BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục thử nghiệm máy vớt lục bình mới

Cập nhật ngày: 05/03/2016 - 02:10

Lục bình được cẩu từ chiếc máy sang ghe khác để vận chuyển đi.

Đến hẹn lại lên, khi mùa mưa vừa dứt thì lục bình lại “bao vây” sông Vàm Cỏ Đông. Thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu nhiều biện pháp nhằm tiêu diệt lục bình, nhưng mọi giải pháp đến giờ này vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Mùa mưa năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua tiến hành dỡ bỏ chà, đuổi, đẩy lục bình theo dòng chảy xuống hạ lưu để đưa ra biển. Khi triển khai biện pháp này, lục bình đã giảm rõ rệt, dòng sông thông thoáng hơn. Người dân 2 bên bờ khi đó rất mừng vui vì không còn quá vất vả mỗi khi qua sông để đi làm ruộng, hay đi đánh bắt cá mưu sinh. Vậy mà từ tết Bính Thân cho đến nay, lục bình lại trở lại dày đặc trên sông, ghe, thuyền lại không thể di chuyển được.

Gần đây, chúng tôi được biết, hiện nay có một doanh nghiệp liên hệ với Sở Giao thông Vận tải để xin thử nghiệm hệ thống trục vớt lục bình mà đơn vị này tự nghiên cứu, chế tạo. Theo đó, sau gần 1 năm mày mò nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chiệu (50 tuổi, Chủ nhiệm HTX vận tải đường thuỷ Vàm Cỏ Đông- phà Bến Đình, Bến Cầu) đã hoàn thiện chiếc máy vớt lục bình với hy vọng sẽ “giải cứu” dòng sông Vàm Cỏ Đông.

Ông Chiệu cho biết, chiếc máy này được thiết kế gồm 3 phần chính: băng tải, khoang chứa và dàn cẩu. Trong đó, máy vận hành là của xe hơi, dàn thuỷ lực của xe cẩu, tất cả được đặt trên chiếc xà lan có chiều dài 15m, ngang 3m. Máy chỉ cần 2 người điều khiển là có thể hoạt động suốt nhiều giờ. Khi hoạt động, dàn băng tải trước đầu xà lan chúc xuống mặt nước một góc khoảng 45 độ và quay liên tục để vớt lục bình lên băng tải. Sau đó lục bình được đưa đến bộ phận ép vắt nước rồi tiếp tục đưa đến khoang chứa để được dàn cẩu bốc qua chiếc ghe khác, vận chuyển đi.

Theo ông Chiệu, nếu được Sở GTVT chấp nhận, ông sẽ cải tiến để nâng công suất máy lên 3-4 lần hiện nay để tăng cường khả năng vớt lục bình. Riêng việc xử lý lục bình sau khi trục vớt, đã có 1 công ty làm phân bón sinh học trong tỉnh đặt vấn đề mua lại. Mặt khác, người dân cũng có thể xử lý bằng cách ủ lục bình cho vườn cây để hạn chế bốc hơi nhanh.

Ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đang theo dõi hiệu quả hoạt động máy vớt lục bình của ông Chiệu. Theo nhận định qua lần thử nghiệm đầu tiên thì: “Chiếc máy được thiết kế đồng bộ từ khâu tải, ép vắt, đóng lục bình thành bánh cho đến việc cẩu lục bình qua ghe vận chuyển. Nhưng hiện hệ thống cẩu chưa được an toàn, nên Sở đã đề nghị ông Chiệu hoàn chỉnh lại và sẽ thử nghiệm tiếp trong tuần tới”.

Hy vọng lần này, máy vớt lục bình của ông Chiệu đáp ứng được yêu cầu.

THẾ NHÂN