Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiểu hành tinh 180 m gần Trái Đất 'giấu mình' suốt một năm
Thứ năm: 15:28 ngày 03/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thuật toán mới giúp các nhà nghiên cứu xác định một tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm từng bay gần Trái Đất mà không bị phát hiện.

Quỹ đạo của tiểu hành tinh 2022 SF289 (màu xanh lá cây) trong lần bay gần Trái Đất nhất (quỹ đạo màu xanh dương). Ảnh: Joachim Moeyens

Các nhà thiên văn học phát hiện một tiểu hành tinh to cỡ tòa nhà chọc trời nấp gần Trái Đất nhờ thuật toán mới được thiết kế để săn tìm những thiên thạch nguy hiểm lớn nhất, Live Science hôm 2/8 đưa tin. Tiểu hành tinh 180 m tên 2022 SF289 đủ lớn và quay đủ gần Trái Đất để xếp vào nhóm tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm (PHA). Danh mục này bao gồm khoảng 2.300 vật thể tương tự có thể gây thiệt hại trên diện rộng cho Trái Đất nếu va chạm trực tiếp.

Tiểu hành tinh mới phát hiện bay qua gần Trái Đất vào tháng 9/2022, cách hành tinh 7,2 triệu km, theo NASA. Tuy nhiên, giới thiên văn học trên khắp thế giới không tìm ra nó trong dữ liệu kính viễn vọng ở bất kỳ thời gian nào trước, trong và sau lần tiếp cận đó, do thiên thạch lớn bị che khuất bởi ánh sáng sao của dải Ngân Hà.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu biết tới sự tồn tại của 2022 SF289 trong lúc kiểm tra thuật toán mới chuyên phát hiện tiểu hành tinh lớn từ những mẩu dữ liệu nhỏ. Phát hiện một PHA quá khó tìm kiếm bằng phương pháp truyền thống giúp xác nhận tiềm năng to lớn của thuật toán.

Thuật toán mang tên HelioLinc3D sẽ sớm được sử dụng để kiểm tra dữ liệu thu thập bởi Đài quan sát Vera C. Rubin, một kính thiên văn tiên tiến ở vùng núi Chile, dự kiến bắt đầu hoạt động săn tiểu hành tinh vào đầu năm 2025, theo Mario Jurić, giám đốc Viện nghiên cứu dữ liệu tăng cường về vật lý thiên văn và vũ trụ học ở Đại học Washington, trưởng nhóm phát triển thuật toán.

Để tìm tiểu hành tinh đầu tiên, các nhà khoa học thử nghiệm thuật toán với dữ liệu thu thập từ Hệ thống cảnh báo cuối cùng va chạm với mặt đất của tiểu hành tinh (ATLAS) ở Hawaii. ATLAS chụp ít nhất 4 ảnh của cùng một điểm trên bầu trời mỗi đêm. Quá trình tìm kiếm hé lộ vật thể ATLAS đã bỏ sót là tiểu hành tinh lớn có thể nhìn thấy qua 3 ảnh chụp bầu trời riêng biệt hôm 19/9/2022 và ba đêm sau đó.

ATLAS đòi hỏi một vật thể xuất hiện trong 4 ảnh chụp riêng biệt trong một đêm trước khi coi vật thể đó là tiểu hành tinh. Do 2022 SF289 không đáp ứng tiêu chí, giới nghiên cứu không bao giờ biết nó từng bay gần Trái Đất. Trong khi đó, thuật toán HelioLinc3D có thể lọc ra tiểu hành tinh từ lượng dữ liệu ít hơn nhiều.

Nhóm của Jurić tin tưởng 2022 SF289 chỉ là khởi đầu đối với Rubin và thuật toán. Có thể tồn tại hàng nghìn PHA ẩn mình quay quanh Trái Đất đang chờ phát hiện.

Nguồn VNExpress (Theo Live Science)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục