BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiến tới Đại hội Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh: Hội là cầu nối giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các tổ chức, cơ quan

Cập nhật ngày: 09/06/2009 - 08:52

Ngày 11.7.2008, Sở Công thương Tây Ninh công nhận Ban Vận động thành lập Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh. Ngày 22.7.2008, Chủ tịch UBND tỉnh có Thư ngỏ gửi các chủ doanh nghiệp (DN) trong tỉnh kêu gọi gia nhập vào Hội Doanh nghiệp. Song song đó, UBND tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật để Hội Doanh nghiệp được hình thành. Sau gần 1 năm vận động thành lập, Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh chuẩn bị đại hội lần thứ I. Phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Quan (P.V.Q) (ảnh)- Phó Giám đốc Sở Công thương, Trưởng Ban vận động thành lập Hội Doanh nghiệp, Phó Ban tổ chức Đại hội Hội Doanh nghiệp lần thứ I

- Thưa ông, với mục đích, yêu cầu gì mà thời gian qua Tây Ninh nỗ lực vận động thành lập Hội Doanh nghiệp?

Nhiều DN nhỏ và vừa cần vốn đổi mới công nghệ

- Ông Phạm Văn Quan: Theo con số từ Cục Thống kê Tây Ninh, đến cuối năm 2008 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có khoảng hơn 1.500 DN đang hoạt động, trong đó có gần 1.400 DN trong nước và 165 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN đã góp phần đưa các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh như: cao su thành phẩm, vỏ ruột xe các loại, hàng may mặc, giày dép, tinh bột mì, hạt điều nhân, một ít hàng cơ khí xây dựng... tham gia thị trường xuất khẩu. Nhìn chung, trong thời gian qua các DN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tỏ ra năng động, đã nỗ lực ứng phó với thử thách khốc liệt của thị trường thời hội nhập và đặc biệt là thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên, các DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn có nhiều hạn chế. Cụ thể: phần lớn các DN có quy mô đầu tư vừa và nhỏ, rất ít DN có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm đổi mới; kết quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực đã có; tỷ suất lợi nhuận trên vốn còn thấp, sức cạnh tranh yếu. Trong những năm gần đây, Nhà nước hết sức chú trọng hỗ trợ, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Song song đó, các DN cũng cần phải có “mái nhà chung” cho các DN hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Trong Thư ngỏ, Chủ tịch UBND tỉnh có nêu rằng “Buôn có bạn, bán có phường, trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay điều này càng quan trọng. Chung sức lại chúng ta mới có điều kiện phát huy sức mạnh, lợi thế để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh...”. Do đó mà Hội Doanh nghiệp được thành lập.

- Theo ông, Hội Doanh nghiệp có vai trò như thế nào đối với các DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế?

- Ông P.V.Q: Hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh là tổ chức xã hội- nghề nghiệp với sự tham gia tự nguyện của các loại hình DN thuộc các thành phần kinh tế, các nhà quản lý, các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên phạm vi địa bàn tỉnh. Hội ra đời nhằm tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong sự phát triển bền vững và làm giàu chính đáng. Hội cũng là cầu nối giữa các DN với cơ quan quản lý Nhà nước, đoàn thể… trong mọi hoạt động. Nhiệm vụ cụ thể của Hội là: hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin về thương mại, pháp lý, kinh tế, khoa học- công nghệ, kỹ thuật, quản lý… cho các thành viên; tổ chức các hoạt động hỗ trợ góp vốn đầu tư, hợp tác thiết lập và phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các DN với các đối tác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động khảo sát, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước và các hoạt động về giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hội thảo, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước theo quy định pháp luật; tổ chức các loại hình đào tạo thích hợp nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, khoa học, công nghệ… cho các DN.

* Thưa ông, trong thời gian tới, Hội sẽ làm những gì để thiết thực tạo điều kiện cho các DN cùng nhau phát triển?

- Ông P.V.Q: Trước mắt, tỉnh sẽ tạo điều kiện ban đầu cho BCH Hội hoạt động thuận lợi như: sắp xếp văn phòng làm việc ở Trung tâm Xúc tiến đầu tư, hỗ trợ kinh phí hoạt động… Công việc cấp bách mà Hội đề ra là nhanh chóng tìm giải pháp cho các DN tiếp cận tốt nhất, đầy đủ nhất với những khoản vay vốn kích cầu bằng cách làm việc, thoả thuận với các Ngân hàng thương mại đề xuất đơn giản tối đa hồ sơ, thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp quy mô vừa, hỗ trợ xuất khẩu... Về lâu dài, Hội sẽ thực hiện công việc tập huấn cho các chủ DN về hội nhập kinh tế, quản trị kinh doanh và quản trị hiệu quả; đào tạo về công nghệ thông tin và ứng dụng thương mại điện tử trong DN. Hội cũng sẽ tổ chức các chương trình như: tư vấn - cung cấp các dịch vụ tư vấn; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ xuất khẩu; chương trình tham gia xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách; chương trình hợp tác với các tổ chức trong và ngoài tỉnh; chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận công nghệ tiên tiến và thích hợp điều kiện Tây Ninh...

* Xin cám ơn ông.

SƠN TRẦN

(thực hiện)


 
Liên kết hữu ích