Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp
Thứ năm: 23:48 ngày 26/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp lan toả mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên Tây Ninh. Với sức trẻ, cùng khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh doanh mới thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Thẩm chăm sóc vườn lan.

Với vai trò đồng hành, tổ chức Đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, phải kể đến nguồn vốn 2 tỷ đồng từ chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn triển khai từ năm 2017.

Tỉnh đoàn đã trao vốn khởi nghiệp cho các dự án tiêu biểu thông qua Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Mức hỗ trợ tuỳ thuộc vào quy mô của dự án, với thời gian hoàn vốn lên đến 3 năm. Các dự án còn được các chuyên gia, những người có kinh nghiệm hỗ trợ khoa học kỹ thuật để các bạn trẻ có thể khởi nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Tính đến cuối tháng 1.2019, chương trình đã xét, trao vốn cho 9 dự án thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tổng số tiền là 850 triệu đồng. Đối với các bạn trẻ, việc thiếu vốn đầu tư ban đầu là rào cản để hiện thực hoá những ý tưởng. Chương trình đã phần nào giải quyết khó khăn trước mắt, tạo thuận lợi bước đầu cho quá trình khởi nghiệp của thanh niên, tiếp thêm niềm tin, động lực để các bạn trẻ phấn đấu, nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tiêu biểu như anh Nguyễn Thành Thẩm- sinh năm 1989, ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Cầu.

Lâu nay anh Thẩm vẫn luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu từ đam mê trồng cây cảnh, nhất là với cây lan. Anh mày mò tìm hiểu các video, tài liệu hướng dẫn trên mạng, tham gia lớp dạy nghề trồng lan ở TP. Hồ Chí Minh, CLB trồng lan tại địa phương.

Khi biết về chương trình Hỗ trợ vốn thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, anh tin rằng đây là cơ hội để mình thực hiện ước mơ xây dựng, kinh doanh vườn lan. Anh làm hồ sơ đăng ký. Đầu năm 2019, mô hình trồng lan ngọc điểm của anh Thẩm được Tỉnh đoàn duyệt hỗ trợ vốn không lãi suất với số tiền 150 triệu đồng. “Nhận số vốn này, tôi rất mừng. Đối với thanh niên, cái khó nhất trong khởi nghiệp chính là nguồn vốn. Đây thực sự là cơ hội để tôi hiện thực hoá ước mơ của mình”- anh Thẩm nói.

Từ nguồn vốn trên, anh gom góp thêm số tiền tích luỹ để làm hệ thống nhà lưới, hệ thống treo, phun sương và nhập cây giống làm vườn ươm lan. Hiện, anh đã xây dựng được hai vườn ươm tại ấp Voi, xã An Thạnh và một vườn tại thị trấn Bến Cầu với tổng diện tích gần 600m2, trồng chủ yếu hai loại lan dendro và ngọc điểm, với hơn 3.500 cây lớn nhỏ.

Cũng thông qua Tỉnh đoàn, anh Thẩm được Sở Khoa học & Công nghệ chuyển giao một số kỹ thuật, cung cấp kiến thức và hỗ trợ thiết kế vườn lan. Dù vườn lan chỉ mới trong giai đoạn bước đầu nhưng cũng đã đem đến cho anh Thẩm thu nhập tương đối ổn định.

Dù khá bận rộn khi phải vừa làm việc văn phòng, vừa tất bật chăm sóc vườn lan nhưng anh Thẩm vẫn cảm thấy hài lòng. Anh chia sẻ: “Quan trọng hơn cả là tôi đã thực hiện được ước mơ. Dù mọi thứ vẫn còn mới mẻ, nhưng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để dự án của mình ngày càng phát triển”.

Trong số những điển hình khởi nghiệp thành công có chị Nguyễn Thị Lan (huyện Trảng Bàng) với dự án “Mở rộng trang trại cà cuống giống sinh sản, cung cấp cà cuống giống, cà cuống thịt và các sản phẩm liên quan đến chiết xuất tinh dầu cà cuống ra thị trường”; anh Nguyễn Văn Năm (huyện Tân Châu) với dự án “Mở rộng trang trại chăn nuôi ba ba sinh sản và thương phẩm”... Họ đã hăng hái lao động, dấn thân và đã gặt hái được những thành công, trở thành tấm gương góp phần động viên, khuyến khích các đoàn viên, thanh niên khác tham gia.

Trong quá trình khởi nghiệp, nhiều thanh niên sáng tạo, tìm hướng đi riêng trong chăn nuôi sản xuất. Đó là cơ sở nuôi con dúi của anh Phạm Thế Quạng- sinh năm 1994, huyện Tân Biên.

Anh Quạng hồ hởi cho biết, nhiều đoàn viên thanh niên cũng đã bắt đầu tìm đến cơ sở của anh để tìm hiểu về mô hình nuôi dúi và mua con giống về nuôi thử. Anh Quạng là một trong 3 thanh niên được Tỉnh đoàn hỗ trợ vốn khởi nghiệp trong năm 2019. Dự án “Nuôi con dúi thương phẩm” của anh có tổng chi phí là 90 triệu đồng, trong đó số vốn được Tỉnh đoàn hỗ trợ là 63 triệu đồng.

Cơ sở nuôi dúi của anh Quạng có diện tích 100m2, với hơn 60 con lớn nhỏ, được nuôi trong những ô chuồng làm bằng gạch. Số con giống này do chính tay anh Quạng lựa chọn tại Đăk Lăk. Tuy chi phí con giống khá đắt nhưng bảo đảm giống đã được thuần, không mang mầm bệnh và có khả năng sinh sản tốt.

Đặc điểm của loài dúi là sinh sống ở môi trường yên tĩnh, mát mẻ nên anh Quạng mượn đất của người quen ở một khu vực ít dân cư để phát triển cơ sở. Anh cho biết thêm, loài này khá sạch nên cũng không tốn quá nhiều công sức trong việc dọn dẹp chuồng trại, thức ăn cũng đơn giản, dễ kiếm như tre, mía, bắp… 

Anh Quạng nói: “Trước đây, tôi từng làm công cho một cơ sở nuôi dúi tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) nên có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi giống này. Thịt dúi được thị trường khá ưa chuộng, giá thành cao. Ở TP. Hồ Chí Minh, con dúi có giá bán cả triệu đồng một ký”.

Anh Quạng giới thiệu cho khách cách chăn nuôi con dúi.

Khi biết được chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, anh Quạng đã rất tự tin vào dự án của mình. Hiện tại, anh còn nhận bao tiêu đầu ra và hướng dẫn cách chăm sóc, trị bệnh cho những người mua con giống từ cơ sở của mình. Anh dự tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lên khoảng 200-300 con dúi vì số lượng hiện tại đã không đủ cung cấp cho người mua.

Anh Quạng cho rằng: “Một trong những yếu tố giúp thanh niên khởi nghiệp thành công, đó là phải có sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Nguồn vốn ban đầu tuy quan trọng, nhưng cần phải nỗ lực rất nhiều mới thành công được”.

Cùng với việc “trao cần câu” giúp thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn còn hướng dẫn “cách câu” cho thanh niên thông qua việc triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác như: tập huấn, cung cấp những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho thanh niên; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động CLB Thanh niên khởi nghiệp cấp tỉnh và cơ sở; tổ chức các diễn đàn đối thoại, gặp gỡ giữa thanh niên với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành để thanh niên có cơ hội chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng của bản thân về chính sách khởi nghiệp; tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa thanh niên và doanh nghiệp… Từ đó góp phần đảm bảo nguồn vốn khởi nghiệp được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Hoà Khang

Báo Tây Ninh
Tin liên quan