Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc bảo đảm kết cấu hạ tầng để người và phương tiện lưu thông an toàn thời điểm này là vô cùng quan trọng.
Đường 787 đoạn qua phường An Hoà được giặm vá nhưng chưa bằng phẳng
Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong 4 chương trình đột phá được tỉnh Tây Ninh xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin).
Để thực hiện nhiệm vụ này, những năm gần đây, Tây Ninh tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông từ nhiều nguồn nhằm kết nối thuận lợi với các địa phương, các tỉnh trong vùng.
Nhiều tuyến đường cần được nâng cấp, sửa chữa
Còn khoảng hai tuần nữa người dân cả nước sẽ bước vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Gần tết, nhu cầu đi lại của người dân càng tăng cao. Do đó, việc bảo đảm kết cấu hạ tầng để người và phương tiện lưu thông an toàn thời điểm này là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đoạn tuyến giao thông xuống cấp, chưa được quan tâm xử lý.
Tuyến đường liên phường An Hoà - Gia Bình được thị xã Trảng Bàng đầu tư nâng cấp mở rộng vào năm 2016, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, lại là tuyến đường kết nối hai khu công nghiệp lớn của tỉnh là Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng) và Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu), sau hơn 6 năm sử dụng, tuyến đường bắt đầu bộc lộ dấu hiệu quá tải, mặt đường liên tục xuống cấp, có nhiều điểm sụp lún, bong tróc đá và thường xuyên đọng nước, gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân.
Ông Lê Văn Khánh, ngụ khu phố An Lợi, phường An Hoà cho biết, tuyến đường hư hỏng từ hơn một năm trước, ban đầu là một số điểm lún ở hai bên lề đường do các loại xe tải nặng lưu thông. Trời mưa, những điểm này ứ đọng nước, dần hư hỏng nặng, nhiều người dân khi lưu thông qua bị té ngã.
Theo ông Khánh, khoảng một tháng trước, điểm hư hỏng nặng nhất tại khu vực phía sau chợ An Hoà và một số đoạn đã được ngành chức năng giặm vá bằng đá 0x4. Tuy nhiên, tuyến đường có nhiều phương tiện tải trọng nặng như xe container, xe tải chở đất, đá… lưu thông nên tiếp tục bị hư hỏng.
Chị Nguyễn Thị Bích Huyền, ngụ khu phố Chánh, phường Gia Bình cho biết, hằng ngày, vào lúc sáng sớm và chiều tối là thời điểm phương tiện giao thông tăng cao do công nhân đi làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuyến đường đang trở nên quá tải, mặt đường nhỏ hẹp, nhiều điểm hư hỏng khiến việc lưu thông của người dân rất khó khăn, nhiều trường hợp phải lấn vào lề đất để né nhau.
Theo phản ánh của người dân phường An Hoà, hiện nay đường 787B, đoạn qua khu phố An Quới, phường An Hoà có một đoạn khoảng 50m bị hư hỏng gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Một người dân địa phương cho biết, tình trạng hư hỏng xảy ra từ giữa năm 2022, người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương và ngành chức năng trong các cuộc tiếp xúc cử tri, yêu cầu sửa chữa, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua đây nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Đường 786 là tuyến đường phía Tây, kết nối thành phố Tây Ninh với Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và khu vực phía Tây của tỉnh Long An. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường ngày càng nhiều. Tuyến đường đầu tư nâng cấp từ những năm 2010, gần đây liên tục xuống cấp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh ngày 26.8.2022, ông Trần Thanh Mềm- Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu cho biết, đường 786 qua huyện Bến Cầu thường xuyên hư hỏng không đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của địa phương, do đó việc nâng cấp và mở rộng tuyến đường này có ý nghĩa rất lớn để địa phương thu hút nhiều dự án quy mô lớn, giúp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bến Cầu Nói riêng và của tỉnh nói chung.
Nhiều xe tải nặng thường xuyên di chuyển trên tuyến đường liên phường Gia Bình - An Hoà.
Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phát triển bền vững
Theo Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn tỉnh có 8.260km đường bộ, trong đó có 3 tuyến quốc lộ (do Bộ GTVT quản lý) với tổng chiều dài khoảng 132km, gồm: Đường Xuyên Á (quốc lộ 22); quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài; còn lại hệ thống đường địa phương khoảng 8.128km, trong đó đường tỉnh quản lý có 35 tuyến, tổng chiều dài 734km; 187 tuyến đường cấp huyện, tổng chiều dài 1.020km và 450 tuyến đường trục chính đô thị (tổng chiều dài 404km), 2.127 tuyến đường xã (tổng chiều dài 3.889km) và khoảng 2.000km là đường ấp, xóm, nội đồng.
Ngoài ra, có 2 tuyến vận tải đường thuỷ theo sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, với tổng chiều dài trên địa bàn tỉnh 140km, có 4 cảng thuỷ nội địa đang khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông, gồm: cảng Bến Kéo (cảng hàng hoá), cảng Thanh Phước (cảng hàng hoá), cảng xăng dầu LPG (cảng chuyên dùng), Cảng xi măng Fico (cảng chuyên dùng). Ngoài ra, còn có 134 bến thuỷ nội địa (129 bến hàng hoá và 5 bến khách ngang sông).
Tỉnh đang đầu tư Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng), quy mô 259ha, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 trước năm 2025; cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chi Minh gần như chỉ có tuyến đường quốc lộ 22, từ ngã tư An Sương đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, dài 59km, với quy mô đường cấp II, mặt đường rộng từ 16m đến 18m, hiện đã xuống cấp và quá tải.
Đây chính là điểm “nghẽn” hạn chế sự phát triển của tỉnh thời gian qua. Hệ thống giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh rất thấp, chiếm khoảng 1,6% mạng lưới đường bộ toàn tỉnh, được đầu tư lâu, quy mô nhỏ và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư; hiện nay đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Ngoài ra, địa hình của tỉnh bị chia cắt bởi 2 tuyến sông và hồ Dầu Tiếng, cần phải có nguồn lực lớn đề đầu tư các công trình cầu kết nối hai bờ.
Ông Nguyễn Thái Bình- Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, giai đoạn từ năm 2016 - 2022, tỉnh đã triển khai 38 dự án với tổng vốn đầu tư 5.973 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách địa phương khoảng 4.147 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ trên 1.800 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: Đường tỉnh ĐT.788; ĐT.794 (giai đoạn 1); Đường Kà Tum- Tân Hà; ĐT.781 từ ngã tư Tân Hưng- ngã ba Bờ Hồ- kết nối tỉnh Bình Dương; đường Phước Vinh- Sóc Thiết- Tà Xia; ĐT.790 nối dài đến hồ Dầu Tiếng; ĐT.793 (từ ngã tư Tân Bình đi cửa Khẩu Chàng Riệc); các tuyến đường Điện Biên Phủ, 30/4, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương, Trần Phú…
Đặc biệt, kết nối 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông có 7 cầu (các công trình cầu đầu tư sau này: Bến Đình, Bến Cây Ổi, Phước Trung, An Hoà); kết nối 2 bờ sông Sài Gòn có 5 cầu (trong đó dự án cầu đường bắc qua sông Thị Tính kết nối Tây Ninh với Bình Dương mới hoàn thành).
Nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thi công như: Đường 782-784 từ Trảng Bàng đến ngã tư Tân Bình; đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương; đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đường 782 - 784, 794, 795; Trung tâm Logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng (quy mô 259 ha), cảng cạn Mộc Bài, Thanh Phước...
Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Có thể nói, với tầm nhìn chiến lược, Tây Ninh đã tạo ra đột phá để phát triển bền vững về mọi mặt, khẳng định tầm vóc, diện mạo, vị thế mới.
Minh Dương