Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tìm giải pháp phòng ngừa, xử lý "tín dụng đen"
Thứ hai: 13:48 ngày 24/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thực trạng hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đang len lỏi khắp các tỉnh thành trong cả nước, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, gây mất an ninh trật tự.

Trong nhiều vụ, người vay nợ cùng người thân bị "khủng bố" tinh thần bằng đủ mọi cách thức, bị bắt giữ bất hợp pháp để đòi nợ. Thậm chí xảy ra cả những vụ án mạng đau lòng từ chuyện đòi nợ thuê… Vậy làm cách nào nhận diện "tín dụng đen" và có giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn?

Những cái "bẫy" ngọt ngào…

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nhận diện tín dụng đen và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn" do Báo CAND tổ chức vào chiều 13-12-2018 đã nêu bật được thực tế phức tạp đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành hiện nay về vấn nạn "tín dụng đen" và cả những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan ban, ngành đang gặp phải; qua đó đề xuất những giải pháp căn cơ để phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này. Tham dự buổi giao lưu  có đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh Bình Dương và đại diện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cùng trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc, người dân, các đơn vị, cơ quan… gửi đến.

Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những năm gần đây, dù hệ thống tín dụng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay sản xuất, tiêu dùng với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng người dân tìm đến "tín dụng đen".

Bổ sung thêm, Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương nhận định, hoạt động của các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi gần giống "xã hội đen" nên có thể gọi là "tín dụng đen". Những đối tượng này thường rất manh động, dùng mọi chiêu trò để đòi nợ cho bằng được, thậm chí giết người.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Mặt khác, "tín dụng đen" là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới bị phát hiện.

Một vụ bắt giữ người trái phép liên quan đến "tín dụng đen" bị Công an quận 12 triệt phá ngày 30-10-2018.

Ông Trần Văn Tần lý giải, "tín dụng đen" có ba đặc trưng để nhận diện gồm: Tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất cao; Thủ tục vay rất đơn giản và "tín dụng đen" gắn với hoạt động đe dọa, khủng bố người vay.

Làm rõ thêm về phương thức, thủ đoạn của "tín dụng đen", Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, đối tượng cho vay "tín dụng đen" hầu hết là các cá nhân, doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, có hoạt động cho vay trái phép, với lãi suất cao. Thủ đoạn cho vay tinh vi, thông qua hình thức từ phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng đến sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính… hỗ trợ vay vốn, cho vay tiêu dùng, cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm giấy tờ xe máy, bằng lái xe... là có thể nhận tiền - thời gian cho vay nhanh, thủ tục đơn giản.

Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, hầu như tất cả những hình thức kể trên thực chất là cái "bẫy" vay tiền với lãi suất rất cao. Người vay tiền thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc... Việc không hiểu về cách tính lãi suất khiến cho con nợ dễ dàng rơi vào vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con", tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.

Đáng nói, khi không thể trả được nợ, hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt sẽ xảy ra, làm nảy sinh một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp có hành vi đòi nợ thuê theo kiểu "xã hội đen" ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của người vay; nhẹ hơn thì dùng thủ đoạn "khủng bố" tinh thần con nợ và gia đình, thân nhân của họ bằng các hành vi như nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn (mắm tôm, nước sơn...); có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa viếng, dán cáo phó để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay… Những hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang cho người dân.

Còn người vay khi bị các đối tượng đe dọa thì không dám tố giác, trình báo cơ quan Công an do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính hoặc do sự việc xảy ra quá lâu, kéo dài nên chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Đơn cử như ở địa bàn Bình Dương, Đại tá Nguyễn Văn Thơm cho biết, Công an tỉnh Bình Dương đã cùng nhiều đơn vị tổ chức rà soát, đấu tranh và đã khởi tố 7 nhóm, 23 đối tượng về các tội liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Tuy nhiên, tình trạng "tín dụng đen" ở Bình Dương vẫn còn phức tạp.

Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, số liệu của Công an TP  cho thấy, hiện có hơn 873 đối tượng hành nghề cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", trong đó hơn 2/3 là người ở các tỉnh phía Bắc vào, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã...

Thực tế này được đại diện Cục Cảnh sát Hình sự xác nhận - các đối tượng "tín dụng đen" có xu hướng di chuyển từ Bắc vào Nam, thường là những người có thành tích bất hảo, côn đồ hung hãn, hoạt động vi phạm pháp luật trong nhiều năm và núp bóng dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính.

Khi bị Công an các địa phương tập trung tấn công, trấn áp (nhất là tại các địa bàn phía Nam, Tây Nguyên, các địa bàn giáp ranh phức tạp, có nhiều khu công nghiệp…), các băng nhóm, đối tượng hoạt động "tín dụng đen", đòi nợ thuê dạt ra các vùng ven, chuyển sang hoạt động không có địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau hoạt động lưu động ở nhiều địa bàn, tỉnh thành khác nhau, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng Công an trong việc điều tra, xác minh và xử lý.

 

Cần có sự phối hợp chung để phòng ngừa, xử lý

Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, một trong những khó khăn nhất khi xử lý các băng nhóm "tín dụng đen" là do những bất cập, chưa đồng bộ và chưa đầy đủ giữa các quy định của pháp luật. Đơn cử như việc áp dụng quy định của hành vi cho vay lãi nặng trong các giao dịch dân sự hiện nay còn chưa có hướng dẫn về cách tính lãi suất cho vay và tiền thu lợi bất chính dẫn đến sự không thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong xử lý vụ án.

Kết quả là việc xử lý hành vi cho vay lãi nặng còn lúng túng, chưa phân định rõ ràng giữa vi phạm hình sự với vi phạm hành chính, vụ việc dân sự… Ngoài ra, các quy định về chế tài xử lý hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi khác liên quan đến "tín dụng đen" như đòi nợ thuê, ném chất bẩn, chất thải, chửi bới, bôi nhọ danh dự… còn nhẹ, khó xử lý triệt để và không tạo sự răn đe với các đối tượng. 

Trước thực trạng có chiều hướng phức tạp như vậy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, các địa phương đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp để hoạt động cho vay lãi nặng. Trong đó, tập trung tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm.

Một căn nhà ở quận 3 bị tạt sơn đỏ "khủng bố".

Bộ Công an cũng đã tổng hợp những bất cập, khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý "tín dụng đen" báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất những giải pháp khắc phục, xử lý, đặc biệt là những vấn đề nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an.

Theo Thượng tá Lại Quang Huấn, để xử lý "tín dụng đen" một cách triệt để, về vĩ mô chính là cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định của các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ, có tính dự báo, phòng ngừa lâu dài. Còn trước mắt, khi chưa hoàn thiện các quy định pháp luật, lực lượng Công an và các ban, ngành có liên quan cần phải có sự phối hợp chung để phòng ngừa, xử lý các vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", góp phần giải quyết trước mắt những vấn đề nổi cộm do "tín dụng đen" gây ra.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tần cho biết đẩy mạnh tín dụng chính thức sẽ đẩy lùi "tín dụng đen". Hiện nay, ngành Ngân hàng đang có chủ trương rút ngắn các thủ tục vay vốn, cải cách chính sách cho vay. Khi đến vay vốn, người dân sẽ được hỗ trợ, bớt phải thực hiện những thủ tục rườm rà.

Riêng với khách hàng nhỏ lẻ, để có thể vay tiền ở ngân hàng được tiện lợi hơn, ông Trần Minh Tuấn, đại diện lãnh đạo Eximbank cho hay, Eximbank có nhiều sản phẩm cho vay để phục vụ nhu cầu vốn cho nhiều đối tượng, nhiều mục đích, thời hạn vay cũng như nhiều phương thức trả nợ được thiết kế riêng phù hợp với mọi đối tượng khách hàng cùng với các thủ tục vay đơn giản, dễ dàng hơn trước…

Tổng kết buổi giao lưu trực tuyến, Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND nhấn mạnh, để nhận diện "tín dụng đen", cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác; khi cần vay tiền, hãy đến các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp pháp, không nghe theo những lời quảng cáo trên mạng xã hội, tờ rơi đường phố, trụ điện, tường rào…

Khi thực hiện hợp đồng vay tiền, cần phải đọc kỹ nội dung. Nếu không rõ thì nhờ người tư vấn, tránh ký vào giấy vay nhận mà không hiểu nội dung sẽ gây nhiều hệ lụy về sau. Khi bị đòi nợ trái phép, siết nợ, đe dọa, phải bí mật hoặc nhờ người thân báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời giải quyết…

Nguồn Công An Nhân Dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục