Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp tục phát triển Thương mại điện tử
Thứ năm: 10:29 ngày 27/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay. Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mới đây UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND về phát triển TMĐT giai đoạn 2021 -2025.

Nhân viên của một công ty vận tải chủ yếu tìm kiếm khách hàng và quảng bá sản phẩm sản phẩm bằng TMĐT.

TMĐT là một hình thức thương mại tiên tiến, hiện đại, là một trong kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và xã hội thông tin; TMĐT đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Phát triển TMĐT là xu thế tất yếu và cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và doanh nghiệp.

TMĐT giúp doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú, đa dạng về thị trường, đối tác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và tiếp thị.

Chủ một Công ty CP Du lịch trên địa bàn thị xã Hòa Thành cho biết, hầu hết các tour du lịch của công ty trong thời gian qua được khách hàng đặt qua website. Việc ứng dụng TMĐT đã giúp ích cho công ty rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối đối tác, ký kết hợp đồng với du khách. Đây là xu thế tất yếu trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh như hiện nay.

Còn với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm, giao nhận tận nơi một cách nhanh chóng; người tiêu dùng còn được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ, thuận lợi trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp.

Chị Nguyễn Thị Hồng Anh, ngụ xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành cho biết, chị làm quen với việc mua hàng qua mạng internet thông qua các website của doanh nghiệp và mạng xã hội facebook hơn 3 năm nay. Bây giờ, nhiều vật dụng trong gia đình như điện tử, quần áo, thực phẩm… cũng được chị mua qua các trang mạng.

“Trong thời gian hạn chế đi đến các nơi đông người do ảnh hưởng dịch bệnh, tôi chỉ ở nhà làm việc và đặt mua online những loại hàng hóa thiết yếu. Tôi thấy phương thức mua hàng này rất tiện lợi, chất lượng bảo đảm, mẫu mã thì đa dạng để lựa chọn”. Chị Hồng Anh chia sẻ.

Hiện nay, những nội dung rất quan trọng trong loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán gần đây nhất, đều có những nội dung rất lớn liên quan đến phát triển TMĐT, liên quan đến cải cách thể chế và pháp lý để thúc đẩy phát triển TMĐT.

Vì vậy, mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh sẽ tham gia xây dựng và phát triển các tiện ích thanh toán trực tuyến nhằm sử dụng rộng rãi các mô hình TMĐT, đặc biệt là loại hình TMĐT giữa doanh nghiệp - người tiêu dùng, doanh nghiệp - doanh nghiệp, Chính phủ - người dân, Chính phủ - doanh nghiệp; phấn đấu có khoảng 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa giao dịch trên môi trường trực tuyến đạt 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD; khuyến khích phát triển TMĐT xuyên biên giới, gắn TMĐT với các hoạt động xuất nhập khẩu .

Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025 có 85% website TMĐT của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến; có 40- 50%  doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, các hộ kinh doanh cá thể, có hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT; có 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; có 100% siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm lớn hiện đại phải bảo đảm được việc thanh toán POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không sử dụng tiền mặt; có 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp háo đơn điện tử cho người tiêu dùng,

Đối với ứng dụng TMĐT trong cơ quan nhà nước phải duy trì và cung cấp 100% thủ tục hành chính lên hệ thống trang thông tin điện tử, cổng thông tin của địa phương. Trong đó, đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phổ biến, liên quan đến người dân và doanh nghiệp được tích hợp lên công dịch vụ công quốc gia, công dịch vụ công của tỉnh.

Để TMĐT của tỉnh phát triển trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn thường xuyên và chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT; Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT; Duy trì, phát triển hạ tầng và tham gia các hoạt động về TMĐT.

Ngoài ta, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có khả năng và mong muốn ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, tư vấn cách thức tham gia; Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thông qua việc khai thác các cơ hội giao thương hàng ngày; Đào tạo kỹ năng quản trị gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT tỉnh; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình sản phẩm của doanh nghiệp; Hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện và khả năng tham gia vào các sàn TMĐT lớn của thế giới như Amazon, Alibaba…

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục