Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 20.10, tại Sở Giáo dục - Ðào tạo, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục tỉnh tổ chức sơ kết công tác năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018.
Công nhân nông trường cao su tham gia lớp xoá mù chữ (ảnh tư liệu).
Hiện nay, mạng lưới trường lớp các cấp học ở Tây Ninh được phát triển đến tận vùng sâu, biên giới, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Toàn tỉnh có 136 trường mầm non (122 trường công lập, 14 trường tư thục), 262 trường tiểu học, 106 trường trung học cơ sở, 32 trường trung học phổ thông (31 trường công lập, 1 trường tư thục), 2 trường trung cấp nghề, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp, 1 trường cao đẳng sư phạm, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, 95 trung tâm văn hoá - thể thao và học tập cộng đồng.
Về kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, tổng số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,99%. Có 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 2, riêng thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu đạt chuẩn mức độ 3.
Toàn tỉnh có 95/95 xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn xoá mù chữ. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-35 biết chữ đạt 99,8%.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, công tác phổ cập giáo dục được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, đoàn thể và ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch. Một trong những hạn chế của công tác phổ cập, phân luồng sau trung học cơ sở là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chưa đạt chỉ tiêu.
Về giáo dục mầm non, tổng số trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,4% (không tăng so với cùng kỳ năm trước). 9/9 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.
Ðối chiếu với quy định của Bộ Giáo dục - Ðào tạo, Tây Ninh bảo đảm các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất và đội ngũ, bảo đảm tiêu chuẩn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại thời điểm tháng 12.2016.
Cách nay ít ngày, Bộ Giáo dục - Ðào tạo đã ra quyết định chính thức công nhận Tây Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tuy vậy, theo nhận định của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, việc đầu tư cho giáo dục mầm non nói chung và phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi nói riêng chưa đồng đều ở các đơn vị cấp huyện. Tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp còn thấp, do thiếu phòng học và thiếu giáo viên.
Về cơ sở vật chất trường học, đồ chơi ngoài trời cho các cháu học sinh mầm non còn hạn chế, nhất là ở các điểm lẻ. Và tính đến tháng 7.2017, toàn tỉnh còn thiếu 298 giáo viên mầm non. Trong đó, Trảng Bàng, Gò Dầu, Tân Biên và Tân Châu là 4 địa phương thiếu giáo viên mầm non với số lượng lớn nhất.
Trong những năm qua vẫn diễn ra tình trạng dù nhu cầu giáo viên mầm non khá lớn, song sinh viên tốt nghiệp ngành học này lại không tìm được việc làm, chỉ vì thi trượt viên chức. Mặt khác, dù thiếu giáo viên mầm non nhưng việc tổ chức tuyển dụng cũng có những vướng mắc do liên quan đến phân bổ chỉ tiêu biên chế. Trong lần tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục - Ðào tạo về phổ cập giáo dục mầm non, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết sẽ có giải pháp đã tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề biên chế nhằm tuyển dụng cho đủ giáo viên mầm non.
Theo kế hoạch được phê duyệt, tổng kinh phí dành cho công tác phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010 - 2015 là gần 300 tỷ đồng, trong đó, xây dựng phòng học, phòng chức năng hơn 235 tỷ đồng, mua thiết bị tối thiểu và thiết bị nội thất dùng chung hơn 58 tỷ đồng. Trong giai đoạn vừa qua, có 185 phòng học dành cho giáo dục mầm non được xây mới hoàn toàn.
VIỆT ÐÔNG