Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ GIAI ĐOẠN 2019 - 2025:

Tiếp tục mời giáo viên người nước ngoài dạy Tiếng Anh 

Cập nhật ngày: 04/07/2019 - 13:03

BTN - UBND tỉnh vừa thông qua Ðề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019-2025. Ðề án này nhằm cải thiện toàn diện chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giáo viên người nước ngoài, các tình nguyện viên có kiến thức, trình độ ngoại ngữ sẽ tham gia dạy và học ngoại ngữ.


Có giai đoạn, ngành Giáo dục hợp đồng với giáo viên người Philippines dạy học môn tiếng Anh.

Mục tiêu chung của đề án là tiếp tục bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy, học ngoại ngữ theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, chuẩn hoá theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. Tiếp tục triển khai mở rộng việc dạy và học ngoại ngữ theo chương trình của Bộ GD-ÐT ở các cấp học tại các đơn vị đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, bảo đảm chuẩn đầu vào, đầu ra đối với tất cả học sinh đang theo học chương trình mới.

Triển khai dạy và học tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 ở tất cả các khối lớp tại Trường THPT Trường chuyên Hoàng Lê Kha, thực hiện dạy và học môn Toán cùng một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh cho một số lớp đủ điều kiện. Duy trì 3 đơn vị là Trường tiểu học Kim Ðồng, Trường THCS Trần Hưng Ðạo và Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha để xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời nhân rộng ra các đơn vị đủ điều kiện trong thời gian tới.

Theo đề án, việc triển khai được chia thành nhiều nhóm và mỗi nhóm có nhiệm vụ cụ thể. Theo tinh thần đó, nhóm số 1 là chương trình, tài liệu dạy học và học ngoại ngữ. Nhóm này có mục tiêu tiếp cận, làm quen việc học tiếng Anh ở bậc học mầm non, triển khai sâu rộng chương trình tiếng Anh 10 năm của Bộ GD-ÐT. Nhóm 1 tổ chức khảo sát, triển khai thí điểm chương trình cho trẻ em mầm non làm quen tiếng Anh tại những cơ sở giáo dục có nhu cầu và đủ điều kiện tại hai Phòng GD-ÐT Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai mở rộng việc dạy, học ngoại ngữ theo chương trình mới ở các cấp học tại các đơn vị đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Ðồng thời, mở rộng số lượng trường, lớp và học sinh theo học tiếng Anh theo chương trình mới, tổ chức hội thảo, dự giờ và giám sát việc dạy học tiếng Anh. Sản phẩm dự kiến trong nhóm này là số lượng các đơn vị tham gia dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới theo lộ trình. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ nêu trên được thực hiện trong năm 2020.

Nhóm số 2 có nhiệm vụ đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Nội dung hoạt động cụ thể của nhóm này gồm có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các thiết bị, phần mềm dạy học ngoại ngữ; khai thác triệt để các phòng dạy học ngoại ngữ, trang thiết bị nghe nhìn, tranh ảnh, phần mềm dạy học ngoại ngữ được trang cấp tại cơ sở giáo dục.

Tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho tất cả giáo viên Tiếng Anh cấp trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD-ÐT; đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá các kỹ năng trong dạy và học theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế. Sản phẩm dự kiến do nhóm này làm ra là ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm ngoại ngữ cấp THPT.

Nhóm số 3 có nhiệm vụ phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không chuyên ngành ngoại ngữ. Trong đó, từng bước nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý theo chuẩn quy định. Nhóm đối tượng này được bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ lên bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Sản phẩm dự kiến của nhóm này là 90% cán bộ quản lý tham gia bồi dưỡng đạt bậc 2 trở lên trong năm 2020. Nhiệm vụ bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý do Sở GD-ÐT và Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh hoặc Trung tâm SEAMEO RETRAC thực hiện.

Ðối với giáo viên không chuyên ngành tiếng Anh, nhóm đối tượng này được bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ lên bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Những giáo viên có khả năng giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh cấp THPT sẽ được ưu tiên theo học. Sản phẩm dự kiến do nhóm này đem lại là 100% giáo viên đạt yêu cầu của lớp bồi dưỡng đạt bậc 3 trở lên trong năm 2020.

Nhóm số 4 có nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Mục tiêu là nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong giảng dạy, áp dụng những ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, cập nhật phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo chương trình và sách giáo khoa hệ 10 năm.

Nội dung hoạt động gồm tổ chức bồi dưỡng năng lực sư phạm, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên, ưu tiên việc bồi dưỡng đối với giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, giáo viên tại các khu vực khó khăn. Sản phẩm dự kiến của nhóm 4 là 100% giáo viên đạt yêu cầu của lớp bồi dưỡng. Thời gian thực hiện từ tháng 9.2019 đến tháng 11.2020.

Nhóm số 5 có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ. Trong đó đa dạng hoá nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên người nước ngoài đáp ứng tiêu chuẩn quy định tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho giáo viên, học sinh nâng cao khả năng phản xạ khi giao tiếp với người nước ngoài, điều chỉnh cách phát âm, luyện giọng, tăng cường sự tự tin trong giao tiếp.

Nhóm này còn có nhiệm vụ phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tiếp nhận giáo viên người nước ngoài về dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời liên kết trong và ngoài nước bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ; bồi dưỡng, tập huấn cán bộ làm công tác hành chính, quản lý đề án. Khuyến khích các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn thu từ xã hội hoá, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, hoạt động ngoại khoá ngoài giờ lên lớp trên cơ sở tự nguyện, tự thoả thuận đóng góp của phụ huynh nhằm tạo thêm môi trường học ngoại ngữ tích cực cho học sinh. Nhóm này cũng được giao xây dựng chính sách thu hút người nước ngoài đến học tập, làm việc và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm dự kiến do nhóm này tạo ra là các cơ sở giáo dục đều có các hoạt động sinh viên tình nguyện hoặc giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ.

Nhóm số 6 được giao nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hoá trong dạy và học ngoại ngữ với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ bằng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, hợp tác, đầu tư của cá nhân trong và ngoài nước. Nội dung cụ thể là khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là các chương trình dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhóm này còn có nhiệm vụ khuyến khích và phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở  GD-ÐT trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; kiểm soát chất lượng, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Sản phẩm dự kiến của nhóm là tổ chức cuộc thi tài năng tiếng Anh dành cho học sinh cấp TH, THCS và THPT.

Nhóm số 7 được giao nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án với mục tiêu thực hiện tốt việc triển khai đề án. Nội dung cụ thể bao gồm xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

So với các môn học khác, việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều bất cập, hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng. Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó không thể không kể đến chương trình, sách giáo khoa môn học này thiên về tính hàn lâm, văn phạm, trong khi ngôn ngữ là công cụ giao tiếp. Môi trường ngoại ngữ ở Việt Nam cũng khác với đa số quốc gia khác trên thế giới.

Ở nông thôn, giáo viên, học sinh hầu như không có cơ hội tiếp xúc với người nói tiếng Anh… Tại kỳ họp mới kết thúc cách nay ít ngày, Quốc hội bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng Việt.

VIỆT ÐÔNG