Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Hậu” Covid-19:
Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Thứ sáu: 00:21 ngày 08/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Sở KH&ĐT phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh liên lạc với 36 doanh nghiệp (35 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 1 doanh nghiệp trong nước) hoạt động trên địa bàn tỉnh để động viên, chia sẻ và cùng tìm hướng giải quyết, hỗ trợ.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phước Đông.

Trên cơ sở Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh đã ban hành Văn bản số 556/UBND-KTTC ngày 23.3.2020, trong đó giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung do ngành phụ trách; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp lao đao

Tây Ninh có 7 khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là KCN) nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam với tổng diện tích đất tự nhiên là 3.799,96 ha. Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động gồm: Trảng Bàng, Linh Trung III, Thành Thành Công, Phước Đông, Chà Là; 2 KCN trong khu kinh tế gồm KCN TMTC và KCN Đại An với tổng diện tích đất được duyệt là 3.799,96 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.380,33 ha (bao gồm 354 dự án đầu tư, trong đó có 258 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 96 doanh nghiệp trong nước). Hiện đã có 242 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 134.485 lao động, trong đó 131.339 người Việt Nam (lao động nữ 78.077, chiếm tỷ lệ 58,67% lao động Việt Nam toàn khu) và 3.146 lao động nước ngoài (trong đó đã nhập cảnh và ở tại công ty 2.507 người).

Đối với các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn (phải mua nguyên liệu với giá cao, thời gian nhập khẩu lâu hơn, số tàu vận chuyển cũng ít hơn) nên phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.

Nguồn nguyên liệu, phụ liệu chính để phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được sử dụng từ kho dự trữ, khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài - nhất là từ Trung Quốc còn khó khăn. Do đó, một số dự án có đơn hàng dự kiến giảm từ 15% đến 20%. 

Đặc biệt, có một số dự án đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ giảm 100%, dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp dự kiến giảm so với cùng kỳ hằng năm, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, khách hàng chủ yếu của nhiều doanh nghiệp tại các KCN là các nước châu Âu, nhưng hiện nay các nước này quyết định đóng cửa biện giới để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, nên làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do một số nước tạm dừng nhập cảnh, tạm dừng xuất khẩu hàng hoá, việc nhập khẩu máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, dẫn đến một số doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dừng hoạt động. 

Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Sở KH&ĐT phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh liên lạc với 36 doanh nghiệp (35 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 1 doanh nghiệp trong nước) hoạt động trên địa bàn tỉnh để động viên, chia sẻ và cùng tìm hướng giải quyết, hỗ trợ.

Để bảo đảm nhu cầu cung cấp hàng hoá cho người dân trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường cung cấp hàng hoá thiết yếu.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên liên hệ để nắm bắt và động viên kịp thời, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, một số đơn hàng dự kiến giảm nên có doanh nghiệp tạm dừng tuyển dụng mới lao động; sắp xếp phép năm cho người lao động nghỉ và trong thời gian nghỉ phép năm, người lao động được hưởng 50% mức lương cơ bản; hỗ trợ lương cho người lao động ngừng việc và trong thời gian ngừng làm việc, người lao động được hưởng 70% mức lương tối thiểu vùng. 

Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nếu chuyên gia nước ngoài không thể sang để tiếp tục làm việc tại các KCN (tổng cộng gồm 115 lao động, trong đó có 75 lao động Việt Nam, 19 lao động nước ngoài là nhà thầu phụ, 20 chuyên gia nước ngoài) thì một số doanh nghiệp sẽ cho 90% lao động Việt Nam trong thời gian thử việc hoặc lao động trong thời gian học việc nghỉ không hưởng lương.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phước Đông.

Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4.3.2020, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, qua phản ánh của một số doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Cụ thể, để được vay vốn ưu đãi, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Chỉ thực hiện việc vay vốn duy nhất tại một ngân hàng thương mại; không vi phạm pháp luật về thuế và các quy định khác có liên quan; chỉ được phép thuê một trong ba đơn vị kiểm toán do ngân hàng chỉ định.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưỏng bởi dịch Covid-19 nên việc ngân hàng đưa ra điều kiện doanh nghiệp phải được các công ty kiểm toán do ngân hàng chỉ định mới được vay vốn là rất khó khăn, không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Trung ương về việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm chậm thời gian doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi. 

Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào doanh thu 3 tháng đầu năm, số lượng công nhân của doanh nghiệp để xem xét cho vay, giảm lãi suất vay hoặc gia hạn nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì Covid-19. 

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét có chủ trương hỗ trợ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu; thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh; giãn thời gian thục hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê giá trị gia tăng, thuê nhập khẩu) của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV.2020.

Đình Chung

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục