Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 20/03/2020 - 22:26

BTN - Sau khi thực hiện cơ cấu lại đã có chuyển biến rõ nét về phát triển sản phẩm, giá trị gia tăng cao, từng bước liên kết chuỗi giá trị, sản xuất nâng cao chất lượng theo hướng GAP, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu như truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng...

Thu hoạch lúa.

Giai đoạn 2013-2019, cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích lúa giảm trung bình 0,9%/năm, còn khoảng 146.000 ha (giảm 9.909 ha diện tích gieo trồng lúa 1-2 vụ kém hiệu quả); cây mía giảm trung bình 11,5%/năm, còn khoảng 7.700 ha; cao su giảm trung bình 0,2%/năm. Tuy diện tích các cây giảm nhưng năng suất và sản lượng nhìn chung cao hơn so với năm 2013.

Diện tích cây khoai mì từ 45.658 ha (năm 2013) tăng lên 57.000 ha (ước đến cuối năm 2019), tốc độ bình quân 3,5%/năm; cây ăn trái từ 14.691 ha (năm 2013) lên 21.730 ha (ước đến cuối năm 2019) tốc độ tăng bình quân 6,8%/năm. Điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là chuyển đổi giảm mạnh 10.000 ha lúa, cao su, mía... sang trồng các loại cây ăn trái, khoai mì.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất. Hiện có 50% diện tích mía (3.000 ha) ứng dụng công nghệ cơ giới hoá từ khâu trồng đến thu hoạch, 60% diện tích mì (30.000 ha) được áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm; ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng ở 39 trang trại trồng dưa lưới với tổng diện tích trên 21,3 ha… Các trang trại hầu hết sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, một số trang trại áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và áp dụng công nghệ sinh học trong quá trình thụ phấn cho cây trồng.

Phát triển nông nghiệp sạch ngày càng được chú trọng. Tỉnh đã hỗ trợ sản xuất rau chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 410 ha; trên 1.370 ha diện tích cây ăn trái được chứng nhận VietGAP; vùng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP 1.986,24 ha với 42 tổ liên kết. Sản lượng nông sản, thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, organic và ứng dụng công nghệ cao đã dần nâng cao nhận thức cho người sản xuất, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh muốn nâng cao được giá trị, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP…

Vì vậy, phát triển mô hình sản xuất này cần tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, chính quyền và ngành chức năng cần khuyến khích người sản xuất thành lập hợp tác xã, tổ liên kết tạo tiền đề để tổ chức lại sản xuất và có tư cách pháp lý để ký kết các hợp đồng tiêu thụ, ổn định sản xuất; tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân kết nối thị trường như nắm bắt thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm cây ăn trái của tỉnh.

Nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch sản phẩm cho cây ăn trái, tỉnh đã triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho nông dân trồng cây ăn trái và đăng ký thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây tươi trên địa bàn tỉnh để cấp mã số xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Năm 2019, có 42 hộ thực hiện phần mềm KIPUS với diện tích 608 ha; được Bộ NN&PTNT cấp 46 mã vùng trồng với tổng diện tích 1.975 ha, gồm nhãn, chuối già Nam Mỹ, chôm chôm, mít, thanh long.

Nhìn chung, sau khi thực hiện cơ cấu lại đã có chuyển biến rõ nét về phát triển sản phẩm, giá trị gia tăng cao, từng bước liên kết chuỗi giá trị, sản xuất nâng cao chất lượng theo hướng GAP, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu như truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... Giá trị sản xuất trồng trọt thực hiện 20.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2013 (giá trị tăng thêm 1.197 tỷ đồng). Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2019 đạt 95,5 triệu đồng.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai thực hiện việc phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất như: điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi và triển khai đầu tư công theo hướng mở rộng vùng tưới; điều chỉnh, mở rộng mạng lưới tưới tiêu phục vụ chuyển đổi cây trồng và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển mạng lưới tưới tiêu của hệ thống hiện có để nâng cao năng lực phục vụ; thông qua đầu tư hạ tầng nông thôn mới phát triển khá hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng.

Ngành cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển lĩnh vực, sản phẩm trọng tâm như: chuỗi giá trị ngành hàng, đề án phát triển rau, sản xuất giống lúa và phát triển vùng lúa chất lượng cao, phát triển bò hướng thịt, nâng chất lượng, hiệu quả chăn nuôi heo… Một số nhiệm vụ trọng tâm của các đề án này đang từng bước được phát triển nhân rộng trong sản xuất.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đã và đang từng bước thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tính từ năm 2015 đến năm 2019, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên các lĩnh vực: nước sạch; hỗ trợ thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Trong đó chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước hộ gia đình; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng phát triển nông nghiệp những năm gần đây đang bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh vẫn còn chậm, chưa theo kịp xu hướng thị trường trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển khó khăn, quy mô nhỏ nên liên kết để tạo ra sức mạnh trong sản xuất - tiêu thụ vẫn còn những thách thức.

Một số cơ chế, chính sách được xây dựng, ban hành chậm nên chưa tạo được đột phá cho quá trình cơ cấu lại sản xuất. Bên cạnh đó, mặc dù các chính sách có nhiều nội dung hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất (cây ăn trái, rau củ quả, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ....) nhưng người sản xuất chưa có kinh nghiệm, nhu cầu vốn đầu tư cao hơn so với sản xuất truyền thống; thị trường cho các sản phẩm này còn khó khăn; nông dân chưa quen với việc thay đổi phương thức sản xuất (quy mô sản xuất lớn, liên kết sản xuất, phân kỳ đầu tư...) là những nguyên nhân khiến người sản xuất thận trọng, chưa mạnh dạn thay đổi.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung cơ cấu lại sản phẩm theo hướng duy trì nâng cao hiệu quả sản phẩm truyền thống những nơi có lợi thế đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; tập trung thúc đẩy chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn trái, chăn nuôi ở những vùng đất phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng, hạ tầng nội đồng.

Tỉnh cũng sẽ có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho các công ty nông nghiệp chuyển đổi sản xuất và thu hút nguồn lực đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung hướng tới xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Trồng lan ngọc điểm ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu.

Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các chính sách đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế, trở thành đòn bẩy thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nông nghiệp; tạo cơ chế thông thoáng để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đồng thời, khắc phục những hạn chế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản, truyền thông quảng bá thương hiệu, giới thiệu và đưa nông sản của tỉnh vào các hệ thống siêu thị lớn; kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào các dự án đầu tư nông nghiệp của tỉnh.

Trúc Ly