Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tìm giải pháp đảm bảo chất lượng nước hồ Dầu Tiếng
Chủ nhật: 14:05 ngày 10/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mới đây, tại Công ty TNHH khai thác thủy lợi Dầu Tiếng–Phước Hòa đã diễn ra cuộc họp nhằm đánh giá chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, cũng như bàn các giải pháp bảo đảm chất lượng hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến  chủ trì cuộc họp, tham dự cuộc họp còn có đại diện các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Ban lãnh đạo Công ty thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa.

Theo Công ty thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, tình hình nguồn nước, mùa mưa năm 2019 kết thúc, hồ Dầu Tiếng tích nước đạt đến cao trình z = 23,74m (ngày 1.12.2019), ứng với dung tích hồ w = 1434,44 triệu m3 và ứng với dung tích hữu ích là 964,44 triệu m3, ít hơn so với thiết kế là 146,36 triệu m3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu kết luận cuộc họp.

Tính đến 7 giờ ngày 6.5.2020, mực nước hồ Dầu Tiếng ở cao trình 19,58 m, ứng với dung tích hữu ích là 278,02 triệu m3, thấp hơn năm 2019 là 2 cm, mực nước hồ đang xuống trung bình 4-6cm/ngày (không tính thời gian xả đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp xuống trung bình 10cm/ngày).

Do tác động của biến đổi khí hậu, mùa khô năm 2020, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, mức độ xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn xấp xỉ với năm 2016, có lúc vượt trên 250 mg/lít Cl-, nhu cầu sử dụng nước của các đơn vị tăng cao.

Để đảm bảo nguồn nước cấp cho các nhu cầu trên hệ thống, Công ty đã chủ động đo đạc, kiểm đếm nguồn nước và chuyển nước từ hồ Phước Hòa bổ sung cho hồ Dầu Tiếng với lưu lượng từ 10-40 m3/s, tổng lượng nước chuyển về 264,38 triệu m3.

Ngoài việc cấp nước thường xuyên, liên tục cho các đơn vị còn xả đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp hoạt động từ ngày 14.1.2020 đến ngày 6.5.2019 với 9 đợt xả, tổng lượng xả 101,45 m3/s.

Về tình hình khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, sau khi các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập tổ kiểm tra liên ngành, có sự tham gia của Công ty Dầu Tiếng để giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, đặc biệt là kiểm tra độ sâu khai thác, bể lắng, bến bãi và các thiết bị (camera, thiết bị hành trình) để truyền dữ liệu, lưu trữ thông tin phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác. Đồng thời các doanh nghiệp đã cam kết chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan trước UBND các tỉnh.

Ông Lê Anh Tâm- Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Tây Ninh phát biểu ý kiến.

Hiện nay trên lưu vực hồ rộng lớn gồm hàng trăm ngàn ha rừng và nhiều nhánh sông, suối chảy vào hồ, trong khu vực có rất nhiều hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy mì, mủ cao su, trang trại chăn nuôi đều xả nguồn nước thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào hồ, bên cạnh đó là tình hình xâm canh sản xuất nông nghiệp, chăn thả gia súc trên vùng đất bán ngập, khai thác cát, nuôi cá lồng bè, đánh bắt thủy sản trên hồ. Tất cả các hoạt động trên đều có nguy cơ ảnh hưởng môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Trong thời gian qua, Công ty Dầu Tiếng đã tăng cường công tác kiểm tra, thống kê danh sách, giám sát, lấy mẫu nước và khoanh vùng ô nhiễm tại các nguồn xả thải vào hồ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương đã có nhiều văn bản chỉ đạo sát sao việc chấp hành theo Pháp luật đối với hoạt động khai thác cát, xả thải vào trong hồ Dầu Tiếng, chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương phối hợp chặt chẽ với Công ty Dầu Tiếng-Phước Hoà tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp phép theo đúng quy định nhằm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước hồ Dầu Tiếng.

Mực nước hồ Dầu Tiếng ngày càng xuống thấp trong thời gian qua.

Kết quả phân tích chất lượng nước hồ Dầu Tiếng quý I cho thấy đa số các vị trí lấy mẫu đều đạt tiêu chuẩn cột B1-QCVN 08:2015-MT/BNTMT dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. Còn một số vị trí phía thượng nguồn và suối Xa Cách đổ vào kênh chính Tây nước bị đục, ô nhiễm, có màu xanh, bốc mùi hôi thối, cá chết như cầu Suối Ngô (2/9 chỉ tiêu), cầu Kà Tum (6/9 chỉ tiêu) và suối Xa Cách (6/9 chỉ tiêu).

Đồng thời, kết quả phân tích mẫu nước ngày 8.4.2020 tại các vị trí khai thác cát gần các cửa lấy nước cho thấy chỉ tiêu độ đục và TSS cao hơn so với các vị trí khác trong hồ và cao hơn so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt quy chuẩn nước mặt cột B1-QCVN 08:2015-MT/BNTMT dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự hội nghị đã bàn đến các giải pháp để bảo đảm chất lượng nước hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới khi mực nước được dự báo là sẽ xuống thấp hơn hiện nay, các giải pháp điều hòa cung cấp nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn về vấn để quản lý các nguồn thải vào hồ, giải pháp đối với hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng khi mực nước xuống thấp…

Hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh về công tác đánh giá chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng, các hoạt động liên quan đến hồ, các nguồn xả thải vào hồ và Công ty Dầu Tiếng–Phước Hòa cần phải kiến nghị những việc cần phải làm để bảo  vệ chất lượng nước hồ, dự báo kênh kịch bản việc cung cấp nước khi mực nước hồ xuống mức nước chết…

Đối với hoạt động khai thác cát, trên cơ sở chất lượng nguồn nước, Công ty Dầu Tiếng–Phước Hòa cần họp lại với các doanh nghiệp để có kế hoạch giảm sản lượng khai thác trong những ngày tới, đánh giá toàn diện hoạt động khai thác cát cần phải bổ sung điều kiện nào nhằm để bảo đảm chất lượng nước hồ Dầu Tiếng phục vụ cho việc tưới tiêu, cung cấp nước sản xuất công nghiệp, sinh hoạt trong thời gian tới.

Thế Nhân-Hồng Thắm

Tin cùng chuyên mục