Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 10.7, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu rau củ quả phục vụ chế biến ở Tây Ninh.
Đến dự có ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công thương, TS. Huỳnh Thế Du – giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam, lãnh đạo Công ty Cổ phần Lavifood; đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các trang trại và nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh giải đáp thắc mắc của nông dân và doanh nghiệp.
Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; phân tích thuận lợi, khó khăn, khả năng phát triển của các chuỗi sản phẩm nông nghiệp này… Từ đó có định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, góp phần đưa nền nông nghiệp Tây Ninh phát triển theo hướng nông nghiệp hiệu quả, giá trị cao và bền vững.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đối với ngành hàng rau củ quả, thời gian qua, đa số người nông dân bán non sản phẩm cho thương lái để lấy tiền trước do thiếu vốn sản xuất, hoặc bán sản phẩm ngay sau khi thu hoạch cho thương lái; từ đó, thương lái sẽ bán cho các chợ địa phương, phần lớn vận chuyển đi TP.HCM và các tỉnh, chỉ có một phần rất nhỏ được xuất khẩu đi các nước.
Anh Lê Hoàng Nam – Giám đốc Công ty Nam Trạng phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Bảo quản, chế biến và tiêu thụ vẫn còn mang tính chất thủ công, thô sơ; chưa có chợ đầu mối để tập trung và phân loại sản phẩm để phân phối. Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn rất ít và lỏng lẻo, dẫn đến giá trị gia tăng được tạo ra rất thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do quy mô sản xuất còn nhỏ và phân tán, thiếu diện tích trồng chuyên canh quy mô lớn; quy trình sản xuất theo VietGAP còn rất hạn chế, sản phẩm hầu như chưa có thương hiệu, trừ cây mãng cầu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; bên cạnh đó, chuỗi giá trị ngành hàng rau quả qua nhiều trung gian, chưa hình thành mối liên kết, chưa thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ.
Quy mô sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh còn nhỏ và phân tán (Ảnh minh hoạ: Nông dân thu hoạch dưa hấu).
Định hướng phát triển trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030; xây dựng vùng sản xuất rau củ quả an toàn khoảng 20.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị; hình thành các tổ liên kết, hợp tác xã, tổ chức sản xuất quy mô lớn; quy hoạch các vùng chuyên canh gắn đầu tư kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và phát triển mở rộng bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm hướng đến xuất khẩu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông tin các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; sơ đồ cụm ngành và chuỗi rau củ quả Tây Ninh và xác định vai trò của các bên liên quan; kế hoạch xây dựng và nhu cầu phát triển nguyên liệu, cơ chế chính sách đầu tư phát triển nguyên liệu của Nhà máy Tanifood.
Trúc Ly