Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người góp tiền, góp sức ủng hộ các vật dụng vô cùng thiết thực như lều dã chiến, đèn pin, ghế bố, khẩu trang, gel rửa tay sát khuẩn cho đến các loại nhu yếu phẩm hay đơn giản là những ly cà phê, nước mát xua tan mệt mỏi giữa trưa biên giới nắng gắt.
Đại tá Nguyễn Tài Sơn - Chính uỷ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cùng các mạnh thường quân tặng quà cho CBCS chốt dã chiến phòng, chống dịch trên địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng Phước Chỉ quản lý.
Khi cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn cam go thì cũng là lúc tinh thần toàn dân chống dịch lên cao. Người góp tiền, góp sức ủng hộ các vật dụng vô cùng thiết thực như lều dã chiến, đèn pin, ghế bố, khẩu trang, gel rửa tay sát khuẩn cho đến các loại nhu yếu phẩm hay đơn giản là những ly cà phê, nước mát xua tan mệt mỏi giữa trưa biên giới nắng gắt. Đó là sự tiếp sức rất kịp thời từ hậu phương, là sự sát cánh chung tay để những người lính nơi tuyến đầu chống dịch không đơn độc, giúp họ luôn yên tâm bám trụ biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tiền tuyến vững vàng
Biên giới Tây Ninh mùa này có những ngày nhiệt độ lên tới gần 40 độ nhưng khi đêm xuống lại rất lạnh. Nhiều chốt dã chiến phòng, chống dịch Covid-19 được đặt dọc tuyến biên giới, tăng, võng, lều bạt được mắc tạm bợ dưới những bụi cây giữa đồng, giữa rừng. Cán bộ chiến sĩ (CBCS) ba lực lượng Biên phòng, Công an, Dân quân địa phương vẫn ngày đêm túc tực 24/24, bám sát địa bàn, tuần tra liên tục với sứ mệnh “chống dịch như chống giặc”.
Đặc biệt là khi xuất hiện nguồn lây mới, Tây Ninh ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 đều từ Campuchia nhập cảnh về Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, công tác phòng, chống dịch được đẩy lên cao, siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới.
Tại một chốt dã chiến gần trạm kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Phước Chỉ, gần một tháng nay, CBCS chốt mắc tăng võng dưới mấy gốc cây to giữa đồng để tranh thủ nghỉ ngơi sau mỗi đợt tuần tra. Đại uý Nguyễn Văn Thì - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết: “Nơi đóng chốt dã chiến chỉ cách đường biên giới 30m, anh em chúng tôi mắc võng ở mấy gốc cây để có chỗ nghỉ ngơi, túc trực canh giác biên giới 24/24, ngăn chặn triệt để tình trạng vượt biên trái phép.
Ở đây ngày nắng nóng, đêm gió lạnh, còn muỗi thì nhiều vô kể. Hằng ngày, CBCS thay phiên nhau gác, đến bữa thì thay phiên nhau tranh thủ về trạm (nơi cách chốt dã chiến khoảng 2km-PV) để ăn cơm”.
Đoạn biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc hai xã Phước Bình, Phước Chỉ (TX Trảng Bàng) do Đồn Biên phòng Phước Chỉ quản lý đã được lập 8 chốt dã chiến phòng, chống dịch. Mỗi chốt đều có đầy đủ 3 lực lượng Biên phòng, Công an, Dân quân tự vệ do Đồn Biên phòng Phước Chỉ chủ trì, tổ chức chốt chặn dọc tuyến biên giới, khép kín đoạn biên giới dài 13,75km.
“Các chốt tổ chức tuần tra, kiểm soát quản lý biên giới 24/24, ngăn chặn, mật phục phát hiện các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, các loại tội phạm khác. CBCS cũng thường xuyên giải thích, vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tạm dừng hoạt động sản xuất ở sát khu vực biên giới, không qua lại biên giới trong thời điểm này”, Thượng tá Vũ Quang Quân - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết.
Là một trong những địa bàn “nóng” nhất trong cuộc chiến chống Covid-19, dọc 17,5km biên giới do Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài quản lý đã được bố trí 6 điểm chốt cố định và 15 điểm chốt dã chiến để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Nhất là thời điểm này, rất nhiều người vượt biên trái phép chủ yếu để né tránh cách ly theo quy định tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Thêm nữa là tình trạng buôn lậu cũng diễn biến khá phức tạp khi các cửa khẩu và đường mòn, lối mở bị khoá chặt. Có mặt tại chốt dã chiến Nam Hiệp Thành.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Phi, cán bộ phụ trách chốt này cho biết đã gần 3 tháng nay anh chưa được về nhà thăm gia đình. Trong thời gian trực phòng, chống dịch dưới sự chỉ đạo của ban chỉ huy đồn, CBCS chốt dã chiến túc trực, tuần tra 24/24 quản lý chặt khu vực được giao phụ trách, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. “Cực lắm. Ngày nắng gắt, đêm sương lạnh, muỗi cứ vo ve cắn chi chít chân tay nhưng riết rồi cũng quen. Có khi lũ muỗi cũng đã cùng nhóm máu với mình rồi” - thiếu tá Nguyễn Hữu Phi nói vui.
Còn tại một chốt dã chiến khác đặt tại ấp Phước Tây, xã Long Phước, huyện Bến Cầu, CBCS ở đây căng bạt, mắc võng để túc trực biên giới 24/24 từ nhiều ngày nay. Chốt ở sát biên giới, xa khu dân cư, xa đồn biên phòng, không điện, không nước, CBCS chốt này rất khó khăn. Một người dân có đất sản xuất gần chốt cho CBCS chốt dã chiến mượn một chiếc xe máy cày, phần rơ-moóc của chiếc xe này đặt bồn chứa khoảng 2.000m3 nước phục vụ sinh hoạt, bình ắc-quy ở đầu xe được đấu nối để có điện thắp sáng vào buổi tối.
Thăm, tặng quà kết hợp kiểm tra tại các chốt dã chiến phòng, chống dịch, Đại tá Nguyễn Tài Sơn - Chính uỷ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh động viên CBCS làm nhiệm vụ ở các chốt; đồng thời, đề nghị CBCS xác định rõ tư tưởng, trách nhiệm “chống dịch như chống giặc”, nêu cao tinh thần cảnh giác, không cho phép người qua lại biên giới hai bên, tuyên truyền cho bà con nhân dân tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, mỗi CBCS phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hậu phương luôn sát cánh
Vừa qua, BĐBP tỉnh tổ chức tiếp nhận các phần quà do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ CBCS đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên biên giới. Cụ thể, nhóm tình nguyện chống dịch Covid - 19 TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh hỗ trợ 50 lều trại, 27 bộ đèn năng lượng mặt trời cùng khẩu trang và nước sát khuẩn; luật sư Nguyễn Thế Tân cùng nhóm bạn hỗ trợ 100 lều dã chiến; Công ty TNHH MTV MC Mỹ Lệ tặng 40 ghế nằm, 20 đèn pin; luật sư Trần Thị Ngọc Lan (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 100 thùng nước suối… Tổng trị giá quà tặng hơn 200 triệu đồng.
Trong hai ngày cuối tuần cuối tháng 3 vừa qua, BĐBP tỉnh đã tổ chức đi thăm, tặng các phần quà trên cho CBCS các chốt phòng, chống dịch dọc tuyến biên giới của tỉnh. Chuyến đi đã để lại rất nhiều cảm xúc với những người trực tiếp được gặp, tận mắt nhìn thấy những thiếu thốn, vất vả của lực lượng phòng, chống dịch nơi tuyến đầu.
Chị Mỹ Lệ - Giám đốc Công ty TNHH MTV MC Mỹ Lệ (TP. Tây Ninh) thấu hiểu nỗi vất vả của CBCS các chốt, trạm phòng, chống dịch ở toàn tuyến biên giới. Nhìn những túp lều dã chiến mắc tạm bợ giữa rừng, giữa ruộng, những bữa ăn vội vã trên đường tuần tra chị nghĩ phải làm gì đó để chia sẻ bớt khó khăn, vất vả của CBCS trực tiếp làm công tác chống dịch.
Chị Mỹ Lệ chia sẻ: “Trong chuyến đi này, đối với tôi chỉ là một cá nhân của ít lòng nhiều hỗ trợ cho các CBCS một phần quà nhỏ gồm ghế bố, đèn pin trị giá khoảng 30 triệu đồng. Đèn pin để hỗ trợ CBCS khi đi tuần tra đêm, ghế bố để anh em có thể nằm nghỉ ngơi, có sức khoẻ thì tinh thần mới vững chắc, mới chiến thắng trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.
Thực sự càng đi càng thấy thương anh em, đi đến tất cả các chốt, trạm, thấy được sự vất vả, khó khăn, những thiếu thốn của họ. Và nhất là nhờ có chuyến đi này, tôi đã biết CBCS ở các chốt, trạm phòng, chống dịch còn thiếu cái gì, cần cái gì. Sau đợt này về, tôi sẽ vận động bạn bè, các mạnh thường quân khác tiếp tục chung tay hỗ trợ thêm”.
Đặc biệt, trong chuyến tặng quà toàn tuyến biên giới còn có sự tham gia của một số thành viên nhỏ tuổi trong nhóm thiện nguyện của chị Nguyễn Thị Trúc Mai (TX Hoà Thành). Các bạn trẻ năng nổ sắp xếp đồ đạc, chuyển quà tặng, chuẩn bị những suất ăn gồm cà ri, bánh mì và chia từng ly nước mát, cà phê… cho CBCS các chốt dã chiến phòng, chống dịch.
Chị Trúc Mai cho biết: “Rất ngẫu nhiên khi xem truyền hình và mạng xã hội thấy những hình ảnh CBCS rất vất vả trong công tác phòng, chống dịch nên tôi đã kêu gọi một số anh chị em, người góp tiền, người góp công để chuẩn bị quà tặng. Các mạnh thường quân khác đã tặng rất nhiều nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Còn đối với chúng tôi, được đến thăm, tặng cho CBCS mỗi người một suất ăn nóng, trời đang nắng nóng thì chuẩn bị cho anh em những ly nước mát giải nhiệt.
Giá trị tuy nhỏ thôi nhưng đó là sự quan tâm của chúng tôi, động viên các CBCS vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trải qua hành trình đi tặng quà trên tuyến biên giới, mọi người đều thấy việc đi lại rất vất vả, trong khi đó, CBCS chốt dã chiến phải trực, tuần tra 24/24 dưới thời tiết rất khắc nghiệt thì nỗi vất vả còn nhiều hơn.
Hy vọng trong thời gian tới, nhiều mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân khác sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành và có nhiều hành động tiếp sức kịp thời cho lực lượng phòng, chống dịch tuyến biên giới, giúp các anh có sức khoẻ tốt, an tâm tư tưởng để chống dịch thành công”.
Lắp dựng lều dã chiến cho CBCS một chốt dã chiến gần Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài.
Ngay sau chuyến đi để lắp đặt 100 lều dã chiến tặng CBCS các chốt dã chiến phòng, chống dịch, fanpage Natani - mãng cầu Bà Đen của luật sư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Natani Nguyễn Thế Tân viết những dòng cảm xúc: “Thế là hơn 100 cái lều dã chiến đầu tiên dần thay thế cho những chòi canh tạm bợ đã đến với các chốt canh dọc tuyến biên giới Tây Ninh - Campuchia, sẽ hỗ trợ phần nào những khó khăn, vất vả cho các chiến sĩ biên cương trong những ngày chống dịch. Những phần quà nhỏ bé nhưng hết sức thiết thực, thắm đậm nghĩa tình hậu phương, tiếp thêm sức mạnh cũng như tinh thần quyết tâm chống dịch - nhất định chúng ta sẽ chiến thắng!”.
Phương Thuý