Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nâng cao chất lượng lao động và kết nối thị trường lao động tại địa phương; chia sẻ kinh phí dạy nghề với các doanh nghiệp hoạt động và tuyển dụng lao động tại địa phương; tiếp tục hỗ trợ sàn giao dịch việc làm như quảng bá thông tin, mở rộng mạng lưới các cơ sở tại địa phương…
Lực lượng lao động trẻ làm việc tại Công ty CP nông nghiệp Thiên Ðường.
Hiện nay, nguồn lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm. Mặc dù giá thuê nhân công không thấp, từ 200.000-250.000 đồng/ngày/người, nhưng vào vụ sản xuất hoặc thu hoạch, phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không tìm được người làm, vì lao động ở nông thôn không còn mặn mà với nghề nông, phần lớn rời quê đi tìm việc thuộc các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ ở các tỉnh, thành phố khác.
Thực tế, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là người cao tuổi, sản xuất cá thể và dựa vào kinh nghiệm là chính; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa nhiều. Ðây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp của tỉnh nói chung và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Em Trần Thị Hiếu, ngụ xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành chia sẻ: “Bố mẹ em quanh năm quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mà thu nhập vẫn thấp, không đủ chi phí lo cho gia đình, nên em quyết định chọn thi vào ngành kế toán với hy vọng sau này có việc làm tốt, cải thiện kinh tế gia đình”.
Nguyên nhân người lao động không mặn mà với nghề nông vì sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cộng với thị trường tiêu thụ và giá bán bấp bênh, khó cạnh tranh được với các ngành nghề khác. Ðể khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đưa ra nhiều giải pháp về đào tạo lao động nhằm tái cơ cấu sử dụng nguồn nhân lực, thực hiện chính sách rút lao động khỏi khu vực nông thôn mà vẫn bảo đảm hiệu quả của lao động nông nghiệp.
Theo Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, phát triển nông nghiệp hàng hoá ở nông hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng phương thức canh tác hiện đại, có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ cao. Tây Ninh đang đứng trước thách thức lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực nhân lực cho ngành nông nghiệp hiện tại đang bị “già hoá”, khó đào tạo. Chính vì vậy, tỉnh xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh xác định cụ thể lượng lao động nông thôn sẽ chuyển sang các lĩnh vực phi nông nghiệp để có kế hoạch đào tạo, bảo đảm năng lực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm tại địa phương; thực hiện ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại chỗ, ký hợp đồng lao động dài hạn, có đào tạo, dạy nghề cho lao động sau khi tuyển dụng; ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ nông nghiệp như: doanh nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp, du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp... và doanh nghiệp chế biến nông sản, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm phụ của nông nghiệp, các ngành hàng có lợi thế tại địa phương.
Lao động nông thôn làm việc tại một hợp tác xã nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng lao động và kết nối thị trường lao động tại địa phương; chia sẻ kinh phí dạy nghề với các doanh nghiệp hoạt động và tuyển dụng lao động tại địa phương; tiếp tục hỗ trợ sàn giao dịch việc làm như quảng bá thông tin, mở rộng mạng lưới các cơ sở tại địa phương; rà soát nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động để làm căn cứ xây dựng kế hoạch dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp...
Ngoài ra, hình thành vùng sản xuất lớn, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho lao động, vừa thay đổi thói quen sản xuất và quản lý, tiến tới hình thành tầng lớp công nhân nông nghiệp.
Nhi Trần