Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếp tục thả 25.000 cặp ong ký sinh để diệt trừ bệnh sáp bột hồng
Thứ sáu: 20:33 ngày 10/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo ông Nguyễn Thanh Truyền- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, năm 2017 đơn vị có kế hoạch gây nuôi khoảng 25.000 cặp ong ký sinh (ong Anagyrus lopezi) để tiếp tục thả ra môi trường tự nhiên vào giữa mùa khô này, nhằm diệt trừ rệp sáp bột hồng, loại ký sinh gây hại trên cây mì.

Ông Truyền cho biết, hàng năm diện tích trồng khoai mì của tỉnh luôn giao động từ 55.000 đến 60.000 ha. Chỉ riêng trong vụ đông xuân 2016-2017 này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống gần 30.000 ha mì (là mùa dễ bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng nhất), tập trung nhiều tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Châu Thành.

Rệp sáp bột hồng là loại dịch hại ngoại lai, xâm nhập vào Việt Nam vài năm gần đây, đầu tiên là ở Phú Yên và Tây Ninh, nơi có nhiều vùng nguyên liệu cây khoai mì rộng lớn. Đặc điểm của loài gây hại này là chúng rất khỏe mạnh, khó bị thiên địch tiêu diệt, chúng tăng mạnh trong suốt thời kỳ đầu của mùa khô.

Cây khoai mì bị rệp sáp tấn công bằng cách chích hút, làm cho xoăn, vàng lá cây trồng. Diện tích bị nhiễm nặng làm giảm đến 80% năng suất. Nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị cho cây khoai mì thì ít đạt hiệu quả, lại tăng chi phí sản xuất cho nông dân và ảnh hưởng đến môi trường.

Năm 2013 là năm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hàng trăm ha mì bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng làm cho cây trồng chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề, người dân phải tiêu hủy bằng cách đốt bỏ để tránh lây lan theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Trước tình hình trên, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc đã tài trợ cho ngành Bảo vệ thực vật Tây Ninh với số lượng ban đầu khoảng 4.000 cặp ong ký sinh để gây nuôi, thả ra môi trường.

Từ tháng 6.2013 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh đã nhân giống thành công và liên tục hỗ trợ nông dân thả gần 1 triệu cặp ong để ký sinh tại địa bàn các huyện có diện tích trồng mì lớn.

Nhờ vậy, diện tích cây khoai mì bị nhiễm loại dịch hại này giảm dần. Năm 2016, toàn tỉnh chỉ có khoảng trên 45 ha bị nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng, nhưng ở mức độ nhẹ, thiệt hại không đáng kể đến cây trồng.

Lê Đức Hoảnh

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục