Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phương án thi THPT Quốc gia năm 2017:

Tiếng Anh không còn là môn tự chọn

Cập nhật ngày: 05/10/2016 - 02:47

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016.

Sau khi công bố bản dự thảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và tiếp thu đóng góp của xã hội, cách nay vài ngày, phương án chính thức của kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT công bố.

Theo đó, kỳ thi năm 2017 có một số thay đổi so với năm 2016. Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Bộ GD-ĐT cử cán bộ, giảng viên từ các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.

Kỳ thi có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với Giáo dục thường xuyên). Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới).

Thí sinh hệ giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT (tức thí sinh tự do) dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Về hình thức thi, các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hoá phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi Khoa học tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi của bài thi Toán, bài thi Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi Ngữ văn có phần đọc hiểu và phần làm văn.

Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là 50 phút. Bài thi Ngữ văn 120 phút, bài thi Toán 90 phút, bài thi Ngoại ngữ 60 phút. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày của tháng 6 năm 2017. Buổi sáng của ngày thi thứ nhất, thí sinh thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, buổi chiều thi Toán. Ngày thứ hai, buổi sáng thi bài thi Khoa học tự nhiên và buổi chiều làm bài thi bài thi Khoa học xã hội.

Kết quả công nhận tốt nghiệp THPT được thực hiện theo cách thức kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp đối với thí sinh hệ giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp đối với thí sinh giáo dục thường xuyên cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập là 1 điểm và điểm liệt của mỗi môn thành phần cũng là 1 điểm.

Với những nội dung chính như vừa nêu, có thể thấy, phương án chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã có những thay đổi đáng kể so bản dự thảo do Bộ công bố và cũng khác với kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Trước hết, so với bản dự thảo thì phương án chính thức đã có điều chỉnh về số lượng câu hỏi trong mỗi bài thi tổ hợp. Trong bản dự thảo, Bộ quy định mỗi bài thi tổ hợp chỉ có 60 câu hỏi dành cho ba phân môn nhưng phương án chính thức đã tăng gấp đôi, tức 120 câu. Sự thay đổi này được bắt nguồn từ ý kiến đóng góp của xã hội và đặc biệt là của những người trong ngành giáo dục. Theo ý kiến của cơ sở, mỗi phân môn trong bài thi tổ hợp chỉ có 20 câu như trong bản dự thảo là quá ít.

Liên quan đến tổ hợp môn thi, phương án chính thức do Bộ công bố đã khiến nhiều ý kiến băn khoăn. Khi Bộ công bố bản dự thảo, theo hình dung ban đầu của chính những người trong ngành giáo dục thì bài thi tổ hợp sẽ được in chung trong một đề thi. Điều này khiến giáo viên, cán bộ quản lý và cả học sinh cho rằng, cách làm như vậy là không hợp lý. Bởi vì khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh vẫn đăng ký theo khối thi truyền thống, gồm 3 môn, không có lý do gì bắt người thi phải “cõng” thêm một môn thứ tư. Ví dụ, nếu đăng ký xét tuyển theo khối B, thí sinh chỉ nộp kết quả bài thi của ba môn Toán, Hoá học và Sinh học trong khi làm bài thi tổ hợp có cả môn Vật lý.

Tuy nhiên, điều băn khoăn đó đã có câu trả lời trong phương án thi chính thức. Cụ thể là đối với bài thi tổ hợp, thí sinh làm ba bài thi của ba môn riêng biệt. Ví dụ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, thí sinh làm ba môn Vật lý, Hoá học và Sinh học hoàn toàn độc lập, làm xong môn nào nộp bài thi môn đó rồi mới làm tiếp môn khác. Khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh chỉ nộp kết quả bài thi của ba môn chứ không phải bốn môn. Như vậy, có thể thấy, bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) thực chất chỉ là dồn ghép ba môn thi theo hình thức cơ học. Nói cho dễ hiểu, trước đây mỗi buổi thi một môn thì nay một buổi thi ba môn. Cách thức tổ chức bài thi tổ hợp như vừa nêu thật ra là lợi bất cập hại.

Có thể nói ưu điểm duy nhất của bài thi tổ hợp là rút ngắn số ngày thi, trước đây 3-4 ngày nay chỉ còn hai ngày. Tuy vậy, cách thức tổ chức thi này đang làm cho không chỉ học sinh mà cả những người liên quan lo lắng. Trong một buổi thi với thời gian 150 phút, thí sinh phải làm đến 3 môn thi là điều hoàn toàn không hay, không nên, xét theo cả mặt sức khoẻ cũng như tâm lý. Một điều nữa, tuy thời gian thi 150 phút nhưng buổi thi dành cho bài thi tổ hợp sẽ kéo dài, vì sau khi hết thời gian thi cho mỗi môn, thí sinh phải nộp bài ngay rồi mới thi môn khác trong tổ hợp này.

