Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đánh giá: “… trong một cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ vừa đánh vừa dò, vừa đánh vừa thí nghiệm các chiến lược, chiến thuật của chúng, một cuộc chiến tranh leo thang từng bước, không có tiền lệ trong lịch sử, thì việc hiểu địch, hiểu ta là một quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, sát hơn, rõ ràng hơn, chắc chắn hơn, thông qua thực tế chiến đấu và những diễn biến cụ thể của cuộc đọ sức trên chiến trường. Trên cơ sở phương hướng chiến lực đúng, hãy làm đi rồi thực tiễn sẽ cho phép ta hiểu rõ sự vật hơn nữa”.

|
Đó là đặc điểm chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ có liên quan trực tiếp tới việc xác định mục tiêu, những chủ trương chiến tranh và biện pháp chiến lược của Đảng ta trong quá trình diễn biến của cuộc chiến tranh, mà trận tập kích Tua Hai và phong trào đồng khởi ở miền Nam trong giai đoạn đầu năm 1959 đến cuối năm 1960 là một dẫn chứng cụ thể.
Tháng 6.1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam, tuyên bố “tố cộng, diệt cộng” là quốc sách. Mỹ - Diệm tiến hành gom dân, lập nên những khu “dinh điền”, khu “trù mật”, khủng bố dã man các đảng viên cộng sản, những người yêu nước, những người có cảm tình với cách mạng, không đồng tình với hành động bán nước, làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó, quân đội chính quyền Ngô Đình Diệm còn mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn như chiến dịch Thoại Ngọc Hầu càn quét trên phạm vi 18 tỉnh đồng bằng Nam bộ; chiến dịch Trương Tấn Bửu càn quét các tỉnh miền Đông Nam bộ để tàn sát những người cộng sản, những người thân cộng sản.
Tháng 4.1959, Quốc hội Diệm thông qua đạo luật 91, được ban hành từ ngày 9.5.1959, mang tên Luật 10/59 về việc thành lập các toà án quân sự đặc biệt để xử những người cộng sản, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Chính sách nô dịch và gây chiến của đế quốc Mỹ cùng với hành động khủng bố và bán nước của bè lũ Ngô Đình Diệm đã làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân miền Nam phải chịu nhiều áp bức, bóc lột.
Hồi tưởng về giai đoạn kinh hoàng ấy, Đại tướng Mai Chí Thọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) viết: “… theo Hiệp định Genève phải tổ chức tổng tuyển cử, địch không tuân thủ mà còn lớn tiếng hô hào “Bắc tiến”. Rõ ràng Hiệp định đã bị kẻ thù đơn phương huỷ bỏ, thế mà chúng ta lại cứ tiếp tục kéo dài thời gian dùng hình thức đấu tranh chính trị, không kịp thời chuyển sang giai đoạn dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng trong khi chúng ta có đầy đủ điều kiện. Chính sai lầm tai hại này đã dẫn đến những tổn thất nặng nề và đau đớn cho cách mạng và Đảng bộ miền Nam. Riêng Đảng bộ miền Đông Nam bộ, lúc đó gồm cả Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh – NV), sau tập kết vẫn còn 21.000 đảng viên, đến cuối năm 1959, trước khi đồng khởi, chỉ còn không tới 800 đảng viên đang hoạt động”.
Ông Nguyễn Văn Hải – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh viết: “Về phía ta, đội ngũ cán bộ cốt cán, quần chúng cách mạng trung kiên bị tổn thất nặng nề, nhất là cấp tỉnh, huyện. Cơ sở ở xã nhiều nơi bị mất trắng. Nhân dân bị o ép đến bước đường cùng. Nhiều cô bác đã tìm gặp chúng tôi hỏi: Các anh có còn liên lạc với Trung ương không? Chẳng lẽ để cho kẻ thù cứ tự do tàn sát giết hại mãi hay sao? Thực trạng lúc bấy giờ lòng dân ý Đảng chỉ là một. Các anh trong tỉnh uỷ, huyện uỷ và nói chung đội ngũ cán bộ, đảng viên của ta đang đeo bám phong trào, lúc ấy đồng chí nào cũng muốn đánh, trước hết là để tự vệ, bảo vệ dân khi thấy kẻ thù đàn áp, đánh đập khủng bố dân… Chính vì thế đã có mấy lần cán bộ khui hầm móc súng lên, bị phê bình là nôn nóng manh động, lại chôn súng xuống”.
Trong bối cảnh ấy, tháng 1.1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội để xác định đường lối của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị vạch rõ: “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” và “Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ…”. Hội nghị còn nhấn mạnh, con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.
Nghị quyết 15 ra đời, khác nào như “nắng hạn gặp mưa rào”. Tại Tây Ninh, chỉ trong một đêm, huyện Châu Thành đã bí mật diệt 12 tên ác ôn là uỷ viên cảnh sát nguỵ quyền tại 12 xã. Tháng 6.1959, tại đồn Băng Dung, 4 người lính bảo an là cơ sở của Huyện uỷ Châu Thành cài vào đã nổi dậy làm binh biến, giết chết tên đồn trưởng ác ôn, trấn áp, giáo dục số lính còn lại, khuyên họ bỏ về với gia đình. Tại An Tịnh, Trảng Bàng, một đảng viên của ta được đưa vào làm uỷ viên cảnh sát từ năm 1958 đã gầy dựng được một số cơ sở nội tuyến trong lòng địch. Tháng 12.1959, theo chỉ thị của cấp uỷ, đồng chí này đã lãnh đạo số anh em cơ sở làm binh biến, diệt bót Suối Sâu, mang toàn bộ súng về với cách mạng.
Tháng 9.1959, Đại hội Xứ uỷ Nam bộ (mở rộng đến Bí thư Tỉnh uỷ) họp tại Trảng Chiên (Rùm Đuôn) thuộc vùng căn cứ Bắc Tây Ninh để quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 và đề ra phương hướng thực hiện nghị quyết. Xứ uỷ đề ra cho toàn Đảng bộ Nam bộ phải phát triển lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân đồng loạt khởi nghĩa. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: giữ và đẩy mạnh phong trào cách mạng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi và mạnh mẽ của quần chúng làm chính; đồng thời, kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống chính sách khủng bố của Mỹ - Diệm, ra sức củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, chuẩn bị sẵn sàng nắm lấy thời cơ đánh bại kẻ địch, giành thắng lợi. Chủ trương của Xứ uỷ là tạo nên một “luồng sinh khí” mới trong nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng.
Sau cuộc đồng khởi giành thắng lợi ở tỉnh Bến Tre (ngày 17.1.1960), nhằm phát huy khí thế sôi sục vùng lên lật đổ chính quyền phát xít Mỹ - Diệm của quần chúng cách mạng và tiếp tục động viên toàn miền Nam tiến hành đồng khởi, Xứ uỷ chủ trương thực hiện một trận tấn công quân sự lớn gây tiếng vang, đồng thời lấy vũ khí của địch trang bị cho các đơn vị vũ trang ta. Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Xứ uỷ Nam bộ triệu tập đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến từ căn cứ Đông Bắc về họp bàn việc thực hiện chủ trương này và Xứ uỷ Nam bộ quyết định đánh trận Tua Hai mở màn cho đồng khởi vũ trang.
Tua Hai là một căn cứ cấp trung đoàn của địch do cố vấn Mỹ chỉ huy nằm trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, đồng thời là kho dự trữ chiến dịch trên hướng này. Đây là căn cứ quân sự quan trọng và rất mạnh của địch. Do đó, tiêu diệt được căn cứ Tua Hai sẽ tạo nên một bước ngoặt quyết định cho phong trào cách mạng ở Tây Ninh nói riêng và cho Nam bộ nói chung.
0 giờ 30 phút ngày 25.1.1960, trận đánh Tua Hai bắt đầu. Sau vài giờ chiến đấu ta hoàn toàn chiếm lĩnh và làm chủ trận địa. Lực lượng dân công vào mang vác súng đạn, ai cũng đem hết sức mình để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng cách mạng. 3 giờ 30 phút sáng 26.1.1960, quân ta rút khỏi căn cứ Tua Hai. Ta đã tiêu diệt sở chỉ huy Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21, diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn 1 và 2, tiêu hao tiểu đoàn 3 của địch. Ta bắt và thả ngay tại trận 500 tù binh, thu 1.500 súng các loại.
|
Chiến thắng Tua Hai đã tạo nên sự rúng động trong hệ thống đồn bót nguỵ ở tỉnh. Hàng loạt đồn bót của chúng đóng trên các quốc lộ 22, tỉnh lộ số 3, số 4, lộ ủi biên giới xung quanh cũng tan rã do địch hoảng sợ rút chạy. Chớp thời cơ, hàng loạt huyện, xã ở Tây Ninh đã nổi dậy khởi nghĩa, tạo nên một cuộc đồng khởi trong toàn tỉnh và lan sang nhiều tỉnh, thành khác ở miền Đông Nam bộ.
Đến đầu tháng 7.1960, nhân dân và lực lượng vũ trang Tây Ninh đã gỡ 30 trong tổng số 60 đồn bót của quân nguỵ trên toàn tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã trên tổng số 49 xã của tỉnh, địch chỉ còn kiểm soát 6 xã.
Kết quả này đã tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn xã liền xã, huyện liền huyện ở Tây Ninh, hành lang từ vùng căn cứ rừng núi Bắc Tây Ninh nối xuống đồng bằng sông Cửu Long, nối với các tỉnh miền Đông, vùng căn cứ vùng Đông Bắc Sài Gòn, với Sài Gòn – Gia Định và miền Đông Campuchia được mở rộng, tạo thế liên hoàn cần thiết cho một vùng căn cứ đầu não. Với những lợi thế về quân sự (do điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tự nhiên, do chiến thắng Tua Hai và phong trào đồng khởi mang lại) nên cuối năm 1961, Trung ương Cục đã quyết định chọn vùng Bắc Tây Ninh làm nơi xây dựng căn cứ của Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền. Đầu năm 1962, các cơ quan lãnh đạo và chủ huy của Miền chính thức về đóng tại Tây Ninh.
Dưới tác động của chiến thắng Tua Hai, phong trào đồng khởi vũ trang lan sang các tỉnh Long An, Kiến Tường, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa, Chợ Lớn, đến cả vùng Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình, Bình Chánh, Dĩ An, Nhà Bè thuộc tỉnh Gia Định, ngoại vi thành phố Sài Gòn. “Cách đánh Tua Hai” nhanh chóng được phổ biến. Ở Long An, lực lượng vũ trang tỉnh (Tiểu đoàn 506) tập kích đồn Đức Lập, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Trụ…
Ở Kiến Tường, lực lượng vũ trang tỉnh cùng lực lượng vũ trang huyện và cơ sở đã vây đánh các đồn địch, mở màn cho cuộc nổi dậy của nhân dân các xã, huyện trong tỉnh. Ở Mỹ Tho, đơn vị vũ trang 514 của tỉnh mở đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền từ ngày 25.2.1960 hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy. Ở Gò Công, các tổ vũ trang cũng được phân công mở đầu cho các hoạt động khởi nghĩa…
Hầu hết các tỉnh Nam bộ và miền Trung khi tiến hành đồng khởi đều sử dụng lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự để châm ngòi cho phong trào quần chúng. Sau Tua Hai, lực lượng vũ trang các địa phương đều chủ động hoạt động mở đường và làm nòng cốt cho những cuộc khởi nghĩa. Cả Bến Tre- nơi đồng khởi mở đầu bằng cuộc nổi dậy của quần chúng, sau đó lực lượng vũ trang của địa phương cũng phải nhanh chóng xây dựng và hoạt động theo hướng làm nòng cốt cho phong trào quần chúng tiếp tục nổi dậy đấu tranh chống sự phản kích của kẻ thù.
Đ.H.T
(Bài viết có sử dụng một số tài liệu lịch sử về Chiến thắng Tua Hai)