Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bà Nguyễn Thị Thuý Nga, 48 tuổi, đại diện cho tiểu thương chợ Trảng Bàng gửi đơn đến Báo Tây Ninh và các cơ quan chức năng huyện kêu cứu về việc tiểu thương bị thu nhiều khoản tiền, gây khó khăn trong việc kinh doanh.
Chợ Trảng Bàng.
Theo bà Nga, tiểu thương hiện nay phải gánh nhiều khoản phí tăng gấp hơn 10 lần (1.000%). Chẳng hạn như trước đây, phí hoa chi mỗi hộ tiểu thương chỉ đóng 2.000 đồng/ngày, hiện nay, Ban quản lý chợ thu theo mét vuông, mỗi mét vuông 1.000 đồng/ngày, như vậy, bà Nga phải đóng tới 25.000 đồng/ngày.
Phí bảo vệ hàng hoá trước đây 100.000 đến 130.000 đồng/tháng/hộ, nay phải đóng lên 150.000 đến 160.000 đồng/tháng/hộ. Phí vệ sinh mỗi tháng là 8.000 đồng/tháng/hộ, hiện nay là 32.000 đồng/tháng/hộ (trong khi các hộ dân khu vực xung quanh chợ chỉ đóng phí vệ sinh 20.000 đồng/tháng/hộ).
Tiền điện thắp sáng, mỗi hộ tiểu thương trong chợ phải trả cho Ban quản lý 4.000 đồng/kWh cộng thêm tiền công đi thu là 5.000 đồng/tháng.
Để làm rõ đơn phản ánh của bà Nga, ngày 24.5, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng chỉ đạo cho Thanh tra huyện làm việc với Ban quản lý chợ Trảng Bàng nhằm khảo sát, nắm lại tình hình thu, các khoản thu tại chợ.
Theo yêu cầu của ông Phạm Văn Hực, Chánh Thanh tra huyện, Ban quản lý chợ Trảng Bàng đã giải thích, làm rõ các nội dung theo đơn của tiểu thương phản ánh. Cụ thể, theo Công văn số 87/UBND ngày 20.2.2017 của UBND huyện Trảng Bàng triển khai thực hiện Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND ngày 20.12.2016 của UBND tỉnh Tây Ninh, thị trấn Trảng Bàng là đô thị loại 4, chợ Trảng Bàng trên địa bàn Thị trấn nên được xem là chợ đô thị (chợ hạng 2).
Như vậy, theo Quyết định số 64, mức thu phí hoa chi 1.000 đồng/m2/ngày là đúng theo quy định. Phí bảo vệ thu theo biên bản họp ngày 25.4.2017 thống nhất mức thu, thu theo nội quy của chợ.
Về phí vệ sinh, Ban quản lý chợ Trảng Bàng giải thích trước đây có ông Rơ làm vệ sinh và thu phí, sau đó Công ty Thy Thanh Danh ký hợp đồng giao khoán cho Ban quản lý chợ làm vệ sinh và thu phí giá 32.000 đồng/hộ/tháng, thu từ thời ông Ngách còn làm Trưởng Ban quản lý, đơn giá theo quy định của Nhà nước.
Về việc các hộ dân chung quanh chợ được thu phí vệ sinh 20.000 đồng/hộ/tháng là do đơn vị làm vệ sinh môi trường thu, không phải Ban quản lý chợ thu. Về tiền điện, Ban quản lý chợ thu theo hoá đơn của Điện lực, giá điện được chia trung bình, do điện có nhiều mức giá. Sau khi ghi điện các hộ dân, nhân viên ban quản lý chợ tính toán và thu đúng theo hoá đơn của Điện lực.
Bà Ngô Thị Hẻo- cán bộ văn phòng Ban quản lý chợ cho biết, trước khi áp dụng giá thu mới, Ban quản lý chợ đã nhiều lần đến từng hộ tiểu thương thông báo nội dung, đồng thời lập biên bản khi làm việc và các hộ tiểu thương đồng ý ký tên. Trong số 557 hộ tiểu thương trong chợ, có 527 hộ chấp hành, còn lại 30 hộ không đồng ý.
Bà Hẻo cho biết thêm, theo nội dung ghi trong biên bản họp vào lúc 10 giờ 15 ngày 12.5.2017, bà Nga không đồng ý việc chợ Trảng Bàng là chợ hạng 2 theo Quyết định 64-UBND tỉnh vì chợ còn thiếu nhà vệ sinh công cộng.
Ông Nguyễn Văn Mon, Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Trảng Bàng cho biết, các khoản thu của Ban quản lý chợ Trảng Bàng hoàn toàn đúng vì thực hiện theo các Quyết định 64 và 65 của UBND tỉnh. Còn về vấn đề nhà vệ sinh công cộng, Ban quản lý chợ đã có tờ trình xin chủ trương xây dựng công trình nhà vệ sinh tại chợ Trảng Bàng.
Hiện, chợ Trảng Bàng cũng đã có nhà vệ sinh công cộng nhưng chỉ tạm bợ và rất xa chợ (từ đầu chợ đến nhà vệ sinh khoảng 300 mét), không phù hợp cho các hộ tiểu thương trong chợ, mỗi khi đi vệ sinh phải mất khá nhiều thời gian. Ông Mon cho biết, sẽ tham mưu lên cấp trên tiến hành xây dựng nhà vệ sinh trong thời gian sớm nhất để tạo thuận lợi cho tiểu thương.
Sông Ninh