Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Tiếp tục trồng mới và chăm sóc rừng theo kế hoạch
Thứ bảy: 09:00 ngày 09/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong giai đoạn 2023-2025, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng thực hiện trồng mới 1.000 ha rừng, chăm sóc rừng trồng với tổng số lượt là 2.177 ha, trên địa bàn 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu.

Theo Quyết định số 437 ngày 12.3.2023 của Chủ tịch UBND tỉnh và Quyết định số 55 ngày 27.4.2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt dự án bảo vệ và phát triển rừng tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng giai đoạn 2023-2025. Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) được giao làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án này.

Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, BQL thực hiện trồng mới 1.000 ha rừng, chăm sóc rừng trồng với tổng số lượt là 2.177 ha, trên địa bàn 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu. Dự án này được đầu tư với tổng mức kinh phí khoảng 33,9 tỷ đồng.

Đội Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Tân Thành - Suối Dây đang trồng rừng trên địa bàn xã Tân Thành.

Trong đó, BQL chủ yếu tổ chức thực hiện trồng rừng theo Quyết định số 1573 ngày 10.7.2017 của UBND tỉnh (về kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng), diện tích còn lại được trồng chủ yếu trên đất đã khai thác cây cao su, cây ăn trái trồng trong Chương trình 327, Dự án 661 trước đây. Bao gồm các mô hình trồng rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt như DCs, D1K1, D2K2…

Trong số các địa phương có nhiều diện tích đất để thực hiện dự án trồng rừng là địa bàn xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Ngày 6.11.2024, BQL tiếp tục triển khai trồng rừng tại địa bàn xã này.

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, thời tiết hiện tại đang là mùa mưa, rất thuận lợi cho công tác trồng rừng. Năm 2024, BQL xây dựng kế hoạch trồng rừng với diện tích 187,1 ha (trong đó có 87,1 ha là rừng trồng phòng hộ, 100 ha rừng trồng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác), đồng thời chăm sóc rừng trồng 911,3 ha.

Tính đến nay, diện tích đã trồng rừng phòng hộ theo kế hoạch này đạt 84,8%, rừng trồng thay thế đạt 93,3%. Đối với công tác chăm sóc rừng trồng, đơn vị đã thực hiện trên diện tích 709,3 ha, đạt tỷ lệ 77,8% theo kế hoạch.

Theo BQL, hiện vẫn còn một số diện tích chưa triển khai trồng rừng do việc xử lý mặt bằng của người dân chưa bảo đảm. Việc này, BQL sẽ khẩn trương rà soát, đôn đốc thực hiện trong thời gian sớm nhất, để kịp thời nghiệm thu kết quả trồng rừng và thanh quyết toán vào cuối năm 2024, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng được cấp trên giao.

Ngoài ra, theo phương án quản lý rừng bền vững thì đến năm 2030 BQL sẽ thực hiện trồng thêm 1.000 ha rừng. Đây là một diện tích khá lớn, năm 2026-2028, BQL sẽ xây dựng dự án mới để có diện tích trồng rừng, chủ yếu là thực hiện theo Quyết định số 1573 ngày 10.7.2017 của UBND tỉnh và đất đã khai thác cây cao su, cây ăn trái trồng trong Chương trình 327, Dự án 661 trước đây.

Ông Phạm Chí Trung nhấn mạnh, để làm tốt công tác trồng và chăm sóc rừng, BQL đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp từ nhiều phía. Đó là sự tích cực vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương… trong công tác phối hợp vận động, tuyên truyền, kiên quyết xử lý các trường hợp theo Quyết định 1573 nêu trên.

Đồng thời cũng phải thừa nhận rằng, ý thức tự nguyện chấp hành chủ trương trồng rừng từ phía người dân ngày càng được nâng cao. Người dân ngày càng hiểu rõ về lợi ích của việc trồng rừng hướng đến phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và đa mục tiêu, nên đã phối hợp rất tốt với BQL là chủ đầu tư. Nhờ vậy, công tác trồng và chăm sóc rừng diễn ra khá thuận lợi.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục