BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Tiếp nối chiến công 45 năm trước

Cập nhật ngày: 27/04/2020 - 20:06

BTN - Vậy là chỉ còn ba hôm nữa đến kỷ niệm Ngày chiến thắng 30.4.1975 rồi đó ông. Nhanh thật, mới đó mà đã 45 năm rồi…

-Vâng, thời gian qua thật nhanh, thật đúng với lời ví von như “ngựa chạy tên bay”. Có điều, tôi cảm thấy là “không khí” tháng Ba, tháng Tư năm nay sao mà giống y như khoảng thời gian này 45 năm trước vậy.

-Ý ông là sao, giống là giống như thế nào?!

-Tôi muốn nói là cái khí thế cuộc sống xã hội trên đất nước ta từ đầu năm đến nay, toàn dân, toàn quân hưởng ứng theo lời Đảng, Nhà nước, Chính phủ kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, cả nước đồng lòng, chung sức thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt nhất…

Khí thế ấy thật chẳng khác nào khí thế tiến công, quyết tâm giành thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trong mùa xuân năm 1975. Tôi nghĩ vậy, ông thấy sao?

-Nhất trí, tôi hoàn toàn nhất trí với ông về sự ví von đó. Nghe ông nói tôi liên tưởng đến tình hình mấy tuần gần đây, cả nước ta nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 15, rồi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, các sự kiện tập trung đông người đều dừng lại, xe khách không hoạt động, người người hạn chế ra khỏi nhà, ngoại trừ khi có việc hết sức cần thiết, và phải đeo khẩu trang cũng như giữ khoảng cách tối thiểu hai mét khi giao tiếp với người khác…

Cái “khí thế chống giặc Covid-19” như thế cũng là vì sự an nguy của đất nước, của dân tộc, nếu đem so sánh với khí thế quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược và tay sai trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc kể cũng là xác đáng lắm.  

-Rõ ràng là nhờ những động thái quyết liệt từ đầu, khi mới xuất hiện ca nhiễm dịch đầu tiên trên đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta đã huy động được tổng lực của cả nước cùng “ra trận” chống dịch, kết quả là cho đến nay trong khi toàn thế giới đã có gần ba triệu người nhiễm dịch, hơn hai trăm ngàn người chết vì bệnh dịch thì cả nước ta vẫn chỉ có hai trăm bảy chục người mắc bệnh, đặc biệt là đã có tới hai trăm hai mươi lăm người đã được chữa khỏi bệnh và không có trường hợp nào tử vong.

Có thể nói trong tình hình đại dịch toàn cầu hiện nay thì kết quả này là một “chiến tích thần kỳ”, có ý nghĩa không khác gì chiến thắng thực dân, đế quốc 45 năm về trước. 

-Vâng, nhưng dù sao để xác định là chúng ta không chủ quan, tự mãn với thành tích chiến đấu với đại dịch của nước ta, tôi xin đọc cho ông nghe một vài đoạn trong bài đăng trên một tờ báo của Mỹ “chiến thắng Covid-19” của nước ta nhen.

Đấy là bài của tác giả George Black, một cây bút ở thành phố New York mới đây có bài viết đăng trên tờ The Nation của Mỹ, trong đó tác giả đã phân tích khách quan về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam, biện pháp ứng phó của Việt Nam, và bác bỏ những hiểu lầm từ bên ngoài đối với Việt Nam.

Bài báo có đoạn: “Đối với dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam từ trước đã được dự báo là phải cảnh giác nhiều hơn so với các nước khác bởi vì Việt Nam giáp biên giới trên bộ với Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát, và có đông người qua lại biên giới do công việc hoặc đi du lịch.

Cách tiếp cận của Việt Nam không dựa trên việc xét nghiệm ồ ạt, như cách phản ứng hoảng loạn của Mỹ và hầu hết các nước phương Tây. Vấn đề không phải vì Việt Nam thiếu nguồn lực để làm điều đó. Thực tế đây là chiến lược “đánh phủ đầu” nhằm giảm thiểu số ca bị lây nhiễm. Điều quan trọng ở đây là tỷ lệ giữa số xét nghiệm và ca được xác nhận. Tỷ lệ đó của Việt Nam là cao gần gấp 5 lần bất cứ nước nào khác.

Việc xét nghiệm đi kèm với truy vết gắt gao những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, cách ly sớm, và việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như 2 ứng dụng điện thoại để người dân có thể khai báo y tế và triệu chứng bệnh tật của mình.

Cùng với đó là sự vào cuộc đồng loạt của quân đội, công an, hệ thống y tế, các nhân viên nhà nước; hoạt động tuyên truyền rầm rộ, sáng tạo, sử dụng cả truyền hình, mạng xã hội và các áp-phích cổ vũ cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19…”.

Đoạn cuối bài báo, tác giả George Black khẳng định niềm tin rằng Việt Nam có khả năng đánh bại làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tương tự như đã đánh thắng đợt 1. Theo ông ấy, thế giới có thể học nhiều điều từ thành công đặc biệt này của Việt Nam.

-Đúng rồi, mà đâu phải chỉ có một bài trên báo Mỹ hả ông. Tôi lên mạng đọc được rất nhiều bài như thế của báo chí quốc tế. Và tôi nghĩ rằng, hành động quang minh chính đại và hiệu quả của nước ta trước đại dịch là điều mà thế giới đều công nhận, cho dù vẫn có những kẻ xấu, kẻ cực đoan cố tình lấp liếm điều ấy thì cũng chẳng còn ai thèm nghe bọn chúng nữa, phải không ông!

BÀN DÂN