Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với tâm lý ham rẻ, không ít người dân mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản có được do thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật…
Các ngành chức năng cần xử lý mạnh tay đối với trường hợp tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có (ảnh minh hoạ)
Hiện nay, một số chủ tiệm cầm đồ vẫn còn “hời hợt” trong ký kết hợp đồng cầm cố tài sản giữa các bên, có khi chỉ là thoả thuận, thủ tục rất đơn giản. Điều này vô tình “tiếp tay” cho các đối tượng xấu có thêm động cơ thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, vì lợi nhuận, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ “sẵn sàng” mua lại những tài sản dù biết chúng có được từ những hành vi vi phạm pháp luật. Anh T.T, chủ một tiệm cầm đồ trên địa bàn huyện Dương Minh Châu chia sẻ, trong trường hợp cầm tài sản chính chủ thì thủ tục rất đơn giản.
Khách hàng cần cung cấp một số giấy tờ như chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, các giấy sở hữu liên quan; sau đó, phía tiệm cầm đồ sẽ kiểm tra tài sản và làm hợp đồng cầm cố. Còn thủ tục cầm tài sản không chính chủ đòi hỏi phức tạp hơn, như chứng minh nhân dân, văn bản uỷ quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
Còn anh Tâm, chủ tiệm cầm đồ trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết, cửa hàng anh chuyên cầm những tài sản có giá trị nhỏ như điện thoại, máy tính… Đối với tài sản có giá trị lớn (ô tô, xe máy…), anh đều kiểm tra giấy tờ rất kỹ, tránh trường hợp cầm đồ không rõ nguồn gốc.
Trước đây, Công an huyện Tân Châu từng bắt giữ đối tượng Trần Văn Đông (sinh năm 1986, ngụ xã Tân Hà, huyện Tân Châu) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội. Tại cơ quan điều tra, Đông khai nhận được 1 người tên Nôi (người Campuchia) thuê vận chuyển xe mô tô trộm cắp từ TP.HCM về Tây Ninh với tiền công 1 triệu đồng/chiếc. Đông đón xe đi từ huyện Tân Châu đến cầu vượt Linh Xuân, TP. Thủ Đức để nhận xe rồi chạy về khu vực ngã ba Bàu Đá thuộc ấp Tân Kiên, xã Tân Hà, huyện Tân Châu giao lại cho Nôi nhưng chưa đến điểm hẹn thì bị bắt giữ.
Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, hiện nay, trừ một số tài sản mua bán bắt buộc phải kèm theo giấy tờ tuỳ thân, còn lại các tài sản khác được mua bán dễ dàng. Vì vậy, mà “vô tình” tạo điều kiện cho việc tiêu thụ hàng gian.
Các hành vi sau đây được xem là hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có thể hiện ở các hành vi như mua, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, cho, tặng, nhận... tài sản mà biết rõ tài sản đó có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội. Tuỳ theo tính chất, mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài các trách nhiệm chung quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn có các trách nhiệm riêng được quy định cụ thể chi tiết tại Điều 29, Nghị định 96/2016/NĐ-CP như kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố (giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng), đồng thời photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh; lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.
Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản. Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản uỷ quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có… Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nào vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng theo điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ cho hành vi cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy uỷ quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố.
Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 20 triệu đến dưới 100 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.
Nếu phạm tội mà tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 - 10 năm. Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 - 15 năm khi tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để tránh rắc rối khi mua, bán tài sản, người mua nên biết người bán có quyền bán tài sản đó cho mình hay không (có phải chính chủ hay người được uỷ quyền hợp pháp không). Trường hợp tài sản có nguồn gốc bất minh thì không nên mua. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về cầm cố tài sản đối với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Thiên Di