Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếng cười qua ngõ
Chủ nhật: 22:39 ngày 14/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tiếng động cơ xe máy chợt rú lên. Tiếng tụi con nít la hoảng:

- Bớ người ta! Cứu! Cứu!

Tôi vội bỏ tô mì ăn dở xuống, chạy ra ngõ. Mới sớm mai có chuyện gì đây không biết. Ngay trước ngõ nhà tôi, con đường liên ấp chạy qua, có một quãng bị nước mưa tràn, đầy cát. Chiếc xe máy đổ nghiêng, một đám con nít bảy, tám đứa đang hò nhau nhấc chiếc xe lên cho Hai Chi rút cái chân gỗ bị xe đè ra. Tôi vội chạy tới, dựng chiếc xe lên. Hai Chi ngồi bệt dưới đất, cười khà khà:

- Chỗ này nhiều cát quá, tao bị trượt té! Hên quá không gãy cái chân gỗ. Lấy giùm tao cây nạng đi Năm Minh!

Ngó sơ qua, thấy người ngợm Hai Chi không sứt mẻ gì, tôi đưa cho ổng cây nạng gỗ.

- Đã cụt giò rồi, còn dám trèo lên xe máy, chạy cời cời. Chịu anh Hai á!

- Thì bây tính, từ nhà qua lớp học cũng xa. Chống nạng đi chừng nào cho tới!

Hai Chi vịn ngang cây nạng, từ từ đứng dậy, miệng la tụi nhỏ:

- Thôi lẹ lên! Vô lớp không trễ giờ học rồi!

Gác cây nạng dọc xe máy. Hai Chi vô số hai, đề máy chạy đi. Tụi nhỏ à à chạy theo như bầy ong.

Ông Hai Chi người rắn chắc như cây gỗ trắc, mặc dù đã ngoài sáu mươi tuổi, là thương binh duy nhất trong ấp Rừng Chàm. Tuy cụt mất chân phải, ông Hai Chi lao động chẳng thua kém lực điền nào. Nhận thầu hồ cá Ba Mẫu, ông không những coi sóc, bơi xuồng cho cá ăn, mà còn bơi lội như rái cá. Mấy đứa con nít trong ấp, thấy ông bơi lội dưới nước còn dễ hơn đi bộ trên cạn, thì hít hà:

- Ông thầy cụt giò sao mà bơi giỏi vậy ta!

- Kha kha kha! Hồi ở bộ đội, tao còn bơi qua sông kìa!

Ấp Rừng Chàm có đám con nít không được đi học. Hơn chục đứa cả Kinh cả Khờ-me từ tám tới mười tuổi, chạy cà nhổng tối ngày, khi đi mót mì, lúc đi kiếm cá. Ba mẹ chúng nói học chi cho nhiều. Nhà quê thiếu chi việc làm, phụ ba mẹ được chút nào hay chút đó. Hai Chi thấy bất mãn. Con nít có quyền đi học chứ. Giờ mấy người viện cớ trường xa, không có tiền nộp học, vậy để tui mở lớp xoá mù chữ cho tụi nhỏ. Nói là làm, ông bán một con bò, thuê người đóng mấy bộ bàn ghế, mượn nhà chùa cái phòng chứa đồ, quét dọn sạch sẽ làm lớp học. Nghe Hai Chi muốn mở lớp dạy chữ cho trẻ nít nhà nghèo, ấp đồng ý liền. Một cô giáo tiểu học tình nguyện xin một số sách giáo khoa cũ đem về cho ông. Bà con nghe nói đi học miễn phí, chỉ trong buổi sáng, thì ưng bụng. Cho tụi con nít tới để ông Hai Chi kèm cặp, dạy chữ, còn hơn để chúng phơi nắng ngoài trời. Học buổi sáng, buổi chiều dư thời gian phụ việc nhà. Ưng bụng nhất là bà vợ Hai Chi. Ổng làm thầy giáo, đỡ suốt ngày giẫy cỏ, chăn bò ngoài nắng. Việc nhà, bà với con Út xoay một vòng là xong. Tôi thấy còn thiếu cái bảng viết chữ, liền lấy hai cánh cửa cũ ghép lại, mua sơn đen quét vô, rồi đem tới tặng. Ông Hai Chi nắm chặt tay tôi, lắc mạnh đến đau nhói.

- Anh cám ơn nhen Năm Minh! Đang tính căng tấm bạt đen xài đỡ!

Buổi sáng, khi tôi vừa quét dọn nhà cửa, sân bãi xong, là ngoài ngõ râm ran tiếng cười nói của tụi nhỏ. Chúng tới lớp với niềm vui trẻ thơ. Lát sau, tiếng xe máy của Hai Chi giảm ga, chạy rì rì cùng tiếng cười sảng khoái, đáp lại những tiếng chào xôn xao của tụi nhỏ. Đứa chào thầy, đứa chào ông, có đứa còn kêu “bố Chi!”.

- Không có chào ông, chào bố nhen! Các con chào thầy giáo được rồi!

Tiếng tụi trẻ dạ ran, tiếng cười của mấy thầy trò tan trong nắng, rơi đầy ngõ nhà tôi.

Hai Chi hồi trẻ học rất giỏi. Cậu học trò Hai Chi biết nhà mình nghèo, nên càng ráng học hành. Hồi học xong lớp mười hai, tính thi vô Đại học sư phạm, thì chiến tranh biên giới xảy ra. Hai Chi tình nguyện vô bộ đội. Hai năm sau, thấy anh trở về nhà bằng cây nạng gỗ và bên chân phải cụt tới gối. Những buổi trăng sáng, tụ tập cùng bạn bè ở sân chùa, Hai Chi hay kể chuyện chiến trường xưa. Anh nói tụi Pôn Pốt thâm độc, toàn rải loại mìn lá nhỏ như gói thuốc lá, bộ đội mình đạp phải là mìn nổ, bứt bàn chân. Trong lần truy kích địch, Hai Chi nhảy qua một hòn đá và đạp phải mìn, nát bấy bàn chân phải. Vết thương cấp cứu chậm, bị hoại tử nên phải cưa tới đầu gối. Cô bạn hồi cùng học lớp mười, thương quá khóc miết, rồi ngỏ ý yêu Hai Chi. Anh có được cô vợ trẻ đẹp, đảm đang mà chẳng phải tán tỉnh câu nào.  Họ sống tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Ba cô con gái giỏi giang y chang mẹ, nên kinh tế gia đình cứ khá dần lên. Tuy cụt chân, nhưng Hai Chi làm chẳng thiếu việc gì. Sáng nào cũng tập tễnh ra chuồng bò dọn phân, xong ra vườn cuốc đất trồng khoai lang, giẫy cỏ cho đám mì. Ngày mùa, vợ con cắt lúa bỏ lên bờ, một mình Hai Chi chất lên xe máy, chở về nhà. Bây giờ đã có tuổi, mái tóc trên đầu loáng thoáng hoa râm, nhưng ông Hai Chi chưa có ý định nghỉ ngơi. Thấy ông mở lớp học, bà vợ mừng lắm. Thôi hên! Ổng nghĩ ra việc làm cũng hợp lý, hợp tình. Chứ người tàn tật mà cứ quần quật ngoài đồng. Tội. Có người còn ác khẩu, nói móc bà: “Lương thương binh, ổng ăn không đủ sao mà còn hành người ta?”. Khổ thiệt chứ. Tại tính ổng vậy, ai bắt đâu. Hai Chi bỏ ngoài tai mấy lời đàm tiếu. Ông làm việc với ý chí, nghị lực của người bộ đội “tàn mà không phế”.

Buổi học sắp tan, ông Hai Chi hỏi đám trò nhỏ:

- Bạn nào chưa mua được tập vở?

Có đến nửa lớp giơ tay lên. Mỗi đứa được thầy giáo phát cho hai cuốn tập, kèm lời dặn: “Giữ cho sạch sẽ nhen!”. Bữa trước đi lãnh lương về, ông đưa hết tiền cho vợ rồi dặn: “Bà mua giùm tui ba chục cuốn vở!”. Bà gật đầu, không hỏi lại. Chắc lại mua cho đám trò nghèo. Từ hồi làm thầy giáo, có tháng lương nào của ổng còn vẹn nguyên đâu.

- Mùi mì luộc thơm quá! Thầy ơi con đói!

Một đứa trò ngồi bàn phía ngoài la lên. Thầy Hai Chi tính nhắc nhở, thì gặp bà vợ tôi bưng rổ mì luộc bước vô:

- Mấy thầy trò ăn củ mì dằn bụng. Trưa rồi! Mì nhà ngon lắm!

Đám trò nhấp nhổm, nhưng vẫn ngồi im nhìn thầy giáo. Hai Chi nhắc:

- Các con cảm ơn thím Năm đi!

Đám trẻ đồng thanh:

- Cá..a..ám ơ…ơ..ơn thím….!

Thằng Tèo con nhà Ba Tiêu tám tuổi rồi mà phá như giặc. Hai tay cầm hai khúc mì, nó nhảy từ bàn này qua bàn kia, miệng la bai bải, Hai Chi chưa kịp nhắc nhở, thì đứa trò đã trượt chân té cái oạch, đập đầu vô góc bàn. Thằng Tèo bặm miệng đứng dậy, mặc kệ các bạn xung quanh la hét:

- Máu! Trời ơi đầu chảy máu!

Nó vẫn gan lì đứng yên, mặc kệ thầy giáo nhào đi lấy đồ sơ cứu. Hai Chi theo thói quen, vẫn luôn mang bên mình chiếc túi cứu thương có hình chữ thập đỏ từ thời còn bộ đội. Bên trong có thuốc đỏ, bông băng và vài loại thuốc cảm cúm, đau bụng. Cuộn băng kịp thời cầm máu vết thương, nhưng cần phải khâu lại chỗ rách. Hai chi dắt xe ra, hò hét đám trò dìu thằng Tèo ngồi lên sau xe. Hai Chi ra lệnh:

-Một đứa ngồi sau cuối, giữ bạn cho chặt!

