Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Công tác tiêu huỷ diện tích mì nhiễm bệnh đạt rất thấp (1%) và chỉ thực hiện trên diện tích mì non (dưới 2 tháng tuổi).
Nông dân tiêu huỷ mì nhiễm bệnh khảm lá
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá mì tiếp tục phát sinh gây hại diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh và biểu hiện triệu chứng ngay từ giai đoạn cây con. Nguyên nhân do phần lớn nguồn giống sử dụng đã bị nhiễm bệnh và nguồn bệnh trong năm 2017 còn trên đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có trên 13.900 ha mì vụ Ðông Xuân 2017 - 2018 bị nhiễm bệnh, chiếm 55,7% diện tích xuống giống. Trong đó, phân theo mức độ nhiễm bệnh: tỷ lệ nhiễm dưới 30% có khoảng 8.900 ha; từ 30-70% có trên 3.000 ha; trên 70% khoảng 1.900 ha.
Theo đánh giá của ngành chức năng, bệnh khảm lá cây mì tiếp tục phát sinh, gia tăng nhanh diện tích nhiễm ở vụ Ðông Xuân 2017-2018 và nguy cơ sẽ lây lan gây hại vụ Hè Thu 2018. Nguyên nhân là do các địa phương và người dân chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, công tác tiêu huỷ diện tích mì nhiễm bệnh đạt rất thấp (1%) và chỉ thực hiện trên diện tích mì non (dưới 2 tháng tuổi).
Kết quả đó cho thấy, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố còn thiếu quyết liệt trong công tác tiêu huỷ mì bệnh; chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn việc thu gom cây mì trong vùng dịch, cây mì nhiễm bệnh để sử dụng làm giống; chưa cập nhật tình hình thực tế kịp thời.
TRÚC LY