Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếp tục chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ hai: 14:54 ngày 15/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

 

Người Khmer thực hiện nghi thức tắm tượng Phật trong dịp Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Lê Văn Hải

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022-2023 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2025, mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm 22/56 hộ so với năm 2021. Cùng với đó là toàn bộ các xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông. Các đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh DTTS học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đi học đạt 97%; học sinh trung học cơ sở đi học trong độ tuổi trên 95%; học sinh trung học phổ thông đi học trong độ tuổi đạt 60%; người từ 15-16 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.

Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng được chú trọng tăng cường. Tiếp tục tập trung giải quyết dịch bệnh vùng DTTS; hầu hết đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế và tối thiểu 90% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.

Đặc biệt là tiếp tục bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% ấp có đội văn hoá, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng và một số tiêu chí quan trọng khác.

Trong kế hoạch định hướng mục tiêu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ giảm số hộ nghèo trong vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống còn dưới 10 hộ. Toàn bộ số xã vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong đó, trình độ dân trí sẽ được cải thiện đáng kể, trên 95% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 90% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc theo Quyết định số 771 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ số xã, ấp vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Cũng theo kế hoạch này, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Tây Ninh phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, ấp vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đề ra

Xác định tầm quan trọng của công tác này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan quán triệt nghiêm túc và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong thực hiện công tác dân tộc. Hiểu rõ vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng đồng bào DTTS cũng như các chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó nhận thức đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và chủ động thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới. Chú trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, không có tình trạng ấp “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng.

Bảo đảm nguồn lực thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp ưu tiên huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc đề ra. Trong đó, kinh phí thực hiện Chiến lược công tác dân tộc được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước và lồng ghép một cách có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn lực xã hội khác.

Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản có liên quan tại địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.

Thực hiện công khai, minh bạch các chương trình, dự án, kế hoạch cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội biết, tham gia quản lý, giám sát, góp ý, phản biện xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu đã ban hành; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra các bài học kinh nghiệm để kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách và khắc phục các tồn tại, hạn chế. Phân công nhiệm vụ cụ thể giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc thực hiện chính sách dân tộc.

Bên cạnh đó tiếp tục kiện toàn, xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc các cấp. Phối hợp hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và chế độ thông tin, báo cáo về công tác dân tộc từ tỉnh tới cơ sở, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về dân tộc.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm phân công, phân nhiệm rõ ràng, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan.

Ngoài ra, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, chính sách thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I: từ năm 2022 đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về dân tộc, công tác dân tộc hiện hành. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất một số chính sách mới trên cơ sở tổng kết kết quả thực hiện giai đoạn trước, bảo đảm phù hợp định hướng, chủ trương của Đảng, các chính sách lớn của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững để góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập, tiếp cận ngày càng nhiều các dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội. Nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Ninh.

Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đức An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục