Đọc báo in
Tải ứng dụng

Sách Cánh Diều - mang cuộc sống vào bài học

Bà Ngô Lê Phúc Lộc- giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, thị xã Hoà Thành nhìn nhận, qua sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, giáo viên thấy nội dung sách Cánh Diều gần gũi với học sinh; chất lượng in ấn đẹp; đặc biệt, kênh hình được học sinh yêu thích.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Thim- giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Tây Ninh bình luận, bộ sách Cánh Diều nói chung, SGK lớp 5 nói riêng, nội dung kiến thức vừa sức với học sinh, nội dung trong sách phong phú hơn sách theo chương trình cũ và được học sinh yêu thích. Còn để đánh giá SGK, phải có chuyên môn và qua quá trình giảng dạy mới biết được ưu điểm cũng như hạn chế của từng bộ sách.

Ông Đoàn Văn Ninh- nguyên Vụ phó Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam - VEPIC cho biết, đơn vị của ông phối hợp với Sở GD&ĐT Tây Ninh xây dựng khung thời gian tập huấn phù hợp với yêu cầu của địa phương, ưu tiên tập huấn trực tiếp để giáo viên có thể tương tác với báo cáo viên. Mong muốn của nhà xuất bản (bộ sách Cánh Diều) trong thời gian tới là giáo viên tiếp tục nghiên cứu, triển khai dạy tốt Chương trình GDPT 2018 và sử dụng bộ sách giáo khoa Cánh Diều hiệu quả.

“Sau khi tìm hiểu bộ sách giáo khoa Cánh Diều, tôi thấy bộ sách này phù hợp thực tế. Học sinh tiếp thu bài học tốt. Về hình thức, sách có hình ảnh đẹp. Tôi công tác trong ngành Giáo dục được 34 năm, theo tôi, nội dung SGK đổi mới nhưng có kế thừa. Tất nhiên, bộ sách nào cũng có ưu điểm và hạn chế nhất định”- ông Nguyễn Huỳnh Luân- giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị xã Hoà Thành phát biểu.

Nhìn lại chặng đường sau bốn năm triển khai chương trình và SGK mới, PGS.TS Đỗ Tiến Đạt- Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và cũng là một trong những người biên soạn SGK Toán lớp 5, bộ Cánh Diều cho biết, sau khi thực hiện chương trình và SGK mới từ lớp 1 đến lớp 4, chuẩn bị tới lớp 5, môn Toán ở cấp tiểu học, có nhiều ưu điểm so với trước đây.

PGS.TS Đỗ Tiến Đạt- người tham gia biên soạn SGK Toán lớp 5, bộ Cánh Diều

Bộ sách Cánh Diều bám sát những định hướng về yêu cầu cần đạt, về nội dung phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Như môn Toán của bộ sách Cánh Diều, người biên soạn ý thức rằng, qua mỗi bài học cần tạo điều kiện thuận tiện nhất, khoa học nhất để giáo viên truyền đạt kiến thức, qua đó hình thành phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

“Những người biên soạn SGK thảo luận cùng với giáo viên, chuyển đổi trên thực tế, chuyển dần lối dạy phát triển phẩm chất, rèn kỹ năng sống và những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh”- PGS.TS Đỗ Tiến Đạt nói về quá trình biên soạn SGK Cánh Diều- “Chúng tôi tìm kiếm một thiết kế, một cấu trúc nội dung sách cho phù hợp với học sinh, mục tiêu là đạt hiệu quả tốt nhất về giáo dục. Đến lúc này, bộ sách Cánh Diều được chấp nhận vì đã đáp ứng được yêu cầu vừa nêu”.

Một điều đáng lưu ý, theo PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, SGK Cánh Diều được biên soạn trên tinh thần dạy học gắn với đời sống thực tế, tìm kiếm thông tin liên hệ với đời sống diễn ra hằng ngày của học sinh, “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”.

Đối với giáo viên, nhóm biên soạn SGK Cánh Diều xây dựng trang web làm cơ sở dữ liệu để thầy cô giáo truy cập, tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc dạy học, hoàn toàn miễn phí. Điều đó làm giảm nhẹ lao động sư phạm đối với giáo viên và tăng cường hiệu quả học tập cho học sinh.

Trả lời câu hỏi vì sao sách Cánh Diều có nhiều hình ảnh, kể cả môn Toán, PGS.TS Đỗ Tiến Đạt giải thích, việc tăng kênh hình trong sách vì “hình ảnh thay cho lời nói, điều đó hấp dẫn  học sinh”. Mặt khác, việc tăng kênh hình trong SGK còn nhằm chuyển sang học liệu số, tạo điều kiện cho đội ngũ kỹ thuật sáng tạo hơn.

Môn Âm nhạc - vẫn đang chờ giáo viên

Bà Ngô Thị Loan- giáo viên Trường tiểu học Vàm Trảng, thị xã Trảng Bàng cho biết, Chương trình GDPT 2018, nội dung âm nhạc trong SGK rất phong phú, học sinh yêu thích môn học này. Nhưng hiện nay, nhiều trường thiếu giáo viên chuyên về môn Âm nhạc, vì thế giáo viên chủ nhiệm thường đảm nhận luôn môn học này.

“Trường đạt chuẩn quốc gia mới có phòng học riêng cho môn Âm nhạc, những trường khác, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ thì chưa có phòng riêng để dạy. Giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về âm nhạc nên có phần khó khăn khi dạy. Do trái chuyên môn, chúng tôi chỉ cố gắng bám sát vào chương trình rồi truyền tải cho các em”- bà Loan thẳng thắn nêu bất cập hiện nay.

Trong vai trò người tập huấn cho giáo viên dạy môn Âm nhạc trong Chương trình GDPT 2018, ông Phan Công Dũng chia sẻ, trước khó khăn đó, giáo viên- dù dạy trái chuyên môn, vẫn cần “cố gắng nắm bắt được nội dung chương trình để truyền tải đến học sinh”.

“Trong những năm gần đây, các trường sư phạm có khoa Âm nhạc, Mỹ thuật và nhà trường vẫn thu hút được sinh viên. Khi tốt nghiệp, việc tuyển dụng gặp khó khăn vì sinh viên ngành nghệ thuật có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn so với đi dạy khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Như vậy, rõ ràng có đầu vào - đầu ra nhưng để thu hút các bạn về trường dạy, vẫn còn đó dấu chấm hỏi. Khi chính sách đãi ngộ tốt, chúng ta sẽ tuyển được giáo viên đúng chuyên ngành” - ông Phan Công Dũng nói thêm.

Việt Đông - Hoàng Yến

 

“Trước đây, theo quy định của Bộ GD&ĐT, hình thức tập huấn kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Hiện nay, Sở GD&ĐT ưu tiên tập huấn trực tiếp để tạo điều kiện, cơ hội cho giáo viên trao đổi trực tiếp với chuyên gia, chủ biên, tổng chủ biên, các tác giả của bộ sách. Năm sau, chúng tôi sẽ tập huấn, bồi dưỡng theo dạng chủ đề, nâng cao chất lượng giáo dục”. Ông Bùi Tuấn Hải- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT