Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp tục tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ, đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp
Thứ tư: 00:14 ngày 17/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích người dân phát triển vùng sản xuất tập trung, có hợp đồng liên kết - tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến.

Trồng rau trong nhà kính trên địa xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất được ngành khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Qua đó, nhận thức của đa số người dân về cơ cấu lại nông nghiệp được nâng cao, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy mô lớn.

Thời gian qua, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Ông Hoàng Phú Hậu - Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, HTX có 150 ha đất trồng lúa và 13 ha đất trồng rau màu theo hướng VietGAP.

Đây là HTX được hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Theo ông Hậu, muốn sản phẩm làm ra đứng vững trên thị trường, người sản xuất phải nỗ lực đạt các tiêu chuẩn như: đúng theo nhu cầu thị trường; đúng chất lượng và phải đồng nhất; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; đủ lượng; giá thành thấp. Như vậy, từng nông hộ khó thực hiện mà buộc người nông dân phải liên kết với nhau, qua đó tạo thuận lợi kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh, diện tích rau màu, cây ăn trái đang từng bước được hình thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất rau, củ quả chưa chú trọng tổ chức hội thảo để nông dân được tiếp cận thông tin thị trường và định hướng người dân tham gia sản xuất đúng đắn để tránh tình trạng “cung vượt cầu”, dẫn đến tình trạng sản phẩm thiếu đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Điệp, xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) cho biết, nhờ trồng cây ăn trái mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã có thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tuy nhiên, ông Điệp mong muốn ngành chức năng hỗ trợ nông dân tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ để  bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, các ngành chuyên môn cần tiếp tục có các hoạt động tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn để nông dân lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng, ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất. Qua đó, giúp nông dân chăm sóc tốt cây trồng và chủ động phòng trị dịch hại, bảo đảm năng suất, chất lượng, tuổi thọ của cây và hạ được giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thực phẩm cho mọi nhà đang thực hiện mô hình sản xuất nông sản an toàn tại thị xã Hoà Thành cho biết, để có lợi nhuận cao, nông dân tham gia chuỗi liên kết phải sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm… Doanh nghiệp cũng cần phải có nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng bảo đảm. Ngoài ra, liên kết sản xuất còn giúp nhà nông và doanh nghiệp có thể chủ động phát triển mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood thuộc Công ty cổ phần Lavifood chuyên chế biến, sản xuất và xuất khẩu rau, củ quả. Để triển khai kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu và hỗ trợ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã làm việc với lãnh đạo công ty và đề nghị công ty phối hợp với các cơ quan chuyên môn là Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT và chính quyền địa phương tổ chức hội thảo để nông dân biết về chính sách đầu tư; giá thu mua sản phẩm; hình thức cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất; hợp đồng tín dụng, hình thức triển khai ứng dụng phần mềm E-Farm... để nông dân có thể tham khảo và định hướng sản xuất.

Song song đó, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị tiếp xúc, trao đổi, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình sản xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng sản xuất cho người dân.

Năm 2020, Sở chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty Lavifood và các công ty sản xuất giống rau, củ quả thực hiện các buổi hội thảo giới thiệu giống cây trồng mới để nông dân lựa chọn và đưa vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp hỗ trợ nông dân vay vốn mua các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hoá trong nông nghiệp. Qua đó, đã hỗ trợ 20 trường hợp vay vốn (gần 41 tỷ đồng), mua 68 thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn- nhất là cơ giới hoá trên các loại cây trồng mới chuyển đổi như rau, cây ăn trái, với quy mô nông hộ do diện tích sản xuất phân tán; nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị hạn chế; máy móc, thiết bị chủ yếu nhập từ nước ngoài nên còn chưa mạnh dạn đầu tư.

Trong thời gian tới, để người sản xuất áp dụng cơ giới hoá quy mô nông hộ thật sự có hiệu quả, UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích người dân phát triển vùng sản xuất tập trung, có hợp đồng liên kết - tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến.

Ngoài ra, ngành phải đẩy mạnh công tác phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi và mô hình khuyến nông theo hướng nâng cao ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị nông nghiệp hiện đại để làm các mô hình điểm, từ đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ra quy mô nông hộ.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục