Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tháng 5.2020, Tập đoàn Thành Thành Công bày tỏ mong muốn hỗ trợ địa phương xử lý vấn nạn lục bình, trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại Tập đoàn sẽ đồng hành, nỗ lực cùng với địa phương xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thuỷ.
Nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm vào mùa khô.
Vào mùa khô hằng năm, tình trạng lục bình sinh sôi, phủ kín mặt sông Vàm Cỏ Đông ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân. Bên cạnh đó, nước sông bốc mùi hôi làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông.
Trước vấn nạn lục bình và nước sông Vàm Cỏ Đông có dấu hiệu ô nhiễm vào mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các ngành tìm giải pháp xử lý căn cơ tình trạng trên trong thời gian tới.
Năm 2020, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Công ty TNHH Huỳnh Vương (đơn vị được giao xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông từ năm 2017), UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thoả thuận chấm dứt hợp đồng xử lý lục bình với Công ty TNHH Huỳnh Vương, kể từ ngày 26.8.2020.
Tháng 5.2020, Tập đoàn Thành Thành Công bày tỏ mong muốn hỗ trợ địa phương xử lý vấn nạn lục bình, trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại Tập đoàn sẽ đồng hành, nỗ lực cùng với địa phương xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thuỷ.
Từ đầu tháng 6.2020, sau buổi làm việc với Sở GTVT, Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) đã đưa thiết bị vận hành chạy thử nghiệm trục vớt lục bình trên sông. Đây là thiết bị tự hành, nhập từ nước ngoài, đã được cải tiến phù hợp với điều kiện thực tế.
Qua thử nghiệm thiết bị vớt lục bình tự động cho thấy, phương án trục vớt có hiệu quả, quy trình vận hành xử lý lục bình khép kín từ khâu tự động vớt, xay nhỏ, đưa lên bờ để chuyển về nhà máy làm phân vi sinh.
Do thiết bị tự vận hành nên khả năng di chuyển nhanh để xử lý các điểm ùn ứ lục bình cục bộ trên từng đoạn sông Vàm Cỏ Đông, kịp thời giải quyết cho các phương tiện thuỷ nội địa lưu thông.
Để tiếp tục công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, Sở GTVT đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xử lý lục bình của tỉnh và được thống nhất gia hạn thêm thời gian ký hợp đồng xử lý lục bình với Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) trong 4 tháng, từ ngày 9.6.2021 - 9.10.2021.
Hiện Sở GTVT đã ký hợp đồng có thời hạn với công ty thực hiện công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng định mức để tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn đơn vị xử lý lục bình trong thời gian tới theo phương pháp: sử dụng thiết bị tự vận hành chạy trên sông để vớt lục bình, quy trình vận hành khép kín từ khâu tự động vớt, xay nhỏ và chuyển lên bờ để chuyển về nhà máy làm phân vi sinh; kịp thời xử lý các điểm ùn ứ lục bình cục bộ trên từng đoạn sông Vàm Cỏ Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện thuỷ nội địa lưu thông.
Sau khi lựa chọn được nhà thầu, Sở GTVT sẽ yêu cầu đơn vị này cam kết thực hiện hợp đồng, bảo đảm công tác xử lý lục bình đạt hiệu quả.
Về vấn đề nước sông Vàm Cỏ Đông có dấu hiệu bị ô nhiễm vào mùa khô, UBND tỉnh cho biết, để giám sát và bảo vệ chất lượng nguồn nước lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, từ năm 2006 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh quan trắc chất lượng nước sông.
Trong đó, từ năm 2006-2012 lấy mẫu 15 vị trí quan trắc nước mặt với tần suất 4 lần/năm; từ năm 2013 đến nay lấy mẫu 27 vị trí quan trắc với tần suất 12 lần/năm. Riêng vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau), tăng tần suất quan trắc tại một số vị trí quan trọng một lần/ngày để theo dõi diễn biến chất lượng nước lưu vực sông Vàm Cỏ Đông.
Hiện nay, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 4 trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục tại 4 vị trí trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông (cầu Thái Hoà, cầu Gò Chai, cầu Gò Dầu, rạch Trưởng Chừa) và truyền tải dữ liệu về Trung tâm điều hành ghi nhận đữ liệu (đặt tại Sở TN&MT) để theo dõi diễn biến chất lượng nước sông hằng ngày; vào 16 giờ 30 phút truyền dữ liệu về Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh và Bộ TN&MT theo quy định.
Năm 2021, Sở TN&MT tiếp tục lắp đặt 2 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục tại rạch Cái Bắc và bến đò Lộc Giang (vị trí đầu và cuối sông Vàm Cỏ Đông để giám sát chất lượng nước xuyên biên giới và liên tỉnh).
Căn cứ vào kết quả theo dõi, giám sát và nghiên cứu của một số dự án về môi trường cho thấy, chất lượng nước lưu vực sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện theo từng năm, từng giai đoạn.
Tuy nhiên, thời điểm cuối mùa khô và đầu mùa mưa (tháng 4, 5), chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông có một số thông số (như DO, COD...) suy giảm, không đạt quy chuẩn quy định và được cải thiện dần khi mùa mưa đến.
Máy trục vớt lục bình của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp thuộc Tập đoàn Thành Thành Công. Ảnh: Đại Dương
Kết quả giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông trong những năm qua cho thấy có sự tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, thể hiện cụ thể là vào mùa khô, nhiệt độ tăng liên tục, thời tiết nắng nóng dẫn đến nhiệt độ nước sông thay đổi nhanh giữa ngày và đêm và tăng đều ở tất cả các tháng, nhưng giảm dần từ tháng 6 đến tháng 9, sau đó lại tăng lên vào tháng 10 và tháng 11.
Trong khi đó, lượng mưa hằng năm giảm đều qua các tháng, cao nhất vào tháng 11, mùa mưa kết thúc sớm hơn dẫn đến lưu lượng dòng chảy của các sông, suối, rạch khá thấp, cộng với việc lục bình phát triển dày đặc phủ kín mặt sông làm giảm hàm lượng DO trong nước, tăng hàm lượng ôxy hoá học (COD) và ô xy sinh học (BOD) để ô xy hoá các chất ô nhiễm hữu cơ cao (các hợp chất Nitơ, phốt pho...) làm gia tăng phân huỷ kỵ khí, tạo mùi và thay đổi màu nước sông.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp để tăng cường quản lý chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông.
Cụ thể, Công văn số 1914/UBND-KT ngày 15.6.2021 của UBND tỉnh về việc kiểm tra việc xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông; Công văn số 1745/UBND-KT ngày 3.6.2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông.
Tấn Hưng