Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta có nhiều
trường hợp đi tìm hài cốt liệt sĩ, và hầu hết là thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh
phía Bắc vào. Họ đến các địa phương tổ chức cúng bái, đào xới mặt đất để tìm hài
cốt liệt sĩ. Thường thì mỗi đoàn đi bao giờ cũng có một người đồng bóng “nhập
xác gọi hồn” để “chỉ điểm” nơi liệt sĩ hy sinh. Cách làm này mang màu sắc huyền
bí, mê tín dị đoan, gây sự chú ý cho nhiều người hiếu kỳ tập trung đông người
gây ách tắc giao thông và không tránh khỏi ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật
tự địa phương. Còn một điều nữa là khi đoàn xe tìm hài cốt đi đến đâu thì rải
vàng mã đầy đường tạo nên một hình ảnh nhếch nhác trên đường phố. Nhưng theo ghi
nhận của chúng tôi thì gần như chưa có trường hợp nào tìm được hài cốt, mà hầu
hết là đào bới đến khi… không còn sức để đào nữa thì lấy đại một nắm đất nào đó
dưới hố gọi là tượng trưng cho “hài cốt của liệt sĩ”. Được biết những gia đình
có thân nhân là liệt sĩ mỗi chuyến đi vào Nam để tìm hài cốt con em mình đã phải
tiêu tốn hàng chục triệu đồng nhưng kết quả chỉ là những nắm đất bình thường.
 |
Sân
nền bê tông của Uỷ ban xã cũng bị đào bới để tìm hài cốt |
Mới đây chúng tôi chứng kiến một trường hợp đi
tìm hài cốt liệt sĩ hoàn toàn không có căn cứ đáng tin cậy nào khiến cho người
dân hết sức bất bình. Đó là trường hợp diễn ra tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu.
Vào khoảng 17 giờ ngày 21.6.2011, có một đoàn xe từ tỉnh Thái Bình vào xin đào
tìm hài cốt. Điều bất ngờ là “cô đồng” chỉ ngay tại sân trụ sở UBND xã và nói đó
là nơi liệt sĩ hy sinh. Có mặt tại hiện trường chúng tôi được một người đàn ông
tên Lưu Duy Chiến, xưng là “em rể” của liệt sĩ Đỗ Văn Tiết (SN 1952, quê xã Vũ
Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nhập ngũ “năm nào không biết” chỉ biết là
ở đơn vị C1-D14 hy sinh năm 1973. Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa
phương nhóm người này ra sức đào bới, xới tung nền bê tông trên sân trụ sở Uỷ
ban xã lên để tìm hài cốt. Nhưng do sân nền bê tông quá rắn nên họ chỉ đào
khoảng hơn 1 mét thì dừng lại và… hốt 3 cục đất nói là “xương sọ và xương chân”
của liệt sĩ. Những người chứng kiến tại chỗ thấy rõ đó chỉ là mấy nắm đất bình
thường cho nên họ tỏ ra bất bình. Theo một số người lớn tuổi sống tại đây lâu
năm cho biết: trước kia nơi đây có địa thế rất thấp, sau khi trở thành khu dân
cư mới được tôn cao lên, nếu đào tới nền đất cũ phải có hơn 3 mét. Thế mà chỉ
đào chừng 1 mét đã tìm thấy hài cốt thật là một điều hết sức phi lý. Cũng theo
các cụ cao niên ở đây cho biết, trước kia đồn bót của chế độ cũ cách xa gần nửa
cây số, vị trí đó hiện nay là Trường THCS Long Khánh. Còn khu vực trụ sở Uỷ ban
xã hiện nay cụ nhớ rõ là từ những năm 1960 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn
không có cuộc giao tranh nào xảy ra thì làm gì có xương cốt liệt sĩ?! Về phía
đoàn truy tìm hài cốt liệt sĩ, sau khi đào được 1 mét, họ “hốt đại” vài nắm đất
cho vào chiếc thùng sắt rồi vội vã lên xe bỏ đi.
Thiết nghĩ, việc truy tìm hài cốt liệt sĩ phải
có sự phối hợp của ngành chủ quản như ngành LĐ-TB-XH, hoặc đơn vị cũ của liệt
sĩ. Hoặc ít ra cũng có đồng đội còn sống biết rõ nơi chôn cất liệt sĩ, chớ đâu
thể đơn phương đi tìm rồi tuỳ tiện đào bới cả sân trụ sở Uỷ ban xã? Việc truy
tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ là đạo lý và cũng là trách nhiệm của thế hệ hiện
tại. Nhưng không vì thế mà việc truy tìm hài cốt liệt sĩ được làm tuỳ tiện,
không có cơ sở khoa học. Do vậy cách làm tuỳ tiện đó vô hình trung trở thành cơ
hội cho một số kẻ xấu lợi dụng tung tin huyễn hoặc, mê tín dị đoan, gây xáo trộn
sinh hoạt hằng ngày của người dân và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự
ở địa phương.
Minh Tiên