Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chậm chạp của trường ngoài công lập ở Tây Ninh, trong đó, nguyên nhân cốt yếu nhất là không có nhà đầu tư.
(BTN)- “Lãnh đạo tỉnh đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tân Bách Khoa và Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm hoạt động. Có những trường công lập sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông lại thấp hơn Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy vậy, để phát triển, lãnh đạo nhà trường còn nhiều việc phải làm…”. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu như thế tại buổi làm việc với ban lãnh đạo Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tân Bách Khoa (gọi tắt là Trường Tân Bách Khoa) và Trường tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Từng bước tạo dựng uy tín
Báo cáo với lãnh đạo tỉnh,
ông Võ Hiền Phương- Phó Hiệu trưởng Trường Tân Bách Khoa cho biết: tính ở thời
điểm cuối năm học 2012 - 2013, toàn trường có 425 sinh viên, học sinh theo học.
Hiện tại, trường đang đào tạo các chuyên ngành: dược sĩ, kế toán doanh nghiệp,
pháp luật, quản lý đất đai, luật. Trong số các ngành đang đào tạo, có ngành do
nhà trường đào tạo độc lập theo quy định của trường trung cấp, có ngành đào tạo
dưới dạng liên kết với các trường đại học.
Hiện nay trường đang liên kết đào tạo
với Trường đại học Tài nguyên - Môi trường TP. Hồ Chí Minh và Trường đại học Sài
Gòn. Trong những năm qua, nhà trường đã đầu tư cả cơ sở vật chất lẫn đội ngũ để
từng bước cải thiện chất lượng đào tạo. Trong đó, việc thực hiện đúng, đủ số
tiết, số học phần và nội dung chương trình luôn được ban lãnh đạo nhà trường coi
trọng.
Kết quả thi tốt nghiệp của một số ngành học cho thấy có ngành chỉ hơn 70% học viên đủ điều kiện tốt nghiệp trong lần thi thứ nhất. Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi chiếm khoảng 25%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại buổi làm việc ở Trường Tân Bách Khoa |
Không chỉ chú trọng khâu đào tạo, các hoạt động có tính phong trào, rèn luyện đạo đức cũng được nhà trường chú trọng đúng mức. Trong các dịp lễ, ngày kỷ niệm, nhà trường đều tổ chức trò chơi, sinh hoạt văn nghệ cho học sinh, giáo viên tham gia. Phương châm của ban lãnh đạo Trường Tân Bách Khoa là hướng tới một môi trường sư phạm lành mạnh.
Ngoài các ngành nghề hệ
trung cấp, cao đẳng, đại học, hiện Trường Tân Bách Khoa có một Trung tâm Ngoại
ngữ - Tin học đào tạo tiếng Anh dành cho trẻ em và một số đối tượng khác. Tại
Trung tâm đang có gần 200 người theo học. Trường Tân Bách Khoa có mặt bằng rộng
hơn 5.500 mét vuông, có phòng học lý thuyết, phòng học thực hành, thí nghiệm và
các phòng học chức năng theo đúng quy định. Ngoài 22 phòng học riêng, nhà trường
có một giảng đường 100 chỗ ngồi, một thư viện có khoảng 600 đầu sách phục vụ cho
học sinh, giáo viên tham khảo, nghiên cứu.
Năm học 2013 - 2014, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo. Theo đó, trường sẽ xin phép mở thêm một số ngành học mới như y sĩ, điều dưỡng, sư phạm mầm non, hành chính - văn phòng. Các ngành học mới này hiện đang chờ Sở Giáo dục - Đào tạo xem xét, thẩm định.
Bên cạnh những thuận lợi, Trường Tân Bách Khoa cũng đang đối mặt không ít khó khăn: chất lượng đầu vào thấp, ý thức học tập của một số học sinh, sinh viên chưa cao, do quan niệm “trường tư thì phải dễ” nên nhiều người học chưa thật sự nghiêm túc trong học tập. Học phí trường tư cao hơn trường công nên việc thu hút người học cũng là điều không đơn giản.
Để tạo điều kiện cho trường
hoạt động, ban lãnh đạo Trường Tân Bách Khoa kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho phép
nhà trường được thuê đất dài hạn với thời gian 50 năm (hợp đồng thuê đất hiện
tại sẽ hết hạn vào đầu năm 2016). Các cơ quan hoạch định chính sách của tỉnh có
thể dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương trong thời gian từ 2 - 5 năm để nhà
trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề
cho tỉnh.
Lãnh đạo trường cũng bày tỏ nguyện vọng được tỉnh giao đào tạo các lớp bồi dưỡng, chuẩn hoá, nâng cao trình độ cho cán bộ, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Riêng Trường Nguyễn Bỉnh
Khiêm, ông Trương Văn Thanh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: vào cuối năm học
2012 - 2013, toàn trường có 680 học sinh. So với nhiều trường công lập, chất
lượng đầu vào của nhà trường thấp hơn nhiều.
Tuy vậy, năm học 2012 - 2013, có 80% học sinh bậc THPT của trường đã thi đỗ tốt nghiệp. Tính đến ngày 28.8 vừa qua, toàn trường có 13 em thi đỗ đại học và 32 em thi đỗ vào các trường cao đẳng. Tính ra, tỷ lệ thi đỗ đại học, cao đẳng đạt 27%. Lãnh đạo Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng kiến nghị tỉnh cho thuê đất với thời hạn 50 năm để nhà trường an tâm đầu tư xây khu nội trú hoàn chỉnh cho học sinh ở.
Ông Trần Công Toại, chủ nhân của hai ngôi trường nói trên cho biết: hội đồng quản trị, ban giám hiệu hai trường sẽ ưu tiên cho việc cải thiện chất lượng đào tạo. Theo khảo sát của Trường Tân Bách Khoa, ít nhất 80% học sinh lớp kế toán doanh nghiệp đã tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh: không phân biệt trường công hay trường tư
Tại buổi làm việc, nhiều đại
diện các sở, ngành bày tỏ sự chia sẻ, giúp sức, gợi mở đối với hai ngôi trường
ngoài công lập nói trên. Chủ tịch UBND tỉnh ngỏ lời biểu dương sự nỗ lực của ban
lãnh đạo hai trường, đặc biệt là Trường Tân Bách Khoa. Bà nói: “Có những thời
điểm khó khăn, ngặt nghèo tưởng chừng không vượt qua được nhưng lãnh đạo nhà
trường đã nỗ lực vượt qua để nhà trường phát triển được như hôm nay”.
Vẫn theo
lời Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh ủng hộ nhà trường thuê đất dài hạn nhưng
với điều kiện “ban lãnh đạo trường phải có đề án cụ thể về định hướng, dự báo
được sự phát triển của nhà trường”. Bà cũng yêu cầu lãnh đạo hai trường phải có
cam kết trước khi được thuê đất và phải thực hiện đúng các cam kết ấy. Trước
mắt, Trường Tân Bách Khoa cần được nâng cấp về cơ sở vật chất, xây dựng phòng ốc
cho khang trang, bề thế hơn, xứng đáng là trường trung cấp chuyên nghiệp. Nhà
trường cần làm tốt hơn khâu quảng bá, đưa nhà trường đến với phụ huynh, học
sinh.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không phân biệt trường công hay trường tư, chỉ yêu cầu nhà trường phải hoạt động có hiệu quả, có đóng góp cho xã hội.
Giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Đối với Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Thuỷ lưu ý: nhà trường cần xem xét lại có nên duy trì bậc tiểu học và trung học cơ sở trong trường hay không, vì số lượng học sinh hiện có quá ít.
So với các tỉnh trong khu vực, hệ thống trường ngoài công lập của Tây Ninh hiện còn rất mỏng, quy mô cũng nhỏ. Ngoài hai trường Tân Bách Khoa và Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn có một số trường mầm non ngoài công lập nhưng quy mô chỉ nhỉnh hơn chút ít so với các nhóm trẻ do hộ gia đình lập ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến
sự phát triển chậm chạp của trường ngoài công lập ở Tây Ninh, trong đó, nguyên
nhân cốt yếu nhất là không có nhà đầu tư. Về vị trí địa lý, Tây Ninh rất gần
thành phố Hồ Chí Minh nên nhiều gia đình khá giả đều có khuynh hướng cho con em
đến các trường tư thục có tiếng ở thành phố để theo học. Giả thiết, nếu Tây Ninh
có thêm trường phổ thông tư thục, dân lập thì cũng chưa chắc đã thu hút được học
sinh, vì trường công lập vẫn còn đủ chỗ với chi phí học tập thấp hơn.
Điều này giải thích vì sao các nhà đầu tư không mặn mà với việc thành lập trường ngoài công lập, đặc biệt là trường phổ thông tại Tây Ninh. Thực tế cho thấy, tại Tây Ninh, chỉ có trường mầm non ngoài công lập được coi là có triển vọng nhất trong các bậc học, phần vì nhu cầu gửi con của phụ huynh có con nhỏ, phần vì các cháu mầm non còn quá nhỏ, chưa thể sống xa cha mẹ.
Việt Đông