĩ "siêu tốc" Ảnh: Phúc Đạt

Báo Lao Động ngày 13.7.2024 đăng bài "Làm rõ tố cáo tiến sĩ “siêu tốc”, tiến sĩ đạo văn là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo", trong đó nêu quan điểm rất rõ, lôi ra ánh sáng những luận án tiến sĩ bị tố cáo đạo văn, "siêu tốc", truy tới cùng quá trình học chương trình thạc sĩ hay nghiên cứu sinh, làm rõ trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng phản biện luận án và xử lý nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, thì mới chấn chỉnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa các công trình về với thực chất.

Nhưng đến nay, cả hai vụ tố cáo về luận án tiến sĩ đạo văn và luận án tiến sĩ "siêu tốc" vẫn chưa có kết luận từ các cơ quan có trách nhiệm.

Về luận án tiến sĩ bị tố cáo đạo văn, Trường Đại học Huế đã khất đi khất lại hai lần, nhưng vẫn không giải quyết. Lần gia hạn mới nhất, ngày 17.9, Đại học Huế cho biết, đã có thông báo về việc gia hạn giải quyết tố cáo. Theo đó, để tiến hành các thủ tục liên quan và kết luận giải quyết tố cáo, Giám đốc Đại học Huế ban hành quyết định gia hạn giải quyết tố cáo. Thời gian gia hạn là 30 ngày, kể từ ngày 13.9.2024. Đến nay đã quá hạn.

Còn vụ luận án tiến sĩ "siêu tốc", ngày 2.6, Bộ GDĐT phát văn bản hỏa tốc, yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo, gửi về Bộ trong ngày 26.6.2024. Đến nay đã hơn ba tháng, hoàn toàn im lặng.

Chính vì sự im lặng đó, tại diễn đàn Quốc hội ngày 9.10 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến: "Trong năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận".

Nạn "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất mà ông Vũ Hồng Thanh đề cập cũng là mối quan tâm của toàn xã hội. Đã có không ít tố cáo về các loại tiến sĩ "lò ấp", tiến sĩ "siêu tốc", tiến sĩ "đạo văn", đã làm cho xã hội hoài nghi về bằng cấp tiến sĩ không trung thực, kém chất lượng, thậm chí là có dấu hiệu tiêu cực.

Rất đồng ý với quan điểm phải "xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận" của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đây chính là cách chấn chỉnh việc đào tạo trình độ tiến sĩ còn tồn tại nhiều bất cập và tiêu cực hiện nay.

Sự phát triển của đất nước cần đến các công trình khoa học có thực chất, các nhà khoa học có thực tài và một nền giáo dục tiến bộ, chất lượng, trung thực.

Các công trình khoa học, luận án tiến sĩ không có thực chất cũng là một loại lãng phí cần phải loại trừ.

Nguồn LĐO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục