BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếng chuông ngân

Cập nhật ngày: 30/08/2011 - 11:34

Mây trắng bay về

Mới hơn 8 giờ sáng một ngày bình thường mà ga dưới cáp treo lên núi Điện Bà đã đông người. Từng ca bin lướt trôi vào thinh không có đủ từng đôi, hoặc một người nhưng tay xách nách mang theo hoa tươi hay đồ đạc. Hỏi, họ trả lời giống nhau: - Lên dự lễ khai Đại hồng chung trên sân núi Điện Bà. Thì ra, nghe nói chuông lớn đúc đã lâu, từ hồi tháng 10.2010 vào dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, nay mới hoàn thành. Vì thế mà phật tử và du khách gần xa cứ thế mà lên. Ai mà không náo nức được nghe những “đại hùng âm” từ quả chuông đặc biệt này. Nghe nói nặng trên 6 tấn.

Lên rồi mới biết. Chẳng cứ tăng ni, phật tử, mà ngay đại biểu các cấp chính quyền, đoàn thể cũng theo giấy mời lên đủ. Quả thật đây là một sự kiện lớn không chỉ riêng với các chùa ở núi Bà, mà còn với tỉnh Tây Ninh- một tỉnh mà nhiều chùa còn phải gõ chuông bom, tức là chuông làm bằng vỏ trái bom Mỹ thời kháng chiến. Mà đại hồng chung kỳ này là quả chuông lớn thứ nhì ở miền Nam, chỉ sau quả chuông ở nghĩa trang Côn Đảo nặng 9,6 tấn. Chính cha con ông Nguyễn Văn Sính và Nguyễn Phong Sơn, nghệ nhân ưu tú, người kỹ sư cơ khí đều là dân phường đúc của thành phố Huế vào nhận làm quả chuông này. Hỏi về chuông lớn đã thực hiện, ông Sính trả lời: Đại hồng chung chùa Bà có đường kính miệng là 2 mét, cao 3,4 mét, nặng gần 6,5 tấn. Để thực hiện được công trình này, cha con ông Sính và 10 người thợ đúc Huế đã phải lao động cật lực suốt hai tháng rưỡi. Riêng tuần cuối cùng nấu đồng, đúc chuông và hoàn thiện cần tới 30 nhân lực thay nhau làm liên tục suốt tuần.

Bây giờ, chuông lớn đã yên vị nơi đây, trong ngôi tháp xây ở sân trước ngôi chùa Tổ. Tháp có mặt bằng lục giác với 6 cây cột tròn thuôn dần từ dưới lên trên, đường kính từ 30cm đến 35cm. Khoảng cách hai cạnh đối diện nhau là 4,4 mét. Từ độ cao 5,4 mét trở lên là hai tầng mái bê tông giả ngói ống vút cong ở 6 góc đầu đao hình rồng uốn lượn. Đỉnh mái kết thúc bằng một trái hồ lô.

Mới nhìn toà tháp chuông, ai nấy đều tưởng đấy là công trình gỗ. Là bởi từ cột, đến các bao lam đều óng đỏ, nổi vân như gỗ quý. Kỳ thực, toàn bê tông cốt thép, kể cả mái đắp hình ngói ống đỏ, ngói diềm xanh. Tuy nhiên, điều đặc sắc nhất ở đấy lại là chiếc giá treo chuông. Hai trụ đứng tiết diện 30 cm vuông đỡ các đà ngang cầu kỳ chạm khắc đầu rồng, hoa lá. Tất cả đặt trên hai khối gỗ tiết diện (40 x 60) cm, dài 2,4 mét chạm hình hai chú kỳ lân quay đầu về hai phía, chân sau ở trong tư thế sắp nhảy lao đi. Liên kết giữa trụ đứng và bệ, còn có một  phiến gỗ chạm hình rồng uốn lượn trong mây, cực kỳ tinh tế và điệu nghệ. Toàn bộ khối giá chuông này có bề rộng 3 mét và cao trên 4 mét. Tất cả được chạm khắc, đóng và ráp lại từ cây gỗ quý căm xe, lúc nào cũng óng đỏ màu trái bồ quân chín.

Rồi cũng tới lúc thỉnh tiếng chuông đầu tiên; sau những nghi thức nghiêm trang của đoàn tăng ni Giáo hội Phật giáo; sau những bài phát biểu chúc mừng tràn đầy niềm phấn khởi. Vui nhất bữa nay, chắc chắn là Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa, người đã trụ trì các chùa núi gần 20 năm qua- cũng là 20 năm mà hầu hết các ngôi chùa và di tích trên núi được khôi phục lại sau mấy chục năm chiến tranh tàn phá. Tên của Ni trưởng cũng được khắc vĩnh viễn trên một phía mặt chuông. Phía kia khắc một bài thơ bát cú, có 2 câu sau: “Nghe chuông phiền não tan mây khói/  Ý lặng thân an miệng mỉm cười”. Ý chừng tiếng chuông sẽ làm tan đi mọi nỗi muộn phiền, để lòng người chỉ còn lại niềm vui.

Tiếng chuông đầu tiên

Chuông đổ rồi kia, sau khi cả nhóm gần chục nhà sư cùng bám vào chiếc dùi treo to như cây cột nện vào. Từng chùm bóng xanh, đỏ bay lên giữa bầu trời trong xanh có nhiều đám mây như bông trắng. Và kia, có một vệt mây trắng suốt, từ phía Đông như đang bị hút về tháp đại hồng chung.

TRẦN VŨ