Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục ngăn ngừa, xử lý việc cho vay nặng lãi 

Cập nhật ngày: 22/10/2019 - 23:11

BTN - Đối tượng cho vay nặng lãi chủ yếu là dân từ các tỉnh khác đến Tây Ninh - nhất là các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Nhiều đối tượng núp bóng dưới hình thức kinh doanh cơ sở cầm đồ, sửa chữa, mua bán điện thoại di động, cửa hàng tạp hoá... để cho vay nặng lãi.

Hai đối tượng cho vay nặng lãi bị lực lượng Công an bắt giữ hồi tháng 6.2019. Ảnh: Tuyết Nhung

Vừa qua, cử tri ở các xã Trà Vong, Tân Bình và Thạnh Bình, thuộc huyện Tân Biên phản ánh tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê xảy ra ở nhiều nơi - nhất là ở vùng nông thôn. Đối tượng cho vay thường là người nghèo, khó khăn, thiếu hiểu biết. Hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần, ngành chức năng (công an) cũng đã đề ra nhiều biện pháp để giải quyết. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Về vấn đề trên, UBND tỉnh cho biết, khoảng từ đầu năm 2018, các đối tượng cho vay lãi nặng hoạt động ngày càng công khai, gây bức xúc trong dư luận. Các đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tràn ngập khắp con hẻm, đường phố, trụ điện, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

Đối tượng cho vay nặng lãi chủ yếu là dân từ các tỉnh khác đến Tây Ninh - nhất là các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Nhiều đối tượng núp bóng dưới hình thức kinh doanh cơ sở cầm đồ, sửa chữa, mua bán điện thoại di động, cửa hàng tạp hoá... để cho vay nặng lãi. 

Tuy nhiên, phức tạp nhất là các đối tượng cho vay lãi nặng từ địa phương khác đến hoạt động. Số đối tượng này không lập công ty mà thuê nhà, nhà trọ (mỗi nhóm có khoảng 4 đối tượng trở lên) để hoạt động. Chúng dán tờ rơi quảng cáo khắp nơi rồi cho vay với thủ tục rất đơn giản, không cần thế chấp, chỉ cần CMND; và người vay phải cho bọn chúng biết nhà ở, chỗ làm… 

Các đối tượng này nhắm đến những người có hoàn cảnh khó khăn như công nhân, người lao động... có điều kiện kinh tế eo hẹp, không có tài sản để thế chấp hay cầm cố để vay ngân hàng, buộc phải vay với lãi suất “cắt cổ”. Người vay nếu mất cảnh giác, thoạt nhìn vào cách tính lãi tưởng là rẻ (chỉ khoảng 5.000 đồng - 7.000 đồng/ngày/triệu đồng), đủ để người vay có thể trả nợ. Tuy nhiên, nếu tính lãi suất cụ thể sẽ ở mức từ 20% đến 30%/tháng, 100% đến 400%/năm - là mức lãi suất không thể chấp nhận được. 

 Ngoài ra, các đối tượng cho vay nặng lãi còn có nhiều thủ đoạn để né tránh việc xử lý của cơ quan chức năng. Chẳng hạn, thay vì ký hợp đồng cho vay, các đối tượng ký hợp đồng cho thuê xe (tức là xe của nạn nhân lập hồ sơ dưới hình thức hợp đồng bán xe, sau đó các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng cho chủ xe thuê lại) với giá tính theo tháng...

 Với những chiêu thức trên, đã có rất nhiều người dân “mắc bẫy” vay tiền của các đối tượng này. Điều đáng quan tâm là khi người vay không có khả năng chi trả, chúng sẽ cho người hoặc thuê những đối tượng chuyên đòi nợ thuê đến nhà, chỗ làm hăm doạ, uy hiếp về mặt tinh thần; và nghiêm trọng hơn đã xảy ra một số vụ những kẻ đòi nợ thuê đến địa phương đánh người gây thương tích, bắt giữ con nợ trái pháp luật… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. 

Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, tín dụng đen, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đấu tranh và chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương mở đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp đối với loại tội phạm này.

 Lực lượng Công an các cấp phối hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, tháo gỡ, xoá bỏ các bảng quảng cáo, tờ rơi dán trên trụ điện, tường rào trên các tuyến đường, khu dân cư, khu công nghiệp; phát hiện, xử phạt hành chính hàng chục đối tượng về hành vi dán quảng cáo, phát tờ rơi không đúng nơi quy định có nội dung cho vay tiền trả góp; bắt nhiều vụ, nhiều đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng, bắt giữ người (con nợ) trái pháp luật; khởi tố nhiều vụ, nhiều bị can về hành vi cho vay lãi nặng và bắt giữ người trái pháp luật; xác minh điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật các trường hợp vi phạm.

Thời gian tới, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh trấn áp mạnh với loại tội phạm này để từng bước không để chúng còn hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngành Công an phối hợp với Toà án, Viện Kiểm sát nhân dân lựa chọn án điểm đưa ra xét xử lưu động để răn đe; tăng cường phối hợp các ngành, đoàn thể tuyên truyền để người dân cảnh giác, tố giác tội phạm; tiếp tục chỉ đạo Công an xã, phường, thị trấn phối hợp các đoàn thể địa phương tháo gỡ các tờ rơi dán quảng cáo cho vay trên tường, cột điện... và xử lý nghiêm các đối tượng dán quảng cáo không đúng nơi quy định.

Đình Chung