Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tìm hiểu thêm về sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên, ở Long Châu Tiên thạch tự- núi Bà Đen
Thứ tư: 00:18 ngày 11/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Toàn những khối đá lớn hình sừng tê, hình trứng lô xô bên một gốc cây cổ thụ bốn mùa xanh. Đây chính là tháp mộ của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên.

Tháp mộ của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên đã được trùng tu.

Có thể bạn chưa biết tên hiệu hoặc pháp danh của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên. Nhưng, nếu nói đây là ông sư tổ đã từng tụng kinh cho đá tảng ở núi nứt đôi, làm lối đi cho bá tánh thập phương đến viếng chùa thì nhiều người Tây Ninh đã biết, qua cuốn sách “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh, khi ông chép lại thành câu chuyện “Ông Đá nứt hai trên núi Điện Bà” (trang 67, Nxb Thanh niên tái bản năm 2001).

Chuyện rằng: “Xưa, khách hành hương lên núi… muốn viếng chùa Hang, phải đi vòng xuống suối rất cực nhọc khó khăn… là vì giữa đường đi bị một ông Đá chặn lấp… Vị tổ thứ ba của Linh sơn tự là Tánh Thiền lấy làm xốn xang trước cảnh bá tánh phải vất vả đi vòng… Tổ thành tâm cầu nguyện; mỗi đêm Tổ đến nơi ông Đá tụng kinh Kim Cang và khấn vái để có lối đi… Đúng 100 ngày và vào ngày chót, một hiện tượng lạ xảy ra là ông Đá nứt đôi, hai bên đá dang ra chừa một lối đi bề ngang lối 1,5m. Từ đó nhân dân lên núi có lối đi qua chùa Hang một cách dễ dàng…”.

Có điều, đến nay mới có thể khẳng định, tác giả Huỳnh Minh đã nhầm. Nhầm ở vị tổ sư cầu kinh cho đá nứt là: “thầy tổ thứ ba của Linh sơn tự là Tánh Thiền”. Nội dung câu chuyện, thì đúng như Huỳnh Minh đã kể. Nhưng, với nhiều thế hệ các nhà sư ở núi Bà, vị sư ấy lại là Tổ sư Huệ Mạng Kim Tiên. Mà câu chuyện không thể nhầm lẫn được. Vì cả trăm năm nay, các nhà sư tu ở núi Bà vẫn tổ chức lễ huý kỵ cho sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên vào ngày ngài mất, mùng 1 tháng 2 âm lịch (năm nay là ngày 3.3.2022).

Sách “Ngọn đuốc cửa thiền” của Phan Thúc Duy, được Hoà thượng Thích Giác Điền, trụ trì chùa Phước Lâm tái bản năm 1957. Sách có bản: “Liệt vị tổ sư khai sơn hoá đạo núi Điện Bà”. Theo đó, Tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu (còn gọi là Tổ Bưng Đỉa khai sơn núi Điện Bà) là tổ đời thứ 38 dòng tế thượng chánh tông- dòng tu chính của các nhà sư ở núi Bà Đen. Tổ Tánh Thiền là người kế nhiệm, thuộc đời thứ 39. Qua 2 đời sư tổ nữa là Hải Hiệp- Từ Tạng và Thanh Thọ Phước Chí (đời thứ 40 và 41) thì mới đến đời sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên. Hai người Tánh Thiền và Huệ Mạng cách nhau tới 3 đời. Sự nhầm lẫn không đáng có này đến đây cũng nên kết thúc. Để ai đó muốn đi sâu tìm hiểu về núi Bà Đen Tây Ninh, còn gọi là núi Linh sơn từ triều vua Tự Đức không còn tiếp tục trích dẫn sai về các vị sư tổ núi như đã kể trên. Vậy sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên là ai?

Trong dòng người đi lễ hội xuân ở núi Bà, luôn có một dòng người đem theo quả phẩm, hương hoa lên chùa Hang vào đúng mùng 1 tháng 2 âm lịch. Họ lên dự đám huý kỵ (giỗ) thầy tổ Huệ Mạng Kim Tiên, người được coi là “khai sơn hoá thạch” chùa Hang (Long Châu Tiên thạch tự). Ông cũng chính là người tụng kinh suốt 100 ngày làm cho tảng đá lớn nứt làm hai, trên lối bộ chùa Bà đi tới chùa Hang. Tảng đá ấy đến nay vẫn còn nhưng do đường đã được mở rộng thêm một làn vòng ra bên ngoài, nên tảng đá nằm chính giữa. Phần đá gốc vẫn nằm ở bên trong, bốn mùa buông rủ những rèm dây lá xanh tươi. Đang là giữa mùa xuân, nên cáp treo đưa người lên ga chùa Hang lướt qua những vồng hoa vông đỏ thắm, khiến lòng người càng thêm náo nức. Buổi chiều ấy, chùa thường đông đúc. Nhà trù không đủ chỗ, các ni cô trải bạt ngay trước khoảng sân nhỏ hẹp trước chùa làm chỗ dùng cơm chay cho khách hành hương. Đến 13 giờ thì các nhà sư niệm hương vào đám khai chung bảng. Nửa tiếng sau, có lễ khoa nghinh thần chủ. 15 giờ 30 phút có lễ khoa lược phát gồm các chi tiết: múa lửa, cầu siêu cho các vong hồn. Đến 18 giờ có lễ khai kinh và tụng kinh, cho đến 2 tiếng sau tiếp đến lễ đăng đàn chẩn tế- xả giàn. Ngày hôm sau, mùng 2 tháng 2 chỉ thêm một lễ cúng ngọ và Tiên sư nữa là xong.

Nhìn chung, lễ huý kỵ tổ sư là một nghi lễ trịnh trọng nghiêm trang với nhiều màu sắc. Bàn kinh được đặt ngay trước mặt tiền chùa, sau lưng Phật đài Quán Thế Âm. Các nhà sư áo mũ cà sa trịnh trọng. Xen kẽ có thêm những màn múa lửa, cầu siêu trong ánh đuốc chập chờn. Nhưng du khách chờ mong nhất là tiết mục sau cùng của ngày mùng một, đấy là lễ đăng đàn chẩn tế, xả giàn. Giàn ở đây là một cái giàn tre hình trụ tròn buộc hoặc xếp đầy những túi quả phẩm và tờ tiền giấy. Khi các nhà sư phóng vun vút những cây nhang cháy ra bốn phía; cũng là lúc giàn được xả tự do, các khách lấy những gì muốn lấy. Những vật lấy được coi như là lộc được ban cho con người may mắn quanh năm trong dịp mùa xuân.

Ngày huý kỵ sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên.

Từ chùa Hang có lối đi xuống động Huyền Môn- một di tích xưa của Liên đội 7 anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ. Dọc theo lối ấy, xuống vài chục bậc, ta sẽ thấy một ngôi tháp mộ xây chon von bên vách đá. Toàn những khối đá lớn hình sừng tê, hình trứng lô xô bên một gốc cây cổ thụ bốn mùa xanh. Đây chính là tháp mộ của sư tổ Huệ Mạng Kim Tiên. Do người đời sau đã tôn tạo nên tháp có hẳn 3 tầng, tiết diện lục lăng với mỗi tầng đều có mái ngói đỏ tươi trên nền tháp quét sơn vàng tươi mới.

Vậy mà nhìn vào ô cửa duy nhất vẫn thấy được ngôi tháp cũ nhỏ nhoi xây kiểu “bửu đồng”, tức là chỉ có 1 tầng. Trên cái bửu đồng xưa vẫn còn nguyên vẹn tấm bia đá xanh khắc chữ từ xưa để lại. Nhà sư Thích Thiện Trí, trụ trì chùa Thanh Lâm- Gò Dầu dịch lại như nhau: “Tế thượng chánh tông, tứ thập nhị thế.

Huý Trừng Tâm- thượng Phước hạ Kỳ. Hiệu Huệ Mạng Kim Tiên- Tổ sư”. Hai dòng lạc khoản 2 bên cho biết ngài sinh năm Bính Tý (28 tuổi) và viên tịch ngày 1 tháng 2 năm Kỷ Mão. Ngoài các thông tin đã biết, ta còn biết thêm pháp danh ngài là Thích Phước Kỳ, tên huý là Trừng Tâm, tên hiệu là Huệ Mạng Kim Tiên. Tra cứu các nguồn tư liệu Phật giáo Tây Ninh, thì được biết Trừng Tâm cùng với Trừng Tùng, Trừng Long và Trừng Lực là những học trò (đệ tử) của bổn sư Thanh Thọ- Phước Chí.

Tổ sư Thanh Thọ chính là trụ trì chùa Phước Lâm (Vĩnh Xuân). Sau khi khánh thành chùa năm 1872, ngài lên núi Điện Bà xây lại hang núi thành ngôi điện thờ Bà. Các học trò của ông đều trưởng thành xuất sắc: Trừng Tùng- Chơn Thoại kế nghiệp bổn sư, trở thành trụ trì các chùa núi Bà từ năm 1880 đến 1910.

Trừng Lực về xây chùa Phước Lưu, nay ở giữa trung tâm thị xã Trảng Bàng. Trừng Long về xây chùa Thanh Lâm ở thị trấn Gò Dầu. đều là những ngôi chùa lớn và nổi tiếng trên mỗi vùng đất: Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ ngày xưa.

Đối chiếu với tuổi của những vị sư cùng thời, có thể ngài được sinh vào năm Nhâm Tý (1852) chứ không phải là Bính Tý. Và năm ngài mất là Kỷ Mão (1879), gần một thế kỷ rưỡi đã trôi qua. Và lễ giỗ của ngài vẫn cứ đến hẹn lại lên, là ngày 1 tháng 2 âm lịch. Trúng dịp hội xuân, nên lễ giỗ trở thành một lễ hội nhỏ trong lòng lễ hội xuân núi Bà Đen- một lễ hội trọng điểm quốc gia trên miền đất Tây Ninh.

Trần Vũ

Báo Tây Ninh
Tin liên quan