Ở trạm y tế xã, bác sĩ phải khâu bốn mũi trên đầu thằng Tèo, tiêm thuốc kháng sinh, rồi cho về. Chở thẳng thằng Tèo về nhà, ông Hai Chi đụng ngay mẹ nó ở cổng, cùng những tiếng la hét:

- Trời ơi! Ông thầy dạy con tui học chữ, mà sao đến nông nỗi này. Nó có làm sao, tui bắt đền ông thầy đó!

Ông Chi ngán ngẩm lắc đầu, không kịp động viên mẹ thằng Tèo.

Đám học trò ngồi im lặng, nhìn thầy giáo mệt mỏi ôm đầu. Tụi nhỏ thấy bất ngờ thầy giáo gục xuống bàn, thì chạy ào lên, líu ríu:

- Thầy ơi! Thầy bị sao vậy?

Hai Chi ráng nhúc nhích cái đầu, thều thào:

- Chạy qua…Năm Minh…nói chú tới…giùm thầy!

Tôi vội vàng chạy theo chân tụi nhỏ. Hai Chi ngúc ngoắc bàn tay, ra hiệu tôi tới gần:

- Tụt…huyết…áp! Giùm tui…ly nước…

Tôi hiểu ra, chạy phóng về nhà, đâm củ gừng pha một ly nước đường đem tới. Uống xong ly nước, chừng mười phút Hai Chi dần tỉnh táo.

- Các con về đi! Chú Năm sẽ đưa thầy về. Mai nghỉ học!

Mấy đứa trò lớn xúm vô đỡ thầy lên xe, rồi một đứa ngồi giữ phía sau. Tôi chỉ dám chạy xe tà tà, chở ông thầy thương binh về nhà. Bà vợ Hai Chi hình như quen với cảnh này, bình thản đỡ chồng xuống xe, ẵm vô nhà:

- Lại tụt huyết áp chớ gì! Đã biểu rồi, buổi sáng phải ráng ăn chút cho ấm bụng.

Tôi lắc đầu:

- Sáng mà không ăn, tui còn xỉu nữa là ổng! Rồi chị Hai có tính đưa ảnh đi bác sĩ hông? Tiện xe tui chở luôn!

- Khỏi cần! Cám ơn chú Năm nhen!

Mấy ngày ông Hai Chi nằm dưỡng bệnh, tụi nhỏ lại phơi nắng ngoài ruộng mò cua, bắt tép hoặc rủ nhau trèo cây tìm tổ chim. Tôi tranh thủ buổi trời nắng, không ra vườn được, nên chạy qua thăm Hai Chi. Ông nằm mệt mỏi trên giường, mặt xanh lét.

- Anh Hai ráng ăn uống, thuốc men nhen! Chớ cái bệnh tụt huyết áp cũng nguy hiểm y cái cao huyết áp đó. Coi chừng tai biến!

- Tui biết rồi chú! Phiền chú, khi nào rảnh, qua lớp học đóng lại mấy chiếc ghế bị gãy chân giùm tui. Tụi nhỏ cứ trèo lân, chạy nhảy trên bàn ghế, làm hư hỏng mấy thứ!

Chuyện nhỏ! Tốn mấy cái đinh chứ mấy. Tôi làm một loáng là rồi. Chỉ lo sức khoẻ của anh, không tới lớp sớm được. Tôi hỏi anh, tính dạy đám trò nhỏ được tới lớp mấy? Anh cười buồn:

- Thì cũng ráng chỉ cho tụi nó biết đọc, biết viết. Biết cộng trừ sơ sơ vậy thôi. Muốn học lên cao nữa, phải cho tụi nó vô trường đàng hoàng. Vụ này còn phụ thuộc ba má học trò, rồi nhà trường có tạo điều kiện cho tụi nó không!

Hai Chi nằm dưỡng bệnh được một tuần, thì sốt ruột quá ngồi dậy, đòi đi dạy. Bà vợ không cho, còn mời bác sĩ tới tận nhà khám lại, cấp thuốc. Hai Chi buồn hiu nếu như ngày nào đám trò không kéo tới thăm thầy, mang đủ thứ trái cây chúng kiếm được, từ ổi, cóc, chôm chôm, mãng cầu. Một người cũng thấy buồn nữa, là tôi. Khi mỗi sáng không nghe tiếng tụi nhỏ cười nói qua ngõ.

Một buổi sớm mai, tôi vừa chế xong bình trà, rót một ly ngồi nhâm nhi. Bất ngờ, ngoài ngõ râm ran tiếng cười con nít, rồi tiếng Hai Chi nhắc nhở:

- Mấy đứa đừng có chạy! Coi chừng té!

Chắc ổng đã bình phục, bắt đầu đi dạy.

P.P.Q

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục