Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một số nông dân khẳng định là do một số đầu công thu hoạch và nhà xe tăng bo lén lút làm, nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào bị phát hiện quả tang.
Vụ chế biến mía đường năm nay khởi đầu khá thuận lợi, do các nhà máy lập lịch thu hoạch phù hợp với thời gian sinh trưởng cây mía và công bố đến từng hộ nông dân. Đồng thời khâu vận chuyển bằng xe máy cày cũng suôn sẻ. Các nhà máy đường trong tỉnh, trong đó có 2 nhà máy tăng công suất, đều hoạt động khá ổn định. Thế nhưng sau hơn 1 tháng vào vụ, tình trạng cháy mía bắt đầu xảy ra ngày càng nhiều. Chuyện mía bị cháy ở Tây Ninh không có gì là lạ bởi vì năm nào cũng có xảy ra; nhưng tình trạng cháy mía năm nay có điểm không bình thường, không chỉ làm cho nông dân mà cả các nhà máy lo lắng. Ngày 20.12.2011, lãnh đạo Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) đã gặp gỡ nông dân tìm hiểu nguyên nhân và bàn giải pháp hạn chế tình trạng mía cháy, tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên.
* Ai đốt mía?
Những năm trước đây, mía cháy thường do bất cẩn trong mùa khô hoặc một số vụ cháy mía xảy ra do bị đốt vì tư thù cá nhân. Thế nhưng năm nay mía cháy do bất cẩn không nhiều mà hầu hết vụ cháy mía xảy ra đều do bị đốt, nhưng lại không phải là do tư thù.
Ông Trần Văn Tuấn- một nông dân trồng mía ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên bức xúc vì trên diện tích 6,8 ha mía của ông chuẩn bị thu hoạch thì có đến 5 ha bị cháy. Muốn xác định được mía cháy do đâu thì phải phân tích là “ai có lợi khi mía bị cháy”. Theo ông Tuấn, chỉ có chủ xe bò hoạt động tăng bo và công chặt là thu lợi lớn nhất khi mía cháy xảy ra. Về phía chủ xe bò tăng bo, hiện nay đã vào mùa khô, mặt ruộng đang cứng dần, hoạt động tăng bo mía từ ruộng ra đường đang ngày càng giảm. Tuy nhiên, trong giai đoạn ruộng chưa khô, nếu mía bị cháy sẽ phải được nhà máy cho thu hoạch sớm thì xe bò tăng bo có nhiều việc để làm. Không chỉ có thêm nhiều việc làm mà thu nhập từ “tăng bo” cũng được tăng lên do lợi dụng hoàn cảnh chủ mía phải khẩn trương đưa về nhà máy trong thời gian sớm nhất. Thực tế các chủ xe bò tăng bo đã cơi giá cao ngất ngưởng- bình thường chỉ khoảng 50.000 đồng/tấn, lúc mía cháy đã tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, mía cháy cũng tạo thuận lợi cho công chặt mía. Khi mía bị cháy sạch lá thì việc thu hoạch sẽ nhanh hơn rất nhiều- đồng nghĩa với thu nhập nhân công sẽ tăng lên. Hơn nữa, đầu công cũng lợi dụng nhu cầu thu hoạch mía cháy của chủ mía nên cũng cơi giá công thu hoạch lên cao. Theo như giá cả nhà máy công bố- công thu hoạch là 140.000 đồng/tấn, nhưng khi mía bị cháy chủ mía phải trả lên đến 200.000 đồng/tấn đầu công mới chấp nhận. Một nhân công chặt mía trong tình hình mía bình thường thì thu nhập cao lắm là 200.000 đồng/ngày, nhưng khi thu hoạch mía cháy có khi thu nhập đến 500.000 đồng/ngày.
Từ phân tích thực tế này, ông Tuấn cho rằng khả năng mía bị đốt là do một số nhà xe bò tăng bo và đầu công thu hoạch lén lút tổ chức. Phán đoán của ông Tuấn được nhiều nông dân khác đồng tình. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng có một số hộ nông dân do muốn thu hoạch mía sớm để lấy đất trồng loại cây khác kịp vụ đông xuân nên chủ động đốt và không kiểm soát được để cháy lây lan. Một số nông dân đồng tình ý kiến này, nhưng khẳng định là việc cháy mía do nông dân chủ động đốt không có nhiều. Bởi vì khi mía bị cháy, chính bản thân chủ mía bị thiệt hại không nhỏ. Nhà máy cho thu hoạch sớm, nhưng mỗi ngày chỉ chở được 1 xe, mía cháy tồn bãi sẽ giảm trọng lượng và chữ đường rất nhanh và không được bảo hiểm nên thu nhập của nông dân cũng giảm theo rất nhanh. Do đó, chỉ trừ những trường hợp cấp thiết chứ bình thường không chủ mía nào “dại dột” đốt mía của mình.
* Nông dân lãnh đủ
Nguyên nhân khiến cho mía bị cháy, theo một số nông dân khẳng định là do một số đầu công thu hoạch và nhà xe tăng bo lén lút làm, nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào bị phát hiện quả tang. Do đó, đến nay vẫn chưa có thủ phạm nào phải chịu trách nhiệm về các vụ cháy mía. Thế nhưng trước mắt là người nông dân có mía bị cháy lãnh đủ.
Theo ông Phạm Văn Cột, Ban Nông nghiệp xã Tân Bình, khi mía bị cháy nông dân không chỉ bị thiệt hại về việc giảm trọng lượng, giảm chữ đường mà mọi chi phí thu hoạch đều tăng rất cao. Cụ thể, đối với mía bình thường, tổng chi phí cho việc thu hoạch, tăng bo, bốc mía lên xe chỉ vào khoảng 240.000 đồng/tấn. Thế nhưng khi mía bị cháy, nông dân có khi phải trả đến 350.000 đồng/tấn thì đầu công mới đồng ý điều nhân công đến làm. Như vậy, riêng chi phí cho thu hoạch đã chiếm đến hơn 1/3 tổng số tiền người nông dân bán được mía- đó là ở điều kiện bình thường, chứ khi mía đã bị cháy tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa. Không chỉ có vậy, chủ mía còn phải chịu thêm chi phí “bù cước” cho nhà xe vận chuyển- cụ thể là mỗi tấn nhà máy trả tiền cước 81.000 đồng/tấn thì nông dân phải bù thêm 19.000 đồng/tấn để đủ 100.000 đồng/tấn. Đồng thời, chủ mía còn phải “boa” cho tài xế lái xe chở mía 100.000 đồng mỗi lượt vì có công “chờ chất mía lên xe”.
Thiệt thòi của nông dân có mía bị cháy không chỉ có vậy. Khi mía bị cháy, nhà máy lập tức cho thu hoạch ngay và vận chuyển mía về nhà máy. Thế nhưng, mỗi ngày lệnh chở mía cháy cho mỗi đám chỉ được có 1 xe- tương đương khoảng 15 tấn. Nếu đám mía cháy chừng vài ha trở lên thì chắc chắn sẽ tồn mía tại ruộng trong thời gian dài và khi vượt quá thời gian quy định tiếp nhận mía cháy thì mía coi như bỏ. Theo một số nông dân có mía bị cháy thì với mía năng suất 70 tấn/ha hiện nay có thể cho lãi hơn 20 triệu đồng/ha, nhưng khi bị cháy thì có khi bị lỗ đến 10 triệu đồng/ha. Để giảm bớt thiệt hại cho nông dân có mía bị cháy, có ý kiến đề nghị nhà máy tăng cường thêm lượt xe vận chuyển mía và áp dụng chính sách bảo hiểm chữ đường cho cả mía cháy.
* Nhà máy làm gì?
Nông dân bức xúc vì mía cháy |
Theo ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty SBT thì từ đầu vụ chế biến đến nay, nhà máy đã thu mua đưa vào chế biến khoảng gần 250.000 tấn mía. Thế nhưng trong đó có đến hơn 50.000 tấn là mía cháy. Từ đầu vụ đến nay, vùng nguyên liệu mía do SBT đầu tư đã xảy ra cháy đến hơn 500 ha. Mía cháy sẽ được ưu tiên cho thu hoạch, nhưng cũng chính vì vậy mà lịch thu hoạch chung bị ảnh hưởng- mía cháy càng nhiều lịch thu hoạch bị xáo trộn càng nhiều. Điều này cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho nhà máy.
Để hạn chế tình trạng mía cháy, theo như phân tích của nông dân, Tổng Giám đốc SBT hứa trước mắt công ty sẽ chỉ đạo các Trạm nông vụ tăng cường quản lý các đầu công đã hợp đồng với nhà máy, tập trung chấn chỉnh công việc thu hoạch và nếu như phát hiện được những sai phạm ngoài các điều khoản hợp đồng thì nhà máy sẽ cắt hợp đồng và điều công chặt từ nơi khác đến. Đối với yêu cầu tăng cường thêm lượt xe vận chuyển mía cháy, lãnh đạo SBT giải thích là sẽ ưu tiên cho thu hoạch mía cháy ngay, nhưng nếu điều xe chở hết về nhà máy thì các khu vực khác mía đến lúc thu hoạch và đã có lịch phải ngưng lại thời gian dài, sẽ gây bức xúc cho nhiều nông dân khác. Đồng thời, nếu mía cháy được ưu tiên đưa hết về nhà máy thì có thể tình trạng mía cháy sẽ phát sinh thêm. Vấn đề bảo hiểm chữ đường cho mía cháy cũng vậy. Nếu như mía cháy được bảo hiểm chữ đường thì tình trạng mía cháy chắc chắn sẽ gia tăng bởi vì làm như vậy thì khi có mía cháy, chủ mía không bị thiệt thòi gì mà còn được ưu tiên thu hoạch đưa về nhà máy.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng mía cháy, lãnh đạo SBT cũng đề nghị chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân trong việc bảo vệ vùng nguyên liệu mía, điều tra thủ phạm đốt mía và xử lý nghiêm minh. Song song đó, chính quyền địa phương khảo sát và cho thành lập những đội nhân công thu hoạch mía tại địa phương để thuận lợi trong việc quản lý và điều động khi cần thiết.
SƠN TRẦN