Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Thứ tư: 07:01 ngày 19/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm kết nối người sản xuất với các cơ sở tiêu thụ, qua đó, hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Sơ chế chuối già Nam Mỹ tại ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc.

Nâng cao giá trị nông sản

Thực tế cho thấy, nguồn thực phẩm do địa phương tự sản xuất và cung ứng vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rất hạn chế. Ða số mặt hàng bán ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh là từ các địa phương khác cung ứng.

Bà Dương Thị Tường Vy, Giám đốc siêu thị Co.opMart Gò Dầu và Trảng Bàng cho biết, hiện nay, các sản phẩm địa phương chưa có mặt nhiều trong siêu thị. Siêu thị Co.opMart là hệ thống phân phối lớn. Ðể bảo vệ người tiêu dùng, Co.opMart yêu cầu các đơn vị sản xuất phải có đủ giấy tờ cần thiết để chứng minh xuất xứ, chất lượng hàng hoá… Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị sản xuất, nông dân lại chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục giấy tờ.

Bà Bùi Thị Thu Hồng, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹp dừa tại khu phố Gia Huỳnh, thị trấn Trảng Bàng cho biết, sản phẩm của cơ sở đã được hệ thống siêu thị Co.opMart trên địa bàn tỉnh tiêu thụ 150 hộp/ngày. Mới đây, cơ sở đã liên hệ trực tiếp tại Tổng Co.opMart Sài Gòn với mong muốn được ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài, số lượng lớn. Nếu ký được hợp đồng, cơ sở sẽ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Ðỗ Châu Sa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Việt Hàn (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) chia sẻ, thời gian qua, HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa sạch cung ứng cho thị trường.

Ðể bảo đảm đầu ra, HTX đã liên kết sản xuất 250 ha lúa và cam kết cung ứng sản phẩm cho bếp ăn tập thể của một doanh nghiệp ở Ðồng Tháp với số lượng 7 tấn/ha, giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã giúp nâng cao thu nhập cho thành viên trong HTX, đồng thời tạo niềm tin cho người dân.

Trên địa bàn huyện Hoà Thành có khoảng 1.000 ha nhãn tiêu da bò, tập trung tại các xã Trường Hoà và Trường Ðông. Trước đây,  giá cả trái nhãn bấp bênh, có thời điểm rớt giá xuống còn 3.000 đồng/kg, làm người trồng thua lỗ nặng.

Ðể tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hoà Thành phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả phía Nam liên kết với người trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm nhãn an toàn cung cấp cho thị trường. Ðồng thời, sản phẩm nhãn sẽ được đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định thương hiệu nhãn tiêu da bò trên thị trường.

Chủ động tìm đầu ra

Hiện nay, có nhiều nông hộ sản xuất nhỏ lẻ đang phải chật vật tự tìm đầu ra trong bối cảnh thị trường nông sản có nhiều biến động, điều này dẫn đến tình trạng nông dân phải bán sản phẩm thô theo giá ấn định của thương lái.

Từ thực tế trên, Phòng NN&PTNT huyện Bến Cầu đã chỉ đạo các xã vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy Tanifood; chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên các cánh đồng lớn.

Theo Phòng NN&PTNT, giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích tăng hằng năm, bình quân từ  70-100 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ đạt 100-150 triệu đồng/ha/năm. Từ  đó đời sống nông dân được cải thiện do đầu ra nông sản ổn định hơn. 

Thời gian qua, huyện Bến Cầu luôn chú trọng xây dựng mô hình liên kết 4 nhà trên lúa. Ðến nay, tổng diện tích thực hiện theo mô hình liên kết 4 nhà của huyện là trên 10.000 ha. Bình quân 1 ha trong mô hình thu lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình (từ 3-4 triệu đồng/vụ).

Trong thời gian tới, huyện Bến Cầu tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và liên kết cùng nông dân sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Thu hoạch lúa trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng.

Theo Sở NN&PTNT, nhằm thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đến nay, Sở đã ký kết thoả thuận hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau quả, cây ăn trái, thực phẩm với Liên hiệp HTX thương mại TP.Hồ Chí Minh; và giới thiệu cho đơn vị này ký 2 hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm xoài Úc với Công ty TNHH  MTV Thanh niên xung phong và bưởi da xanh với Công ty TNHH Sáu Như Một.

Song song đó, Sở ký thoả thuận hợp tác với Công ty TNHH xuất nhập khẩu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương về đầu tư trồng mới và bao tiêu sản phẩm chuối Cavendish đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ðồng thời, Công ty cổ phần Nutrivision đang xúc tiến đầu tư nhà máy giết mổ gia súc hiện đại và vùng nuôi bò chuyên thịt.

Ðể đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy Tanifood, mới đây Công ty Lavifood đã ban hành chính sách vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2021, Công ty Lavifood sẽ liên kết cùng nông dân triển khai 5.030 ha nguyên liệu. Riêng năm 2018, công ty sẽ liên kết với nông dân trồng 250 ha xoài cát chu, 1 ha xoài Ðài Loan, 350 ha khóm Queen, 65 ha mãng cầu xiêm, 100 ha mít Thái lá bàng.

Khi liên kết sản xuất với công ty, nông dân sẽ được hỗ trợ tư vấn mô hình canh tác; kỹ thuật canh tác; cung cấp giống, vật tư nông nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ, máy móc vào canh tác và quản lý vùng trồng bảo đảm sản lượng, chất lượng cho sản phẩm. Khi đó, tất cả sản phẩm làm ra sẽ được công ty tiêu thụ với giá cả hợp lý. Ngoài ra, công ty ký cam kết đầu tư trồng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

NHI TRẦN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục