Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 

Cập nhật ngày: 22/06/2020 - 12:13

BTNO - Theo UBND tỉnh, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh dần được khôi phục. Các ngành, địa phương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu kép, với tinh thần vừa chủ động phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xã hội vẫn bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn.

Để tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Mặc dù tình hình sản xuất nông nghiệp, giá cả nông sản tương đối ổn định và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng giá cả một số loại cây ăn quả thấp; thị trường xuất khẩu sang các nước hạn chế do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Một số hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đã hoạt động trở lại, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa tăng so với tháng trước do thực hiện tháo bỏ lệnh giãn cách xã hội.

Ngành chế biến tinh bột khoai mì gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế thì các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải gặp khó khăn những vấn đề như các nội dung liên quan đến chính sách về tài chính, ngân hàng gồm giảm lãi vay, giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi.

Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dù hiện nay giá cả thị trường tương đối ổn định hơn, nhất là các nông sản có hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết như chuối già Nam Mỹ, mít Thái; một số nông sản đang vào mùa thu hoạch chính vụ như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm nên giá các sản phẩm này giá thấp.

Riêng đối lĩnh vực sản xuất chế biến tinh bột khoai mì bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 do xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc. Trong tháng 3, tháng 4.2020, tinh bột mì bị tồn kho, xuất khẩu chậm. Hiện nay giá thu mua khoai mì tiếp tục giảm. Trước tình hình trên, một số nhà máy gặp khó khăn về vốn, không còn tiền đáo hạn ngân hàng và đóng lãi cho ngân hàng. Đa số cơ sở phải ngưng hoạt động, còn một vài cơ sở hoạt động cầm chừng cho công nhân có việc làm.

Ngoài ra, do giá tinh bột khoai mì của Thái Lan hiện nay thấp hơn của Việt Nam nên tinh bột khoai mì của Việt Nam trong thời gian tới sẽ khó cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc. Nhận định ngành kinh doanh tinh bột mì hiện nay nay rủi ro cao nên một số ngân hàng siết chặt các khoản vay, làm cho các nhà máy chế biến tinh bột rất khó khăn khi tiếp cận vốn vay.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải gặp khó khăn trong vấn đề giảm lãi vay, giãn nợ ngân hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 cũng khiến ngành cao su bị ảnh hưởng gián tiếp, sức mua giảm do các hoạt động hạn chế và kinh tế ảnh hưởng dây chuyền. Cụ thể khách hàng chậm thanh toán, kéo dài thời gian giao nhận hàng. Đồng thời giá bán cao su sụt giảm, khả năng hợp đồng bị hủy làm ảnh hưởng đến doanh thu và tiền lương thu nhập người lao động. Ngành chế biến hạt điều dù trở lại từ tháng 5.2020 nhưng giá giảm nên các doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất và thu mua nguyên liệu.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch 1930/KH-SNN ngày 25.5.2020 về tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh và đang thực hiện giải ngân vốn cho 4 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tiếp tục thực hiện thẩm định các dự án còn lại.

Theo UBND tỉnh, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc bởi dịch Covid-19, trong thời gian tới tỉnh đưa ra các giải pháp như tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phóng, chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho người dân.

Song song đó tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường để người dân định hướng sản xuất các mặt hàng nông sản theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững tăng năng suất, khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng nông sản với nông dân, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất tại các vùng chuyên canh tập trung.

Đồng thời dự báo nguồn thu ngân sách phát sinh nộp trên địa bàn, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách mới ban hành để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đôn đốc doanh các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ngoài việc đưa ra các giải pháp, UBND tỉnh cũng đưa ra các kiến nghị như đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo, giám sát các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, giãn nợ. Các ngân hàng thương mại cần có cơ chế giãn nợ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn giúp cho doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đẩy mạnh giải ngân các gói cho ưu đãi cho doanh nghiệp, tiếp tục triển khai các gói vay ưu đãi khác cho doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực thuế, kiến nghị trong năm 2020 được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hoãn nộp thuế giá trị gia tăng và không tính lãi chậm nộp; giảm thuế giá trị gia tăng đối với 1 số ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, dịch vụ, khách sạn, ăn uống...

Thế Nhân