BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2019:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng 

Cập nhật ngày: 18/02/2019 - 10:03

BTN - Những năm gần đây, Tây Ninh nỗ lực thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020, trong đó có việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Năm 2019, Tây Ninh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án do địa phương đầu tư, đồng thời chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Quốc lộ 22, đoạn từ Trảng Bàng đến Gò Dầu. Ảnh: Đ.H.T

Thời gian qua, đối với các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chủ động phối - kết hợp với các bộ, ngành Trung ương từ bước lập dự án để kịp thời tham gia ý kiến nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhiều kiến nghị của địa phương được các bộ, ngành chấp thuận. 

Tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các tỉnh lân cận, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đề xuất các phương án kết nối giao thông và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với các dự án do địa phương đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sâu sát từng ngành, địa phương thực hiện nhanh các nội dung có liên quan đến từng dự án, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.

Nhóm công tác phát triển kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông cũng lựa chọn, tham mưu UBND tỉnh thứ tự ưu tiên đầu tư, quy mô đầu tư theo từng dự án để mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất, tạo sự lan toả lớn nhất và đồng bộ với các dự án khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong quý II năm 2019, Tây Ninh sẽ khởi công xây dựng các dự án quan trọng, gồm: cầu An Hoà (huyện Trảng Bàng); cầu bến Cây Ổi (huyện Châu Thành); đường từ ngã ba 781 - bờ hồ Dầu Tiếng đến đường 785 (ngã tư Tân Hưng); đường An Thạnh - Trà Cao (đi qua hai huyện Bến Cầu và Trảng Bàng); đường ra biên giới thuộc xã Ninh Điền (huyện Châu Thành).

 Tỉnh cũng sẽ đầu tư 2 công trình lớn: dự án nâng cấp, mở rộng đường 792 - 793 sau khi Trung ương hỗ trợ vốn và tỉnh cân đối được nguồn ngân sách địa phương; dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới đoạn từ cầu Sài Gòn 2 đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát sau khi được Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư.

Trong năm 2018, tỉnh tiếp tục phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tham mưu phương án đầu tư dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến Mộc Bài; phối hợp với tỉnh Bình Dương đầu tư đường kết nối từ ngã ba Đất Sét (Tây Ninh) đến đường 744 (Bình Dương) với quy mô đầu tư 6 làn xe, được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn.

Giai đoạn một, phần đường được đầu tư quy mô 4 làn xe. Phần cầu được đầu tư quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe. Trong giai đoạn hai, sẽ mở rộng thêm 2 làn xe còn lại ở phần đường, khi đó đường rộng 24,5m. Phần đường phía Tây Ninh đoạn từ ngã ba Đất Sét đến Km6+752 đang được thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2020. Dự kiến dự án kết nối hoàn thành trong năm 2022. Tây Ninh và Bình Dương cũng thống nhất bổ sung vào quy hoạch tổng thể giao thông vận tải (GTVT) của 2 tỉnh thêm 3 cây cầu vượt sông Sài Gòn.

Tây Ninh và Long An cũng thống nhất bổ sung vào quy hoạch tổng thể GTVT của 2 tỉnh về việc đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông tại bến khách ngang sông Phước Chỉ - Lộc Giang và mở mới tuyến giao thông kết nối trung tâm xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng với trung tâm xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Tỉnh cũng đề nghị Long An đầu tư tuyến đường 838C đồng cấp với đường tỉnh 786 của Tây Ninh và đường 821 đồng cấp với đường tỉnh 787A của Tây Ninh. Long An cho biết sẽ triển khai thực hiện hai dự án trên trong năm 2019.

 Về các dự án giao thông quan trọng do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Tây Ninh chủ động phối hợp với các bộ ngành Trung ương thực hiện các nội dung có liên quan dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Cụ thể, tỉnh đã chủ động phối hợp với Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đã tham mưu UBND tỉnh góp ý. Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hiện nay, dự án đang được bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, dự án thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án cao tốc Chơn Thành - Đức Hoà hiện đã được thi công xong phần nút giao thông cầu vượt quốc lộ 22. Đối với phần đường và các cầu còn lại trên tuyến, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hình thức đối tác công tư (PPP) với quy mô đường cao tốc 4 làn xe hạn chế. Hiện đơn vị tư vấn đã lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đã lấy ý kiến các tỉnh có liên quan, trong đó có Tây Ninh.

Đối với dự án đường tuần tra biên giới, Tây Ninh đã bàn giao mặt bằng thi công cho các nhà thầu được hơn 100km. Các địa phương có liên quan đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt phương án bồi thường để tiến hành chi trả cho các tổ chức, cá nhân.

Đối với dự án sửa chữa, cải tạo quốc lộ 22B, đến đầu năm 2019, đã thi công xong. Theo kế hoạch, năm 2019, quốc lộ 22B tiếp tục được bố trí vốn để sửa chữa tuyến đường này với kinh phí khoảng 82 tỷ đồng.

Về việc bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, cuối năm 2018, Bộ GTVT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến: “Đồng ý cập nhật tiến độ, quy mô đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc trên trục Bắc - Nam phía Đông theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22.11.2017 của Quốc hội.

Đối với các dự án khác, Bộ GTVT nghiên cứu, cập nhật vào quy hoạch ngành quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”. Như vậy, việc bổ sung tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát phải chờ Bộ GTVT tổ chức lập và cập nhật vào quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này, căn cứ vào điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và Thông báo số 353/TB-VPCP ngày 13.9.2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Nhóm công tác phát triển kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông đề xuất tham mưu UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đầu tư dự án; cho phép UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức nghiên cứu tiền khả thi dự án. Khi Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, UBND tỉnh Tây Ninh sẽ phối hợp với Bộ cập nhật, bổ sung dự án vào quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trong năm 2018, Nhóm công tác phát triển kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông còn tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về hạ tầng của địa phương và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành - Đức Hoà; đề nghị sớm đầu tư các dự án nâng cấp quốc lộ 22 đoạn từ Suối Sâu đến Mộc Bài, quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài; giao UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; hỗ trợ vốn dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ; đầu tư dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới đoạn từ cầu Sài Gòn 2 (giáp tỉnh Bình Phước) đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Đến cuối năm 2018, Nhóm đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức thực hiện các dự án này và đang lấy ý kiến các ngành để hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Công trình đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông đang được triển khai.

Năm 2019, Tây Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cao tốc Chơn Thành - Đức Hoà; dự án nâng cấp quốc lộ 22 đoạn từ Suối Sâu đến Mộc Bài; dự án nâng cấp quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài; hỗ trợ vốn dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông và hỗ trợ vốn đầu tư dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới đoạn từ cầu Sài Gòn 2 (giáp tỉnh Bình Phước) đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Đối với các dự án do địa phương đầu tư, trong năm 2019, tỉnh sẽ thi công hoàn thành 6/9 dự án chuyển tiếp của năm 2018, gồm đường 30.4, đường Lý Thường Kiệt, đường 790 nối dài, đường Phước Vinh - Sóc Thiết, đường Trưng Nữ Vương, đường huyện 12 xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Còn lại 3 dự án hoàn thành trong năm 2020, gồm đường 782 - 784, đường Đất Sét - Bến Củi, đường 781 từ ngã ba Bờ Hồ đến ranh tỉnh Bình Dương. Đồng thời, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiểm soát tổng thể chống ngập úng khu vực thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan sẽ tổ chức thực hiện ngay để án này. Theo Nhóm công tác phát triển kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông, trong năm 2019, Nhóm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục thực hiện các dự án kết nối giao thông với các tỉnh lân cận.

ĐÌNH CHUNG

Để có tiền đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong năm 2018, Nhóm công tác phát triển kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông đã đề xuất và tổ chức xây dựng 4 giải pháp huy động vốn, gồm: Đề án huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Đề án này, Sở Tài chính đã xây dựng xong. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã có ý kiến cho biết việc tạm ứng ngân quỹ Nhà nước được thực hiện và hoàn trả trong năm ngân sách (hoàn trả chậm nhất ngày 31.12 của năm), vì vậy, đề án chưa thể thực hiện được.

Kế đến là phương án bán đấu giá nhà và đất công, Sở Tài chính đang xây dựng và trình UBND tỉnh tổ chức đấu giá trong năm 2019. Thứ ba là phương án đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện trong năm 2019. Thứ tư là phương án đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản cát xây dựng. Qua rà soát, thống kê, ngành chức năng cho biết các mỏ cát được quy hoạch thuộc đất dân, chưa được thu hồi. Vì vậy cần phải bồi thường, tạo đất sạch mới tổ chức đấu giá.