PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10.10.1945 - 10.10.2018):
Tiếp tục thực hiện vai trò, trách nhiệm xã hội, góp phần bảo vệ công lý
Thứ năm: 15:10 ngày 11/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2006, Luật Luật sư được ban hành, đã tạo điều kiện để nghề luật sư phát triển. Ngày 14.1.2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10.10 hằng năm làm ngày truyền thống luật sư. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Luật sư, Báo Tây Ninh xin giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Văn Re, Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư Tây Ninh.

Nghề luật sư ra đời ở phương Tây từ thời thượng cổ La Mã, sang Pháp dưới thời trung cổ, rồi du nhập đến Việt Nam theo bước chân ban đầu của thực dân Pháp đến Ðông Dương vào nửa sau thế kỷ XIX. Nhưng cho đến năm 1931, nghề luật sư ở Ðông Dương chỉ công dân Pháp mới được làm.

Trong hoàn cảnh ấy, người Việt Nam đầu tiên làm luật sư (vào năm 1912) là ông Phan Văn Trường (1876-1933). Ông Phan Văn Trường là nhà yêu nước lớn, cả đời đấu tranh dũng cảm, liên tục, bền bỉ vì công cuộc lập hiến, lập pháp, dân chủ, dân quyền, công bằng, tự do… cho quốc gia, dân tộc mình.

Tiếp đến là luật sư Nguyễn Hữu Thọ hành nghề vào những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, với tấm lòng yêu nước sôi sục và nhiệt tình phục vụ nhân dân. Thân chủ mà luật sư bảo vệ là những người kháng chiến hoặc tham gia kháng chiến. Tiếp đến là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh-một nhà yêu nước vĩ đại. Lúc bấy giờ, tuy có lúc phải hành nghề luật sư ở ngoài Ðoàn Luật sư, nhưng trạng sư cố vấn Nguyễn An Ninh mãi mãi chiếm lĩnh một vị trí sáng chói trong lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam và lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam. Tiếp sau đó là luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên, luật sư Phan Anh, luật sư Trịnh Ðình Thảo.

Sau khi giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10.10.1945 về tổ chức Ðoàn thể Luật sư. Tuy nhiên, sau đó vì chiến tranh tiếp diễn và có những khó khăn nhất định nên nghề luật sư không được phát triển.

Ðến năm 1987, nghề luật sư được thành lập theo Pháp lệnh Luật sư ngày 30.12.1987. Các tỉnh, thành phố bắt đầu tổ chức các Ðoàn Luật sư và hành nghề. Ngày 11.8.1993, Ðoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh được thành lập theo Quyết định số 93/QÐ/UB của UBND tỉnh Tây Ninh gồm 6 luật sư và 1 tập sự. Tuy nhiên, do mới được thành lập và Pháp lệnh Luật sư chưa hoàn chỉnh nên nghề luật sư chưa phát triển rộng.

Bước đầu, Ðoàn Luật sư Tây Ninh còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và kinh nghiệm hành nghề. Hầu hết hoạt động của Ðoàn Luật sư phải nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, MTTQVN tỉnh. Trụ sở của Ðoàn Luật sư tạm thời trong cơ quan Sở Tư pháp. Ðể từng bước phát triển hoạt động, Ðoàn Luật sư tổ chức cho các luật sư tham quan, học tập Ðoàn Luật sư các tỉnh và trao đổi kinh nghiệm bào chữa với luật sư ở TP.Hồ Chí Minh.

Giai đoạn này, hoạt động của các luật sư mang tính phục vụ, hỗ trợ, giúp đỡ về pháp lý cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân là chính. Ðoàn chỉ thu lệ phí 50.000 đồng/vụ, trích lại cho các luật sư 35.000 đồng/vụ để phục vụ chi phí đi lại. Các luật sư phần lớn là nhận bào chữa những vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, tức án chỉ định. Hầu hết luật sư thực hiện đúng vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mặc dù buổi đầu còn khó khăn, nhưng các luật sư hoạt động rất hăng hái, tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Xem Ðoàn Luật sư Tây Ninh là mái nhà chung, và từng bước đưa Ðoàn Luật sư phát triển đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 25.7.2001, Pháp lệnh Luật sư ban hành. Ðây là bước chuyển đổi mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của Ðoàn Luật sư. Các luật sư được đăng ký hoạt động, được Sở Tư pháp cấp giấy phép hoạt động văn phòng luật sư hoặc công ty luật, được xác định là một tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động độc lập. Luật sư hành nghề được thoả thuận về thù lao và chi phí thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý. Kể từ khi Pháp lệnh Luật sư được ban hành, các luật sư hoạt động chuyên nghiệp hơn, vai trò, vị trí và trách nhiệm cũng được nâng cao hơn, đồng thời đã tạo điều kiện để nghề luật sư phát triển. Số lượng luật sư tăng nhanh và chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý tốt hơn.

Ngày 29.6.2006, Luật Luật sư được ban hành, tạo điều kiện để nghề luật sư phát triển. Số lượng luật sư gia tăng đáng kể, đồng thời chất lượng cũng không ngừng được nâng cao. Ðoàn Luật sư Tây Ninh ban đầu chỉ 6 luật sư đến nay có 63 luật sư.

Hiện nay, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, trụ sở Ðoàn Luật sư được xây dựng mới, phòng làm việc khang trang, trang thiết bị đầy đủ. Ðây là điều kiện tốt để Ðoàn Luật sư Tây Ninh hoạt động ổn định và phát triển.

Năm 2008, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, là tổ chức đại diện cho giới luật sư cả nước. Theo đề án phát triển đội ngũ luật sư của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020, cả nước phấn đấu đạt 18.000 luật sư. Ðề án phát triển đội ngũ luật sư của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, Tây Ninh có 80 luật sư.

Ngày 14.1.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QÐ-TTg công nhận ngày 10.10 là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Ðây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội rộng lớn, ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam; ghi nhận sự trưởng thành và lớn mạnh của đội ngũ luật sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư ở nước ta.

Với ý nghĩa đó, các luật sư nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn trong nghề nghiệp, tiếp tục cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng hơn cho cộng đồng xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, tạo niềm tin với Ðảng, Nhà nước, góp phần xây dựng, củng cố địa vị pháp lý của luật sư và nghề luật sư trong xã hội.

Phát huy truyền thống, Ðoàn Luật sư và đội ngũ luật sư Tây Ninh tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn, phấn đấu đạt số lượng luật sư mà UBND tỉnh đã đề ra, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, phục vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng hơn cho cơ quan, tổ chức và nhân dân, góp phần bảo vệ công lý, đồng thời tham gia đóng góp, xây dựng, phát triển nhiều hơn nữa cho xã hội và đất nước.

LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN RE

(Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư Tây Ninh)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục