Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm khi thực hiện liên thông xét nghiệm
Thứ bảy: 05:40 ngày 24/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Y tế đặt ra lộ trình, chậm nhất đến ngày 1-1-2018, kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I sẽ được liên thông. Đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Việc liên thông xét nghiệm sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (KCB) Lương Ngọc Khuê cho biết, liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở KCB này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở KCB khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh.

Thực hiện được điều này có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở KCB khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng mỗi năm có tổng số 475 triệu xét nghiệm, trong đó, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

“Hiện chi phí dành cho xét nghiệm chiếm tới 16 - 20% tổng chi phí cho y tế. Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm/năm, số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng” – Cục trưởng cho biết.

Hiện nay, Việt Nam đã thành lập ba trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm để giúp các phòng xét nghiệm thực hiện việc nội kiểm và ngoại kiểm. Ba trung tâm đã triển khai khoảng gần 4.000 lượt chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm. Có hơn 50 phòng xét nghiệm đã đạt chứng chỉ ISO 15189, trong đó khoảng 50% thông qua sự hỗ trợ của Bộ Y tế và CDC Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của Đại học Y Hà Nội, số lượng đơn vị tham gia ngoại kiểm tăng từ 74 năm 2012 lên 1025 vào năm 2017. Số lĩnh vực xét nghiệm được ngoại kiểm tăng từ 3 vào năm 2012 lên tới 12 vào năm 2017. Nhiều lĩnh vực, xét nghiệm được tăng cường kiểm soát chất lượng hơn. Đến nay, đã sản xuất được các mẫu ngoại kiểm về vi sinh, nhóm máu, HBV, HCV, HBV-DNA.

Chất lượng xét nghiệm chưa đồng đều

Theo đánh giá của Cục Quản lý KCB, hiện chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến Trung ương thường tốt hơn ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Chất lượng xét nghiệm của các bệnh viện tuyến dưới còn hạn chế. Trong thời gian tới, các bệnh viện tư nhân cũng phải tham gia liên thông và cũng phải được đánh giá chất lượng để thực hiện liên thông.

Trước câu hỏi, nếu xảy ra rủi ro khi cơ sở y tế này tin tưởng vào kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế khác, hoặc do trình độ đọc xét nghiệm của bác sĩ, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định.

Theo đó, bệnh viện A chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện B mà phòng xét nghiệm của bệnh viện khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Bệnh viện xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách về dịch vụ xét nghiệm mình thực hiện Như vậy, độ chính xác và độ tin cậy cũng sẽ tương đương hoặc cao hơn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn là của bác sĩ nếu thấy cần thiết.

Theo Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Phạm Tuấn Dương, có nhiều tồn tại và nguy cơ về chất lượng xét nghiệm huyết học truyền máu đã xảy ra trong thực tế như truyền nhầm nhóm máu, nhân bản xét nghiệm…

Do đó, ông đưa ra những đề xuất với Bộ Y tế cần xây dựng và ban hành chính thức hướng dẫn đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm. Đồng thời, phải thực hiện giám sát chất lượng hệ thống thiết bị xét nghiệm, chất lượng sinh phẩm; đánh giá, kiểm soát năng lực nhân viên…

“Cải thiện chất lượng xét nghiệm phải đi đôi với cải thiện chất lượng thầy thuốc lâm sàng cũng như cải thiện cơ chế làm việc của thầy thuốc” – ông Phạm Tuấn Dương bày tỏ quan điểm. Đây là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng thầy thuốc lâm sàng có thể không đánh giá được chất lượng xét nghiệm nếu thiếu kiến thức hoặc lạm dụng xét nghiệm.

Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm được xây dựng chia nhóm thành 12 thành tố liên quan đến chất lượng với 169 tiêu chí cụ thể được tính ra 268 điểm. Căn cứ vào số điểm đạt được kèm với một số tiêu chí bắt buộc sẽ xếp mức chất lượng phòng xét nghiệm (có 5 mức chất lượng).

Các phòng xét nghiệm sẽ được đánh giá từng tiêu chí và được xếp theo 5 mức này. Mức chất lượng phòng xét nghiệm càng cao thì độ chính xác, độ tin cậy càng lớn.

Để thực hiện được liên thông kết quả xét nghiệm, cần có 2 điều kiện

- Chất lượng xét nghiệm phải được bảo đảm thông qua quy trình quản lý chặt chẽ, bảo đảm độ chính xác và độ tin cậy của xét nghiệm;

- Phải xác định được danh mục những xét nghiệm có thể sử dụng lại kết quả trong khoảng thời gian nhất định;

Để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, trên quy mô quốc gia cần phải trải qua quá trình như sau:

- Xây dựng được Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học;

- Tổ chức đánh giá và công bố mức chất lượng phòng xét nghiệm.

- Xây dựng Danh mục xét nghiệm có thể liên thông.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục