BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp. 

Cập nhật ngày: 22/09/2017 - 05:50

BTN - Bên cạnh việc hỗ trợ vốn thông qua cuộc thi, Tỉnh đoàn cũng tiến hành hỗ trợ vốn để các bạn trẻ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh... khi đã được Hội đồng xét duyệt. Mức hỗ trợ từ 20 đến 200 triệu đồng.

Bí thư Tỉnh đoàn Trần Lê Duy thăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên.

Theo anh Trịnh Đình Hà, để khởi nghiệp thành công, bên cạnh yếu tố đam mê, các bạn trẻ cần được trang bị nhiều kiến thức liên quan. Dù rằng thời gian qua, tổ chức Đoàn đã thường xuyên, liên tục thông qua các kênh phối hợp để tạo điều kiện cho thanh niên tham gia sản xuất, kinh doanh- hay nói cách khác là khởi nghiệp từ ngay trên mảnh đất của mình, song phong trào khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Những năm qua, cùng với sự đồng hành, giúp sức của tổ chức Đoàn và sự tự nỗ lực vươn lên, trên địa bàn tỉnh đã có không ít bạn trẻ khởi nghiệp thành công.

KHỞI NGHIỆP- CÂU CHUYỆN CỦA SỰ ĐAM MÊ

Câu chuyện khởi nghiệp của ông chủ trẻ nhà sách Nhật Vũ luôn mang lại niềm cảm hứng cho nhiều người. Chàng trai Vũ Văn Điểm (Giám đốc Nhà sách Nhật Vũ), sau nhiều năm lăn lộn với nhiều ngành nghề, tích góp được một số vốn ít ỏi trên dưới 12 triệu đồng, đó là đã cộng thêm sự hỗ trợ của gia đình, cửa hàng sách cũ mang tên Nhật Vũ đã ra đời. Ban đầu, vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, cửa hàng sách cũng chưa được nhiều người biết đến, đây là khoảng thời gian đầy thách thức đối với anh, thế nhưng, chưa bao giờ ông chủ trẻ tuổi này có ý nghĩ từ bỏ đam mê. Vũ cất công xuống tận những con đường sách cũ ở Sài Gòn, lặn lội tận những vựa ve chai để tìm mua những lô sách quý, sách hay về phân loại, bày bán. Song song đó, anh còn tổ chức trao đổi, mua bán sách cũ ngay tại cửa hàng của mình. Nhờ đó, nguồn sách tại cửa hàng đã trở nên phong phú hơn, cái tên Nhật Vũ cũng bắt đầu được nhiều người biết đến.

Còn chàng trai 30 tuổi Trần Hoài Việt (xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) đã thành công từ sự sáng tạo trên chính mảnh đất của mình, qua mô hình trồng xen gốc đinh lăng giữa vườn gấc sau nhà,

Khoảng năm 2013, khi đang làm công an viên xã Gia Lộc (huyện Trảng Bàng), ngoài giờ đi làm, Việt tìm hiểu, trồng thử nghiệm 100 gốc dây gấc trên mảnh đất trống rộng gần 2.000m2, và nhận thấy, gấc cho thu nhập khá cao. Có được chút vốn- trên 100 triệu đồng, anh tiếp tục nghiên cứu và thực hiện mô hình trồng cây đinh lăng xen dây gấc. Kết quả từ việc thử nghiệm này là... thu nhập cao hơn nữa. Quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu từ đất, Việt xin nghỉ công tác để dành thời gian chuyên trồng đinh lăng và gấc. Cuối năm 2014, anh đăng ký thành lập công ty riêng tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc chuyên trồng và phân phối các sản phẩm làm từ dược liệu đinh lăng. Đến giờ, diện tích trồng nguyên liệu cây đinh lăng của anh lên đến cả 100 ha tại nhiều tỉnh, thành từ Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Bình Dương và Đăk Lăk.

Chia sẻ về quá trình làm giàu của bản thân, anh Việt nói: “Tôi nghĩ, mình đừng tự thoả mãn khi bản thân tìm được một hướng đi mà cái quan trọng là phải nghĩ ngay đến một lối đi tiếp theo cho mình”.

ĐOÀN THANH NIÊN- ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN TRẺ

Đằng sau câu chuyện thành công của các tấm gương khởi nghiệp, luôn có bóng dáng của tổ chức Đoàn. Anh Trịnh Đình Hà- Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Châu cho biết, trên địa bàn huyện có không ít thanh niên chịu khó, nỗ lực vươn lên từ hai bàn tay trắng.

Như anh Nguyễn Tuấn Cảnh, ngụ xã Tân Thành từ 2 bàn tay trắng, với sự chịu khó học nghề, đam mê công việc, biết tiết kiệm, anh đã mở được cửa hàng chuyên làm cửa sắt, và tạo việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên khác.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ ở huyện Tân Châu đang rất háo hức muốn khởi nghiệp từ chính mảnh đất của mình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm. Hiểu được điều đó, trước mắt, Huyện đoàn đã thành lập CLB thanh niên khởi nghiệp để quy tụ những thanh niên trẻ thành công với quá trình khởi nghiệp của mình để chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm, tham quan thực tế hay liên kết để sản xuất.

Về đầu ra, Huyện đoàn đang triển khai thành lập HTX nông nghiệp sạch ở xã Tân Đông. Về vốn, có chương trình phối hợp với ngân hàng giúp thanh niên tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh.

Theo anh Trịnh Đình Hà, để khởi nghiệp thành công, bên cạnh yếu tố đam mê, các bạn trẻ cần được trang bị nhiều kiến thức liên quan. Dù rằng thời gian qua, tổ chức Đoàn đã thường xuyên, liên tục thông qua các kênh phối hợp để tạo điều kiện cho thanh niên tham gia sản xuất, kinh doanh- hay nói cách khác là khởi nghiệp từ ngay trên mảnh đất của mình, song phong trào khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

 Theo anh Võ Quốc Khánh- Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh, để phong trào khởi nghiệp trong thanh niên thêm sôi nổi và hiệu quả, trong nhiệm kỳ sắp tới (2017 - 2022), BCH Tỉnh đoàn có hẳn một chương trình về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đây sẽ là tiền đề để tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp trong thời gian tới.

Trước mắt, ngay trong năm 2017, Tỉnh đoàn đã trích 2 tỷ đồng từ nguồn tài chính của Đoàn dành cho hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Nếu ý tưởng/dự án được nhận hỗ trợ vốn, sẽ không tính lãi, thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng.

Đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, thanh niên, hội viên đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp hoặc đam mê khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực (ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp sạch); là thành viên của các Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp các cấp; tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ... Lĩnh vực được đề nghị hỗ trợ, ưu tiên thứ nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch; kế đến là lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác.

Đồng thời, Tỉnh đoàn còn tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp” lần I năm 2017, để trao giải và hỗ trợ vốn khởi nghiệp. Ban tổ chức cuộc thi sẽ căn cứ vào tính chất, quy mô của dự án, ý tưởng, từ đó, trao giải thưởng từ 20 - 50 triệu đồng/dự án/ý tưởng. Đồng thời, cá nhân hoặc nhóm có dự án/ý tưởng đoạt giải thưởng sẽ được nhận được vốn hỗ trợ khởi nghiệp với số tiền lên đến 150 triệu đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn thông qua cuộc thi, Tỉnh đoàn cũng tiến hành hỗ trợ vốn để các bạn trẻ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh... khi đã được Hội đồng xét duyệt. Mức hỗ trợ từ 20 đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, để giúp thanh niên hiểu hơn về khởi nghiệp, tổ chức Đoàn sẽ tổ chức các buổi tham quan thực tế mô hình hay, cách làm hiệu quả liên quan đến nông nghiệp sạch trong và ngoài tỉnh; tổ chức các chương trình giao lưu đối thoại, toạ đàm, chia sẻ... để cung cấp kiến thức, cơ hội tiếp cận chính sách về nông nghiệp.

Cũng theo ý kiến của anh Võ Quốc Khánh, để giúp thanh niên khởi nghiệp, rất cần sự quan tâm, tư vấn của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Hải Nam - Giang Phương - Sơn Vương