Bài thi tổ hợp gồm ba môn thì sẽ có hai lần thí sinh phải dừng giữa chừng để nộp bài và ký xác nhận. Tương tự, giám thị cũng phải thu bài, phát đề thi cho thí sinh, mỗi lần nhanh nhất cũng từ mười đến mười lăm phút. Loay hoay cũng phải hết một buổi mới có thể xong bài thi 150 phút. Có thể nói, việc dồn các môn thi để rút ngắn số ngày thi chưa hẳn đã hay. Những ai từng làm giáo viên không thể không biết rằng, trong một buổi học mà có ba bài kiểm tra liên tục là học sinh (nếu có ý thức học) đã bơ phờ, mệt mỏi chứ chưa nói đây là ba môn của kỳ thi THPT quốc gia, thực chất là thi vào đại học. Cách thức thi kiểu này có thể tiềm ẩn rủi ro, sự cố mà Bộ GD-ĐT chưa chắc đã lường tới.

Một thay đổi đáng kể so với hai kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 là, kỳ thi năm 2017, ngoại ngữ (thường là môn tiếng Anh) trở thành môn thi bắt buộc đối với tất cả thí sinh hệ giáo dục phổ thông. Những năm trước, thí sinh được quyền chọn môn thi thay thế môn tiếng Anh. Lý do mà Bộ cho phép chọn môn thay thế là vì điều kiện dạy và học tiếng Anh không đồng đều và còn nhiều bất cập, yếu kém. Điều này đặc biệt thể hiện rõ qua kết quả các kỳ thi và cả những bài kiểm tra định kỳ trong chương trình giáo dục phổ thông.

Tiếng Anh luôn là môn học, môn thi có kết quả thấp nhất. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa qua, Tây Ninh có hơn 7.300 thí sinh dự thi và có gần 5.000 thí sinh Tây Ninh đăng ký thi môn tiếng Anh. Kết quả, chỉ có duy nhất một thí sinh đạt điểm 8, điểm bình quân của môn thi này, cộng lại chia đều ra cũng chỉ 3,04 điểm. Tình hình dạy và học tiếng Anh nhìn chung là hạn chế, yếu kém nhưng điều này đặc biệt xấu đối với học sinh ở vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn. Với quy định tiếng Anh là môn thi bắt buộc sẽ khiến giáo viên và học sinh lớp 12 không khỏi lo lắng. Bởi trước đó, hầu như cả thầy lẫn trò đều nghĩ rằng, đã có môn thay thế.

Phương án thi năm 2017 sẽ do Sở GD - ĐT của mỗi tỉnh chủ trì, các trường đại học không còn “đồng chủ trì” nữa mà chỉ tham gia giám sát. Như vậy, sau nhiều lần cải cách, điều chỉnh, kỳ thi THPT quốc gia đã hoàn toàn giao cho địa phương thực hiện. Tính khách quan, công bằng của kỳ thi lại một lần nữa được đặt ra. Không trực tiếp coi thi, chỉ làm công tác giám sát, cán bộ của đại học về địa phương thực ra cũng chỉ đóng vai trò tượng trưng, hình thức. Đường đi lối lại, địa điểm thi do địa phương bố trí, muốn đi đến điểm thi nào cũng phải nhờ phương tiện và người của tỉnh “đưa đường chỉ lối”, cán bộ đại học làm sao có thể mà giám sát?

Thi cử thực ra cũng chỉ là một trong rất nhiều khâu của quá trình đào tạo. Tuy vậy, nếu được tổ chức khách quan, khoa học thì thi cử, kiểm tra cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá quá trình ấy. Trước những luẩn quẩn trong những năm qua, đã có rất nhiều ý kiến kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau khi học xong lớp 12, nhà trường hoặc cấp quản lý khác cấp cho học sinh giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Việc tuyển sinh vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học do mỗi trường ở bậc học này tự quyết định. Nhưng ý kiến phản bác lại e ngại rằng, nếu được trao toàn quyền tuyển sinh, nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ lấy lợi ích cục bộ của mình để làm “chuẩn mực” thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.

VIỆT ĐÔNG


Liên kết hữu ích